Không cần phải đợi đến khi phim được mua bản quyền, chuyển ngữ phát sóng chính thức trên các kênh truyền hình trong nước, khán giả Việt cũng đã có thể theo dõi từ đầu đến cuối câu chuyện tình trong phim giữa nhân vật cô gái mù Oh Young (Song Hye-kyo) và người anh trai giả Oh Soo (Jo In Sung) qua bản dịch chưa phải quá chỉn chu nhưng hình ảnh đẹp và đầy đủ sức thu hút trên các trang mạng.
Cảnh trong phim Gió mùa đông năm ấy
Vì sao Gió mùa đông năm ấy có sức hút mạnh mẽ đến vậy khi nhiều năm trước, thể loại phim lãng mạn “sướt mướt” kiểu này đã từng khiến người xem phát ngán? Nhiều người cho rằng phim có diễn viên nổi tiếng, bối cảnh đẹp, tình tiết lãng mạn, chưa kể phim còn có sức hút lớn nhất là gương mặt được yêu thích từ phim Ngôi nhà hạnh phúc Song Hye-kyo.
Nhưng Gió mùa đông năm ấy cũng hội đủ những yếu tố khó tin mà nếu là phim Việt khai thác sẽ bị khán giả lên án không thương tiếc! Một con bạc nợ nần đến bị truy sát như Oh Soo lại có thể “một tay che trời”, qua mắt được tất cả để có thể trở thành con trai duy nhất của một tập đoàn danh tiếng; một cô tiểu thư con nhà giàu bị mù như Oh Young xuất hiện liên tục trong các phân cảnh trang điểm cận cảnh, cửa hàng mỹ phẩm cũng là để quảng cáo cho thương hiệu mỹ phẩm mà Song Hye-kyo làm đại diện. Xuyên suốt bộ phim là những tình tiết xoay quanh 2 nhân vật chính này. Chỉ vậy thôi mà Gió mùa đông năm ấy như có một sức hút ma thuật, cứ khiến người xem phải dõi đến tập cuối cùng.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng từng nói phim ảnh đôi khi là để cho người ta mơ ước, thành công của đạo diễn là khiến khán giả tin vào “câu chuyện xạo là có thật”. Rõ ràng là vậy, Gió mùa đông năm ấy “xạo chưa từng có” nhưng lại cuốn hút người xem vào từng thước phim, từng tình tiết - điều mà phim Việt ngay cả khi mang kịch bản hoàn hảo của xứ người về thể hiện cũng chẳng thể khiến người ta tin. Kể một câu chuyện không thật nhưng khiến người ta tin vẫn hơn cố đem hiện thực đời sống vào phim nhưng cách thể hiện khiến người xem chỉ thấy mọi thứ là giả tạo.
Gió mùa đông năm ấy gợi nhớ đến một thời phim Hàn từng là làn sóng mãnh liệt chiếm lĩnh sóng các đài truyền hình ở Việt Nam, từ Ước mơ vươn tới một ngôi sao, Nấc thang lên thiên đường đến Chuyện tình mùa đông, Ngôi nhà hạnh phúc…
Có thể đây sẽ là một “sự trở lại” ngoạn mục cho thể loại phim lãng mạn từng “thoái trào” này, cũng có thể không. Nhưng một bộ phim truyền hình khi đang phát sóng tại chính quốc lại có sức lan tỏa đến các quốc gia châu Á khác đã chứng tỏ “đẳng cấp” dẫn dụ khán giả truyền hình của điện ảnh Hàn.
Không chỉ với phim tình cảm lãng mạn mà khi dòng phim này không còn thu hút được công chúng, điện ảnh Hàn cũng đã có ngay những thể loại khác lấp đầy khoảng trống nhàm chán của khán giả châu Á bằng những bộ phim hình sự, hành động, cổ trang. Kỳ lạ là thể loại nào cũng có thể làm nên làn sóng hâm mộ, tạo thành một dòng chảy mới chinh phục người xem.
Nếu là phim lãng mạn sẽ được các nhà làm phim thể hiện đến “đỉnh cao ướt át”; nếu là hành động sẽ được xử lý ở mức kịch tính, gay cấn cao nhất; với phim cổ trang lại là một đẳng cấp chinh phục khác, ấn tượng ở giá trị bản sắc không hề lai căng.
Đành rằng so sánh là khập khiễng nhưng nhìn lại rồi thở dài cho phim Việt, cũng người nổi tiếng, bối cảnh đẹp lãng mạn, cũng tình cảm, hành động rồi cổ trang... nhưng chẳng thể có được bộ phim thu hút người xem như mơ ước.
Bình luận (0)