xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Về mấy tục ngữ, thành ngữ bị cho là sai

Bài và ảnh: HOÀNG TUẤN CÔNG

Tuần qua, mạng xã hội tranh luận về bài “7 câu thành ngữ, tục ngữ ai cũng quen dùng nhưng toàn bị sai” trên Kênh 14. Tuy nhiên, hầu hết phương án “sửa sai” không có gì mới, thậm chí có câu “bò lành đánh bò què”

Trong khuôn khổ bài viết này, xin chọn ra 4/7 câu mà Kênh 14 cho là sai để trao đổi lại.

“Dùi đục chấm mắm cáy”

Kênh 14: Dùi đục “không có ý nghĩa”, mà phải là “bầu dục”, vì “Bầu dục là món ngon, nhưng lại chấm mắm cáy - thứ nước chấm “xoàng”, chỉ sự kết hợp không hài hòa, bất cân xứng”.

- Chưa chính xác. Vì “xoàng” như muối trắng mà hợp thì vẫn ngon. Đúng ra là không biết thưởng thức: Bầu dục có mùi hơi nồng, khắm, đem chấm với mắm cáy cũng vừa kháy vừa nồng thì còn gì là ngon nữa? (có câu “Chủng chẳng như bầu dục mắm cáy” là vậy). Ấy là sự thiếu tinh tế, quê mùa, “chặt to, kho mặn” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cũng không nên vì món “bầu dục” mà vứt “dùi đục” đi.

 

Giai đoạn gà “mọc đuôi tôm”, tự đi kiếm ăn
Giai đoạn gà “mọc đuôi tôm”, tự đi kiếm ăn

 

“Dùi đục” ám chỉ sự thô kệch, cục cằn, bốp chát, quen dùng sức mạnh (“Ai đem dùi đục đi hỏi vợ”; “Bàn tay dùi đục”). Còn mắm cáy đồng nghĩa với món dân dã, rẻ tiền, kém sang trọng (“Ăn thịt bò lo ngay ngáy, ăn mắm cáy ngáy kho kho”). Bởi vậy, “Dùi đục mắm cáy”, hay “Dùi đục chấm mắm cáy” là cách nói chế giễu sự cục cằn, quê kệch, thô lỗ mà thôi. Thành ngữ đôi khi không có nghĩa đen trong thực tế mà chỉ là cách nói ngoa dụ (ví dụ: “Chẻ sợi tóc làm tư”, “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”).

“Cao chạy xa bay”

Kênh 14: “Xa chạy cao bay” mới đúng, vì “ai có thể chạy cao?”.

- Điều đó không sai. Thành ngữ gốc Hán có câu “Cao phi viễn tẩu - 高 飛 遠 走 - Bay cao, chạy xa. Nguyễn Du cũng viết: “Liệu mà xa chạy cao bay/Ái ân ta có ngần này mà thôi” (Kiều). Hay cổ ngạn: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu dã nan đào - 善 惡 到 頭 終 有 報, 高 飛 遠 走 也 難 逃 - Thiện ác cuối cùng cũng sẽ báo, bay cao chạy xa cũng khó thoát”.

Ngoài nghĩa: tìm đường thoát khỏi nơi nguy hiểm càng xa càng tốt thì thành ngữ còn được hiểu: kẻ (nào đó) đã đào thoát biệt tăm biệt tích rồi. Bởi vậy, không nên vì “xa chạy” mà bỏ phương án “cao chạy”. Dân gian còn nói “Chạy đằng trời” (không chạy thoát được; chỉ chạy đằng trời mới thoát); “Tìm đằng trời” (không thể tìm được; chỉ có nước lên trời mới tìm được). Thế nên, “Cao chạy, xa bay” là cách nói nhấn mạnh, hài hước, ý chỉ (nó) đã trốn biệt tăm, không để lại chút vết tích nào.

Thế nên, cái “phi logic” của “cao chạy” có thể chấp nhận được, thậm chí là hay trong lối nói ngoa dụ của dân gian. Chúng ta cũng thường gặp những thành ngữ “phi logic” kiểu như vậy trong tiếng Việt: thượng cẳng chân hạ cẳng tay, con ông cháu cha, đường kim mũi chỉ, hương lạnh khói tàn, ruộng cả ao liền…

“Râu ông nọ cắm cằm bà kia”

Kênh 14: Nghĩa gốc là “Dâu ông nọ chăn tằm bà kia”.

- Lý giải này hoàn toàn thiếu căn cứ. Vì dân gian cố tình tạo ra sự vô lý (đàn bà đâu có râu mà lắp vào) để chỉ sự nhầm lẫn, lắp ghép, lộn xộn, không chấp nhận được. Đồng nghĩa: “Ngô đầu, Sở vĩ - 頭 楚 尾 - đầu Ngô, đuôi Sở; đầu Ngô, mình Sở.

“Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”

Kênh 14: “vọc niêu tôm” mới đúng.

- Vọc niêu tôm, vọc niêu cơm, sục niêu tôm... đã được đưa ra từ lâu nhưng suy cho kỹ, các kiểu “vọc”, “sục” nói trên đều không ổn.

Niêu tôm không phải mồi gà ưa thích, mở nắp vung cũng không phải là lối kiếm ăn của gia cầm.

Nếu niêu cơm đã mở vung, đàn gà sẽ không dừng ở “vọc” mà mổ ăn thực sự, cơm tung tóe. Trong khi chữ “vọc” hoàn toàn không miêu tả động tác mổ, bới của con gà. Người ta chỉ nói “chuột vọc” (chuột dùng chân hoặc răng nhấm thử), còn “sục” chỉ hợp với mõm con chó...

Chúng tôi cho rằng hình thức đúng của câu tục ngữ vẫn là “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”.

Xưa kia, nông dân thường nuôi gà ổ. Sau khi nở, cả đàn gà con theo mẹ kiếm mồi. Mẹ gà chăm sóc đàn con rất cẩn thận, sẵn sàng liều mình chống lại các mối đe dọa, như chó, mèo, diều, quạ... Mẹ gà dạy con cách tìm mồi, nhận biết nguy hiểm; vừa bới đất vừa nghe ngóng, nếu thấy nguy hiểm, lập tức nó phát tín hiệu cố...ố...qu…ác...qu...ác báo động, rồi tục...tục “thu quân”. Gà con dù đang mải mê ở đâu, nghe tiếng cảnh báo cũng chạy vội tới, chui hết vào đôi cánh gà mẹ. Có chú gà nào đùa nghịch chọi nhau, liền bị gà mẹ mổ cho vài cái là “giải tán” ngay. Chú nào lạc mẹ thì nháo nhác, kêu chiếp... chiếp rất thảm thiết, chừng nào tìm được mẹ mới thôi (Nháo nhác như gà lạc mẹ). Cả “gia đình gà” quây quần ấm áp bên nhau thật bình yên, trật tự.

Khoảng hơn một tháng sau nở, cái đuôi gà con nhú lên khum khum hệt cái đuôi (con) tôm. Khi gà con mọc đuôi tôm cũng là lúc (theo bản năng) gà mẹ xua đuổi, bắt đàn con phải tự lập, bước vào lứa sinh đẻ mới. Nếu con nào vẫn chạy theo sẽ bị mẹ gà đánh đuổi, mổ thật lực, kêu choe chóe. Trước kia, gà mẹ săn sóc, bảo vệ, yêu thương đàn con bao nhiêu thì bây giờ nó dửng dưng, vô tình bấy nhiêu (dân gian gọi là “gà bỏ con”). Thế là, anh em nhà gà con bắt đầu cuộc sống tự lập: đi kiếm ăn mà không có gà mẹ theo kèm.

Sau vài ngày đầu nháo nhác, đàn gà con bắt đầu mạnh dạn hơn. Chúng vẫn giữ thói quen đi ăn theo bầy và rất hiếu động. Cả bầy chui luồn mọi xó xỉnh, hết ngoài vườn đến trong nhà; từ gầm giường, xó tủ đến bồ thóc, thúng gạo đều bị chúng bới móc, vừa chạy nhảy vừa kêu chiêm chiếp, ăn một phá phách mười, làm cho mọi thứ đảo lộn tứ tung lên. Ăn, chơi chán thì chúng quay ra đánh chọi nhau chí chóe mà chẳng có mẹ gà nào “can thiệp” (câu “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” chính là nói gà con thời kỳ này).

Như vậy, lũ trẻ con khi vắng chủ nhà, vắng bố mẹ và “gà mọc đuôi tôm”, gà mới tách mẹ đều có điểm giống nhau: nghịch ngợm, phá phách, tha hồ trêu chọc, đánh đấm nhau mà không bị ai trách mắng, quở phạt. Đây cũng là nhận thức tâm lý bọn trẻ và lũ gà con mới lớn theo kinh nghiệm của dân gian.

Trước đây, câu “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm” bị hiểu lầm có mối quan hệ nhân quả theo kiểu: “Vắng chủ nhà, (thì) gà bới bếp”. Tuy nhiên, câu tục ngữ đang xét lại có mối quan hệ so sánh: tình trạng vắng chủ nhà cũng giống như gà mọc đuôi tôm (theo kiểu: “Cơm chín tới, cải ngồng non...”). Ấy chính là những giai đoạn đặc biệt của các sự vật, hiện tượng được tục ngữ đặt cạnh nhau để dùng cái này liên tưởng, so sánh với cái kia.

Như vậy, “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”  được diễn giải: Tình trạng vắng chủ nhà (thì cũng giống như) gà (giai đoạn) mọc đuôi tôm; và hiểu: Trẻ con phá phách nghịch ngợm nhất là lúc bố mẹ vắng nhà; gà con hiếu động, quấy phá nhất là lúc mọc đuôi tôm, tách mẹ.

Về sau, câu tục ngữ được hiểu theo nghĩa rộng hơn nhằm ám chỉ tất cả những hành động, việc làm quá tự do phóng túng khi không có sự hiện diện, cai quản của người đứng đầu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo