Trong những ngày diễn ra tang lễ Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thanh Sang, các đồng nghiệp đến viếng đã bày tỏ sự bức xúc trước việc vì sao ông chưa được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND). Cứ mỗi lần có một nghệ sĩ tên tuổi lớn ra đi, người trong giới mới đặt câu hỏi tại sao họ xứng đáng như thế vẫn chưa được nhà nước xét tặng các danh hiệu cao quý: NSƯT, NSND? Nghệ sĩ Thanh Sang cũng là trường hợp như vậy.
Thiếu huy chương
Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp sân khấu, những vai diễn của NSƯT Thanh Sang đã trở thành kinh điển của nghệ thuật cải lương. Từ Giải Thanh Tâm năm 1964 đến Huân chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật năm 1992 là những ghi nhận về tài năng và sự đóng góp của ông cho sân khấu nói riêng, sự nghiệp văn học nghệ thuật của nước nhà nói chung. Thế nhưng, việc xét tặng danh hiệu cao quý của nhà nước đối với một nghệ sĩ có nhiều công lao như Thanh Sang đã không làm thỏa mãn mong muốn của người trong giới sân khấu cũng như công chúng ái mộ ông.
Vì sao Thanh Sang chỉ được phong tặng NSƯT trong khi thành tích nghệ thuật của ông khó ai sánh bằng? Không những nhân thân trong sạch, ông lại là con liệt sĩ - có cha hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho rằng NSƯT Thanh Sang rất xứng đáng là NSND. “Tôi rất tiếc khi nhắc đến trường hợp xét tặng danh hiệu NSND của các NSƯT: Thanh Sang, Minh Vương, Út Bạch Lan. Chính vì cứ dựa theo tiêu chí phải có HCV mới tiếp nhận hồ sơ nên các nghệ sĩ này đã không có tên trong danh sách từ hội đồng xét chọn cấp địa phương” - NSND Trần Ngọc Giàu cho biết.
Theo ông Phan Quốc Hùng, nguyên Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, sự bất cập trong quy chuẩn xét tặng danh hiệu này đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Nhiều nghệ sĩ đã nói “không” ngay từ lúc bắt đầu làm hồ sơ, trong đó có NSƯT Thanh Sang.
“Tôi biết tính của Thanh Sang, lòng tự trọng không cho phép anh phải bon chen dự thi, giành đất diễn với các diễn viên trẻ tại các kỳ hội diễn, liên hoan sân khấu để kiếm huy chương. Dù Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã nhiều lần mời tham gia nhưng anh đều từ chối vì lý do tế nhị đó. Tôi cho rằng chính lòng tự trọng đã khiến anh Thanh Sang cũng như nhiều nghệ sĩ lớn tuổi khác từ chối tham gia hội diễn để có đủ huy chương đạt quy chuẩn cho việc xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND” - ông Hùng nhận xét.
NSND Trần Ngọc Giàu khẳng định huy chương chỉ là một trong 4 tiêu chí xét chọn chứ không phải quyết định. Ví dụ, trường hợp NSƯT Trọng Hữu, NSƯT Thảo Vân của TP Cần Thơ do được địa phương giới thiệu nên nhà nước tặng danh hiệu NSND đợt vừa rồi. Đạo diễn Tấn Lộc của Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Long An được hội đồng xét chọn địa phương bầu chọn nên đã được trao danh hiệu NSƯT. Trong khi đó, ông Phan Quốc Hùng lại không được địa phương là TP HCM xét duyệt. Rõ ràng, còn nhiều bất cập trong vấn đề xét tặng danh hiệu ngay từ hội đồng nghệ thuật địa phương, vô tình khiến một số nghệ sĩ bị thiệt thòi. Trong đó, NSƯT Thanh Sang, NSƯT Út Bạch Lan và NSƯT Minh Vương rất xứng đáng được trao tặng danh hiệu NSND.
Đối với khán giả mộ điệu sân khấu, rất nhiều tên tuổi lớn như NSƯT Thanh Sang xứng đáng được tặng danh hiệu NSND mà không cần có thêm huy chương nào nữa. Bởi lẽ, họ đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp sân khấu bao lâu nay, được đông đảo khán giả yêu mến.
NSƯT Vũ Linh bày tỏ: “Đã nhiều đợt rồi, việc xét tặng danh hiệu NSND vẫn không có tên NSƯT Thanh Sang, đó là một điều chưa hợp lý. Ông đã sống trọn vẹn với nghề, tạo ra nhiều vai diễn để đời, làm rạng danh nghệ thuật cải lương, trao truyền cho thế hệ trẻ nhiều bài học quý. Những dấu ấn đẹp trong cuộc đời nghệ thuật của ông là những viên ngọc quý, sáng mãi trong lòng công chúng mộ điệu”.
