icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Văn học Việt đang “buông mái chèo”

TIỂU QUYÊN

Rất hiếm hoi những tác phẩm văn học Việt được ấn hành trong những tháng qua. Dòng văn học mạng sau thời gian chịu nhiều phán xét của dư luận cũng đã chùn lại. Sự vắng mặt của các cây bút từng tạo dấu ấn cũng là một nguyên nhân

Cùng thời điểm này vào năm ngoái, có rất nhiều tác phẩm văn học trong nước được xuất bản. Nhiều tác phẩm sau đó đã trở thành sách best-seller và sự ảnh hưởng của nó đến đời sống văn học là không nhỏ. Nhưng năm nay, không khí văn học có vẻ khá im ắng khi gần như rất ít tác phẩm văn học Việt được xuất bản - tính đến thời điểm này.

img
Những tác phẩm hiếm hoi được xuất bản vào đầu năm  2009

Thoái trào?


Có thể nói, văn học Việt xoay theo nhiều trào lưu kiểu như: dòng văn học tự truyện; đề tài đồng tính, có yếu tố sex; văn học mạng... Trong năm qua, những trào lưu này cũng đã tạo thành những làn sóng “nổi cộm” khi có nhiều tác phẩm ra đời đã làm cho văn đàn xôn xao- mặc dù có nhiều tác phẩm chỉ mang yếu tố “lạ”.


Khi mỗi một trào lưu đi qua thì dòng trôi văn học có vẻ như chững lại. Văn đàn khó tránh khỏi sự im vắng khi thiếu những tác phẩm đủ sức tạo một sự khuấy động vang xa. Sự im vắng này càng được thể hiện rõ nét hơn khi thời gian qua rất hiếm hoi những tác phẩm văn học Việt được ấn hành. Điểm lại chặng đường văn học từ đầu năm 2009 đến nay chỉ có vài ba tác phẩm mới, như: Chuyện tào lao của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, Nước Mỹ, nước Mỹ của Phan Việt, Trại hoa đỏ của Di Li, Gọi con người của Hòa Bình... Thế nhưng, sức hút và ảnh hưởng của mỗi tác phẩm cũng ở tầng nấc rất khác nhau.


Nhà văn trẻ Phan Việt, từng gây ấn tượng với tác phẩm Tiếng người,chưa đủ sức làm rung động độc giả thêm lần nữa khi xuất bản tác phẩm mới Nước Mỹ, nước Mỹ (NXB Trẻ và Phương Nam Book ấn hành). Có vẻ như Nước Mỹ, nước Mỹ chỉ dừng lại ở ngưỡng khai thác chi tiết cuộc sống đời thường của nhân vật. Bối cảnh là chỉ một sự chuyển đổi không gian và cảm nhận mới lạ của nhân vật khi đối diện với cuộc sống mới, con người mới với những vụn vặt cá nhân chứ chưa đủ sức cho độc giả nhìn thấy chiều sâu khốc liệt khác về hành trình của con người trên đất lạ. Chuyện tào lao (về kẻ quấy rối và chồng cô ta - NXB Trẻ) của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần ám ảnh người đọc hơn khi tác giả mang đến một giọng văn khác, một góc nhìn cuộc sống đau xót về nỗi cô đơn đến cùng cực của con người nhưng chưa đủ sức khuấy động văn đàn.


Im ắng những cây bút “đình đám”   


Văn học ngày nay được ví như một vụ mùa, nhưng không phải nhà văn nào cũng có thể chuyên canh đều đặn cho mùa vụ của mình. Sự vắng mặt của các cây bút từng tạo dấu ấn cũng là một thiếu vắng lớn cho đời sống văn học. Như nhà văn đất Mũi Nguyễn Ngọc Tư năm nay sẽ phải dành nhiều thời gian cho chú nhóc kháu khỉnh của mình. Nhà văn Đoàn Minh Phượng cũng “tạm vắng” sau Và khi cho tro bụi và Mưa ở kiếp sau. Nguyễn Danh Lam sau Giữa vòng vây trần gian cũng “im hơi lặng tiếng” khá lâu với đường văn. Nhà văn Thuận cũng chưa tạo nên một đột phá nào lớn hơn Paris 11 tháng 8 trước đó...


Có vẻ như văn học đang trong giai đoạn “buông mái chèo” và... đợi trào lưu để có thể có sức sống trở lại. Dòng văn học mạng sau thời gian chịu nhiều phán xét của dư luận cũng đã chùn lại. Những người viết trẻ cũng đã dừng lại để tạo đà trước khi khẳng định được tên tuổi mình trên văn đàn.


Chờ đợi gì ở những tác phẩm mới?      


Trong thời gian tới, sẽ có thêm một vài tác phẩm ra mắt độc giả. Nhà văn Dương Thụy sẽ trình làng tác phẩm Venise và những cuộc tình gondola vào đầu tháng 4 tới. Đây là một dạng sách du ký ghi lại những cảm nhận của tác giả về thiên nhiên, con người và cả những nét văn hóa ở nhiều nước châu Âu. Phan Hồn Nhiên cũng cho biết chị đang cho in tập truyện Cánh trái. Nhà văn Lý Lan cũng có tập truyện ngắn Hồi xuân mà theo tác giả là truyện “sẽ chứa đựng nhiều góc nhìn về cuộc sống xã hội và vẫn sẽ vương vất hình ảnh của người phụ nữ trong tác phẩm”. “Cây bút trẻ” - nghệ sĩ Mạc Can chăm chút cho cuốn tiểu thuyết Tờ vé số cuối cùng và âm thầm viết tiếp 3 đề tài mà ông ấp ủ. Nhà văn Vũ Đình Giang cũng đang “theo đuổi” một đề tài cho tiểu thuyết có thể sẽ ra mắt vào khoảng giữa năm nay. Nhà văn Trung Trung Đỉnh thì đang tìm đầu ra cho tác phẩm Lính trận mà ông đã viết và chăm chút từ rất lâu. Còn “nhà văn best-seller” Nguyễn Nhật Ánh thì đang tập trung viết thêm 6 tập tiếp theo của bộ truyện Kính vạn hoa. Năm nay, anh không có ý định viết thêm tác phẩm nào khác cho “dự án mùa hè” của mình...


Thế nhưng, chừng ấy tác phẩm chưa thể hứa hẹn điều gì về một mùa bội thu cho văn học. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói: “Với văn học, chúng ta cần sự kiên nhẫn”. Có nhiều nhà văn nói rằng muốn “nhường sân” cho các cây bút trẻ, cũng giống như nhà văn Lý Lan mang niềm tin kỳ vọng vào thế hệ những người cầm bút sau này. Nhưng nhìn trên bình diện chung, các cây bút trẻ vẫn còn chập chững bước đi trên con đường chinh phục độc giả. 

Sự góp mặt dàn trải và hiếm hoi của các tác phẩm văn học ở những điểm rơi khác nhau như hiện nay khó có thể góp thành một dòng chảy mạnh mẽ cho văn học Việt.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo