Thực trạng những vấn đề đạo đức xã hội không được đề cập, chú trọng khai thác trong văn học nghệ thuật hiện nay được đặt ra căng thẳng và cấp bách nhưng để cải thiện thì cần có giải pháp.
Tạo niềm tin, động lực
Văn học nghệ thuật thời kỳ đầu đổi mới đã ghi dấu ấn bằng hàng loạt tác phẩm thuộc mọi lĩnh vực phản ánh sâu sát hiện thực xã hội, thức tỉnh lương tri, hướng thiện. Nhưng vì sao những năm gần đây văn học nghệ thuật gần như bị thương mại hóa, chạy theo nhu cầu giải trí đơn thuần?
Bàn về giải pháp, giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP HCM, cho rằng vấn đề cần nhất hiện nay chính là tạo niềm tin cho đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật khi nói lên sự thật thông qua tác phẩm. “Có nhiều bộ phận không đồng tình việc buộc văn học nghệ thuật gánh vác trọng trách chấn hưng đạo đức của toàn xã hội vì họ cho rằng ngày nay, văn học nghệ thuật đơn thuần là giải trí. Vì vậy, đưa văn học nghệ thuật vào quỹ đạo chung trong một xã hội đang hội nhập rất cần xác định chuẩn mực. Chiến lược ở đây chính là phương thức đưa văn học nghệ thuật đến quỹ đạo đó và khi đã có niềm tin, có động lực thì văn nghệ sĩ sẽ sáng tác theo chuẩn mực đạo đức thông qua từng tác phẩm”.
Văn học nghệ thuật phải gieo niềm tin tốt đẹp vào cuộc sống, hướng con người đến với giá trị chân - thiện - mỹ; nâng cao đời sống dân trí nhưng còn vai trò quản lý và định hướng của nhà nước sẽ thể hiện thế nào trong những thay đổi về định hướng sáng tác cho giới văn nghệ và hưởng thụ nghệ thuật của công chúng? NSND Kim Cương đề nghị: “Đã đến lúc nhà nước và các cơ quan, tổ chức phải vào cuộc, không thể bắt văn nghệ sĩ chúng tôi tự hô hào, động viên nhau. Vai trò quản lý của nhà nước thông qua các cơ quan chuyên môn, các hội chuyên ngành rất quan trọng. Ai làm tốt được khen thưởng đúng lúc, ai làm sai cần phải điều chỉnh kịp thời, thậm chí xử phạt thật nghiêm. Hơn ai hết, các cơ quan này phải làm gương”.
Trách nhiệm nghệ sĩ
Đối với cá nhân nghệ sĩ, cần nỗ lực của mỗi người. NSND Phạm Thị Thành cho biết trước đây, bà và một số cán bộ của Cục Nghệ thuật Biểu diễn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đến 3 tỉnh miền Trung: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên để xúc tiến việc đưa nghệ thuật chèo, tuồng vào học đường. Những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức xã hội có trong các tác phẩm của các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc cần được khai thác và truyền bá. Do vậy, giải pháp cụ thể nhất để đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức trong xã hội, đặc biệt trong một bộ phận giới trẻ không nhỏ, theo bà chính là giáo dục thẩm mỹ thông qua tác phẩm. Những tích tuồng, kịch bản chèo, vở cải lương, bài bản đờn ca tài tử hay sách vở truyện, phim, tiểu thuyết tốt đều nâng cao văn hóa truyền thống dân tộc, tôn vinh những giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt. “Hãy cho các em học sinh được tiếp cận với văn hóa nghệ thuật từ nhỏ thì sẽ biết nâng niu, hướng tâm hồn đến những giá trị chân - thiện - mỹ” - NSND Phạm Thị Thành nói.
Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, ủy viên BCH Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP HCM, cũng đồng thuận với ý kiến hướng tới giáo dục: “Chiến lược ưu tiên hàng đầu là phải phối hợp được giữa văn học nghệ thuật và giáo dục. Thêm nữa, cần có hành lang pháp lý để ngăn chặn những biểu hiện cổ xúy cho sáng tác có nội dung dung tục, phá hoại đạo đức truyền thống của dân tộc”.
Khen phạt phân minh
“Chấn hưng đạo đức xã hội và phát triển nhân cách không chỉ là trách nhiệm của riêng văn nghệ sĩ. Tôi muốn nói đến trách nhiệm của lãnh đạo và cơ quan quản lý các cấp, trước hết là định hướng cho việc sáng tạo, sau đó làm bà đỡ cho tác phẩm có giá trị, bồi dưỡng và nâng cao thẩm mỹ của công chúng” - ông Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh.
Theo tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm, Viện Nghiên cứu phát triển văn hóa - xã hội, phải có chế độ, chính sách ưu đãi để hướng các tác phẩm đến với mục đích góp phần thay đổi nhận thức, lối sống, đạo đức trong cộng đồng. Khen phạt phải phân minh. “Ngân sách cấp cho các đơn vị nghệ thuật quốc doanh cần phải xem lại, nếu làm không được việc thì ngưng, giao kinh phí cho các đơn vị xã hội hóa thực hiện. Không ai bỏ tiền túi làm tác phẩm để chờ được vinh danh, họ cần có kinh phí làm tác phẩm theo những chuẩn mực mà nhà nước cần” - bà Tâm nói.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho rằng những người làm trong lĩnh vực sáng tạo phải thật tĩnh tâm, hướng về giá trị nguồn cội. Mong chờ chính sách thay đổi nhưng mình phải tự “cứu lấy mình” trước đã. Sáng tạo ra những tác phẩm tốt nghĩa là mình tự cứu mình mà cứu thêm được bao nhiêu người khác. Bài thơ có thể trở thành ca khúc, cuốn sách có thể trở thành bộ phim, càng nhiều người đọc, nghe, xem thì càng có sự lan tỏa cái tốt trong cộng đồng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-11
“Có 4 thành tố tác động đến hành vi đạo đức của con người trong xã hội: pháp luật, dư luận, phong tục tập quán và biểu tượng của văn hóa tâm linh. Chấn hưng đạo đức xã hội thì phải củng cố 4 thành tố này. Lung lay 1 trong 4 sẽ mất nền văn hóa và vấn đề đạo đức xã hội tiếp tục suy thoái” - Giáo sư Hoàng Chương nhận định.
Cần chấn chỉnh truyền thông
Không phát biểu tại hội thảo nhưng NSND Hồng Vân, đại biểu HĐND TP HCM, góp thêm ý kiến: “Chiến lược thế nào, tôi chưa biết nhưng trong tầm tay của các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật là chấn chỉnh ngay những trang mạng quảng bá, cổ xúy cho văn hóa ngoại lai. Mình đang cố gầy dựng hình ảnh đẹp, giềng mối đạo đức của dân tộc thì ngược lại, những trang mạng hằng ngày đăng tải hình ảnh hở hang, giật gân, câu khách. Cần phạt và cấm xuất bản. Đối với những trang cá nhân gây xì-căng-đan để nổi tiếng phải có biện pháp trừng phạt.
Ca sĩ NSƯT Hồng Vân cho rằng: “Nói thì phải làm chứ đừng… lơ. Chiến lược tầm vĩ mô tôi không dám bàn nhưng một khi lòng tự trọng con người không được giáo dục ngay tại địa phương, trong từng gia đình, khu phố là xem như hỏng. Chúng ta phát triển kinh tế nhưng để văn hóa, đạo đức xuống cấp thì liệu có ngẩng mặt được trước tiền nhân?
Bình luận (0)