“Thị trường xuất bản Việt Nam hiện tại quy mô vẫn còn quá nhỏ, sức mua thấp, giá cả tùy tiện, cạnh tranh thiếu lành mạnh, vai trò của hiệp hội xuất bản còn thấp, thiếu gắn kết giữa NXB và tác giả, lẫn lộn chức năng giữa NXB và đối tác liên kết, nhiều khi NXB lại chỉ ngồi “bán” giấy phép, còn công ty liên kết lại làm thay những trách nhiệm của NXB” - ông Vũ Ngọc Hoan, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, phát biểu thẳng thắn tại buổi tọa đàm về bản quyền trong lĩnh vực xuất bản được tổ chức ở TP HCM sáng 26-8.
Để tư nhân quyết định xuất bản phẩm
Nhiều đại biểu cho rằng ngay cả khi đã “được” đặt vào vị trí quan trọng là làm thay NXB như lời ông Vũ Ngọc Hoan, rất nhiều công ty làm sách tỏ ra quá yếu kém về năng lực chuyên môn, trình độ nhận thức lẫn ứng xử với thị trường.
Thực trạng xuất bản hiện nay là các công ty kinh doanh ít hiểu biết về sách nhưng lại quyết định đường đi nước bước của ngành xuất bản, nhiều lần làm chao đảo thị trường. “Nổi cộm nhất là vụ nghệ sĩ Công Lý lên bìa sách luật liên quan đến cả 3 đơn vị: NXB, nhà in và công ty đối tác liên kết phát hành”. Bà Lam Giang - Phó trưởng Phòng Báo chí xuất bản, Cục Công tác phía Nam, Bộ Thông tin Truyền thông - khẳng định. Bà Giang cho biết tùy theo từng sự việc mà cơ quan chức năng xử lý mức độ khác nhau đối với trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân. Riêng vụ cuốn sách luật vi phạm này, tổng tiền phạt cả 3 đơn vị phải nộp lên tới gần 500 triệu đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng không ít đơn vị làm trong ngành xuất bản vẫn còn lơ mơ, chưa nắm rõ hệ thống pháp luật về quyền tác giả của Việt Nam và quốc tế, mối quan hệ giữa quyền tác giả với hoạt động xuất bản. Để tham gia các cộng đồng thương mại lớn, chúng ta buộc phải học để hiểu và thực hành theo luật, đối xử công bằng và văn minh với các tác giả nước ngoài. Còn mối quan hệ giữa các đơn vị trong chính cộng đồng Việt Nam và quan hệ với các tác giả Việt Nam thì chưa thật sự quan tâm.
In lậu tràn lan
Tình trạng in lậu tràn lan trong thời gian qua khiến cơ quan chức năng đau đầu, khó có phương án chống đỡ khả thi. “Mới nhất là vụ bắt giữ 50.000 cuốn sách giáo khoa in lậu có dán tem NXB Giáo dục ở Công ty Văn Hiến (Hà Nội) hoặc cách đây 2 năm là vụ bắt giữ 2,5 tấn sách lậu ở cơ sở in Huy Thi (Hà Nội). Bằng chứng rành rành nhưng khi Công ty Văn hóa sáng tạo FirstNews - Trí Việt đưa cơ sở in Huy Thi ra tòa, nguyên đơn vẫn thua kiện” - ông Vũ Ngọc Hoan cho biết.
Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, việc FirstNews - Trí Việt thua kiện có thể tạo ra tiền lệ rất xấu cho ngành xuất bản. “Luật quy định chưa đủ để xử lý hình sự mà chỉ phạt hành chính nên các đơn vị làm ăn chụp giật không sợ” - ông Hoàng nhận định.
Khi mua bản quyền một ấn phẩm hoặc ký xong hợp đồng với tác giả, các đơn vị phát hành ở Việt Nam tha hồ tự do quyết định mức chiết khấu trực tiếp cho khách hàng, sẵn sàng bán phá giá thị trường, chỗ này giảm 20% thì chỗ khác phải giảm 30%, thậm chí sách vừa mới ra đã đề giảm giá 35%. Thậm chí, có cuốn nổi bật, thu hút độc giả còn bị in lậu chỉ sau vài ngày ra mắt, đầu nậu tự đẩy giá lên cao hơn giá thật rồi chiết khấu tới 40% cho người mua. Người đọc không phân biệt rõ nên cứ thấy cuốn sách mình thích được giảm giá nhiều thì mua. Mang về nhà rồi mới biết bị lừa, lần sau người đọc càng không muốn mua sách bởi không biết tin vào ai.
Chưa có sàn giao dịch tác quyền
Nhiều đại diện các đơn vị xuất bản có mặt tại buổi tọa đàm cũng đặt vấn đề: “Để tìm thông tin bản quyền những cuốn sách mình quan tâm hoặc công bố bản quyền các ấn phẩm đã mua được thì làm thế nào cho đỡ mất thời gian và không giẫm chân lên nhau?”. Ở Việt Nam, chưa hề có một sàn giao dịch tác quyền nào, cũng không có bất cứ kho dữ liệu nào. Các tác phẩm không rõ tác giả là ai (khuyết danh), tác phẩm văn học dân gian mà đơn vị xuất bản muốn trả tác quyền thì trả cho ai? Ai quản lý?
Bình luận (0)