icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vết sẹo và cái đầu hói gây xôn xao làng văn

Trần Hoàng Nhân

Nhà thơ Võ Văn Trực, từng hai lần đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam về thơ và lý luận phê bình. Ông cũng nổi đình đám với tiểu thuyết Chuyện làng ngày ấy, viết về chính làng quê của ông. Mới đây Vết sẹo và cái đầu hói (NXB Văn hóa Thông tin 2006) – tiểu thuyết mới nhất của ông lại làm xao động văn đàn

imgKhác với tính cách hiền lành của tác giả, Vết sẹo và cái đầu hói cực kỳ sắc cạnh trong mô tả số phận kỳ lạ của một con người – một trí thức đam mê quyền lực một cách khó hiểu, dùng mọi thủ đoạn để tiến thân rồi luôn bị mặc cảm tội lỗi đeo bám. Lời giới thiệu cuối sách viết: “Có thể nói, đây là một nhân vật điển hình chưa từng thấy trong văn xuôi Việt Nam, nhưng nó vẫn sống đâu đó trong đời sống thường nhật của chúng ta...”.

Nhân vật điển hình ấy là Quách Quyền Lực, kẻ luôn dùng “khổ nhục kế” bằng cách gợi lòng thương ở người khác để thỏa mãn mục đích quyền lực của mình trong một cơ quan văn hiến – học thuật. Bám riết vào chức vụ, Quách Quyền Lực luôn sợ mọi người hất mất chiếc ghế đang ngồi, hắn không tin bất cứ một ai. Vừa chửi rủa một ai đó xong, hắn sẵn sàng quỳ lạy và gợi những chuyện thương tâm để người ta động lòng mà bỏ qua cho hắn. Với Cù Văn Hòn, người bạn chí thân từ thuở nhỏ, hắn thường chỉ vào vết sẹo trên cái đầu hói của mình gợi nhớ ngày tháng cũ đề phòng bạn mình trở quẻ. Với cấp trên, hắn đem chuyện con trai vừa mới bị “teo nọc hành” nên hắn rất rối trí để cầu xin tha thứ sai phạm, trong khi con trai hắn đã mắc bệnh từ lâu. Khi đánh hơi thấy đồng nghiệp có ý lật hắn, hắn khóc bù loa lên rằng cha mình mới chết nhưng thực chất ông cụ vẫn “gò tôn” mạnh khỏe. Điểm yếu nhất của con người là tình cảm, lòng vị tha... nên Quách Quyền Lực dựa vào đó mà thăng tiến. Quách Quyền Lực đa nghi một cách cuồng tín, ngày rằm đầu tháng nào hắn cũng đội mâm đi miếu cầu tài xin sớ. Có điều hắn chỉ xin sớ cho bản thân hắn còn vợ con thì bỏ mặc.

Đọc hơn 400 trang Vết sẹo và cái đầu hói, chỉ thấy tiếc cho nhân vật Phan Chấn – một trí thức cũng bị thoái hóa góp phần rất lớn tôn tạo tính cách Quách Quyền Lực nhưng lại bị tác giả “bỏ quên” hóa thành hình nộm trên sân khấu đang lắm trò gay cấn. Tiếc thêm nữa là nhân vật vợ Quách Quyền Lực quá sức mờ nhạt, lẽ ra có một người chồng như thế thì người vợ phải xuất hiện với nội tâm thật phức tạp.

Nhà thơ Võ Văn Trực cho hay ông đã viết Vết sẹo và cái đầu hói dựa trên những nguyên mẫu đời thật khi chắc chắn rằng những nguyên mẫu không chịu hướng thiện.

Vết sẹo và cái đầu hói phải chăng đó là sự tương tác giữa văn chương và đời thật, nhân vật của cuộc sống bước vào trang sách, trở thành hình tượng nghệ thuật và rồi lại từ trang sách bước ra cuộc đời...

Một loại nhân vật mới của văn học VN hiện đại

Đọc Vết sẹo và cái đầu hói lần đầu thấy thú vị, đọc lại lần nữa vẫn thấy thú vị. Quái lạ, văn chương cuốn tiểu thuyết này thì ngỡ như không có gì, chỉ kể và kể, một cách kể chuyện nhiều khi còn ngỡ như là không văn vẻ, không náo hoạt, không có sự bố trí của tác giả. Vậy mà cái nhân vật Quách Quyền Lực trong truyện cứ từng trang từng trang hiện ra qua mỗi vụ việc hắn mưu mô tính toán, hắn sắp xếp bày đặt, vụ nào cũng lá mặt lá trái, việc nào cũng bàn thế này làm thế khác.

Tính cách nhân vật như đã được định hình từ đầu. Mỗi việc được kể ra chỉ để chứng minh lột trần bộ mặt thật của Quách Quyền Lực ẩn sau cái tài ăn nói và cái thái độ giả dối mà hắn hằng ngày trưng ra với mọi người, nhất là với các nhân viên trong Viện Văn hiến do hắn đứng đầu. Một kiểu người ghê tởm đáng sợ và đáng khinh. Một loại nhân vật mới của văn học Việt Nam hiện đại xuất hiện trong thời buổi hiện đại. Dưới tay hắn, kiểu người và kiểu nhân vật đó, không chỉ Cù Văn Hòn là nạn nhân. Tấn bi kịch này là của cả xã hội, của chính Quách Quyền Lực và cái cơ chế cùng những người đã dựng nên hắn và dung dưỡng hắn. Bỏ qua những xì xầm đồn thổi ngoài trang sách về “nguyên mẫu” của nhân vật này, phải thấy đây là một sáng tạo, một đóng góp của Võ Văn Trực. Và thế thì cái lối văn kể chuyện đậm tính dân gian, viết văn như kể miệng trong Vết sẹo và cái đầu hói đích thị là một chủ ý của tác giả. Ông vốn quen viết lối này, nhưng dùng nó cho tiểu thuyết thì không đơn giản là vì quen tay hay không đổi được cách viết. Tôi nghĩ, Võ Văn Trực có ý đồ nghệ thuật ở cách kể, giọng kể đó. Cứ nhìn vào các tên nhân vật ông đặt thì cũng đã thấy, chúng khiến người đọc bật cười và cười rồi thì phải suy ngẫm.

Cuốn tiểu thuyết có những trang đoạn viết rất đạt về nhân vật, như đoạn Quách Quyền Lực đi hầu đồng, lên đồng trong cơn bấn loạn tâm thần vì quyền lực. Vết sẹo trên đầu - dấu vết tình bạn đã bị chìm trong vùng hói - dấu vết bẩm sinh ngày càng lan rộng trên đầu Quách Quyền Lực. Cuối cùng, Cù Văn Hòn bị ngã bất tỉnh trước một mưu kế hiểm độc mà gấp sách lại bạn đọc biết chắc ai là thủ phạm gây ra. Gấp sách lại, ta rùng mình khi nghĩ rằng cuộc sống quanh ta đang có những kiểu người như họ Quách kia. Và đấy là thành công của nhà văn Võ Văn Trực ở tiểu thuyết Vết sẹo và cái đầu hói.

Phạm Xuân Nguyên

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo