Theo kế hoạch, bộ phim Trăng nơi đáy giếng lẽ ra đã xong phần tiền kỳ bởi thời hạn hoàn thành được quy định vào tháng 9-2004. Điều đáng nói là lá đơn của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chỉ mới gửi đến sau khi anh nhận được quyết định về tài chính khoảng hơn 10 ngày trước khi đoàn phim lên đường. Đây có lẽ là một sự cố chưa từng xảy ra ở Hãng phim Giải Phóng cũng như ở các đơn vị làm phim khác trên cả nước.
Lý do chính là tiền cấp cho đoàn phim quá thấp so với tổng dự toán phim đã đệ trình. Tính tiết kiệm hết mức, đoàn phim vẫn còn cần thêm 180 triệu đồng nữa mới có thể thực hiện. Bộ phim Trăng nơi đáy giếng được lên tổng dự toán là 1,7 tỉ đồng, Nhà nước duyệt chi 70% theo thông lệ như các bộ phim tài trợ hằng năm khác, tức được cấp 1,190 tỉ đồng. Số tiền này sau khi trừ tiếp những chi phí hãng phải lo, còn lại gần một nửa giao trực tiếp cho đoàn phim thực hiện phần quay trong 30 ngày. Theo Giám đốc Hãng phim Giải Phóng Lê Đức Tiến thì hãng cũng đã tính mức giá chi phí thấp nhất cho các dịch vụ cũng như phần khấu hao trang thiết bị cho phim và không có cách nào để đưa thêm như đạo diễn yêu cầu. Nếu Nguyễn Vinh Sơn không chịu làm, phim sẽ được giữ lại, chờ tìm kiếm các doanh nghiệp, cá nhân góp vốn. Một trong những lý do mà Ban Giám đốc Hãng phim Giải Phóng không dám cho đoàn phim vay thêm ngoài số kinh phí được cấp là vì Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn được xếp vào dạng phim nghệ thuật, sẽ là một phim kén khán giả, khó thu hồi vốn. Cũng theo Giám đốc Lê Đức Tiến, lẽ ra bộ phim phải được làm dưới 1 tỉ đồng để có thể còn dư ra 200 triệu để trả lương CB-CNV.
Không ít đạo diễn làm phim truyện nhựa đều đã từng lâm vào cảnh được cấp kinh phí thiếu hụt như Nguyễn Vinh Sơn, ngoại trừ các phim đặt hàng có vốn hàng tỉ đồng. Do cơ may được làm phim nhựa rất khó nên nhiều đạo diễn trước đây đã phải ngậm bồ hòn quyết định “liệu cơm gắp mắm”, cắt giảm nhiều ý tưởng sáng tạo... tốn tiền nên cuối cùng, bộ phim khi hoàn thành thì chính người dàn dựng là kẻ “lắc đầu” trước tiên. Trường hợp đạo diễn tỏ thái độ bằng cách quyết liệt trả phim thì mới chỉ có mình Nguyễn Vinh Sơn. Một bộ phim hay thì kinh phí bao nhiêu cũng rẻ và một bộ phim dở thì giá nào cũng mắc. Vấn đề là phải tùy theo từng con người, từng kịch bản để có sự tài trợ hợp lý, vừa kích thích sáng tạo của nghệ sĩ, vừa không lãng phí tiền bạc của nhân dân. Điều bất hợp lý và lãng phí chính là ở chỗ cào bằng và dùng kinh phí của phim như một nguồn tiền để nuôi bộ máy của cả một đơn vị.
Bình luận (0)