Niềm đau danh hiệu
“Tôi vui biết mấy khi nhận được thông tin anh Bảy Viễn Châu và chị Kim Cương được đặc cách xét tặng NSND một đợt với Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy. Thú thật, dùng từ “đặc cách” với thế hệ chúng tôi nghe rất đau lòng. Tôi lại chịu cách ứng xử của Bảo Quốc, dứt khoát không làm đơn xin, làm bản báo cáo thành tích đã đạt được của mình” - NSƯT Thanh Sang tâm sự sau khi nghe tin nhiều nghệ sĩ cùng thời với mình được đặc cách xét tặng NSND.
Qua nhiều mùa xét tặng danh hiệu, NSƯT Thanh Sang từng bày tỏ suy nghĩ của ông trước vận mệnh của sàn diễn cải lương, nơi mà lẽ ra những nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu cao quý phải nắm tay nhau để làm cho sàn diễn sáng đèn. Đằng này, chính danh hiệu đôi lúc đã làm cho nghệ sĩ mất đoàn kết, tách rời nhau.
Sinh thời, NSƯT Thanh Sang vẫn thường trăn trở đối với 2 trường hợp mà ông cho rằng xứng đáng hơn mình rất nhiều. Đó là NSƯT Minh Vương và NSƯT Út Bạch Lan. Theo ông, 2 người này phải được phong tặng danh hiệu NSND.
NSƯT Thanh Sang cũng từng nói đến sự cống hiến của những nhạc công, nhạc sĩ lĩnh vực sân khấu cải lương. Họ là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong chuyện xét tặng danh hiệu. Theo ông, rất ít nhạc sĩ tên tuổi được phong tặng danh hiệu ngoài NSND Bảy Bá (soạn giả Viễn Châu). “NSƯT Ba Tu, NSƯT Văn Giỏi xứng đáng được xét tặng danh hiệu NSND. Nghệ sĩ chúng tôi mang ơn họ. Chính họ đã giữ hồn, chắp cánh cho nghệ sĩ biểu diễn thăng hoa trên sân khấu. Họ cũng như tôi, già rồi, còn ai mời tham gia hội diễn, liên hoan nữa để có huy chương” - NSƯT Thanh Sang từng day dứt.
Với nhiều nghệ sĩ, họ làm nghệ thuật trên hết là vì yêu nghề, yêu khán giả chứ không vì bất kỳ danh hiệu nào. Dù có được danh hiệu hay không thì họ vẫn lao động hết mình cho sàn diễn. Dù thời gian ngày càng bào mòn sức khỏe nhưng họ vẫn miệt mài dưới ánh đèn sân khấu, nhả những sợi tơ cuối cùng của kiếp tằm để phụng sự nghiệp tổ, phục vụ nhân dân.
Cống hiến trọn đời cho sự nghiệp sân khấu, NSƯT Thanh Sang đã xứng đáng là nghệ sĩ của nhân dân rồi. Chỉ có điều, không được nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý là một sự thiệt thòi cho ông, thể hiện việc thiếu công bằng trong ghi nhận công lao đóng góp của nghệ sĩ.
Những ngày diễn ra tang lễ NSƯT Thanh Sang, trong dòng người đến viếng, có rất đông khán giả yêu quý tài năng của ông. Nhiều người từ các tỉnh xa tìm đến thắp hương tiễn biệt ông. Họ đứng lặng lẽ bên quan tài của ông mà nước mắt cứ chảy dài. Không có điều gì cao quý hơn tình cảm mà công chúng đã dành cho nghệ sĩ và thế hệ vàng của sân khấu cải lương. Đó thật sự là danh hiệu tột đỉnh của một đời nghệ sĩ.
Đặc cách một lần rồi… khóa sổ
Thực tế, nếu giữ quy chuẩn xét duyệt danh hiệu NSND phải có 2 giải vàng quốc gia thì chắc chắn danh hiệu đó sẽ không bao giờ đến với NSƯT Thanh Sang hay sầu nữ Út Bạch Lan, “khôi nguyên vọng cổ” Minh Vương. Trong khi đó, những nghệ sĩ cùng thời họ như: Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Kim Cương đều đã là NSND thông qua đặc cách. Thế nhưng, đặc cách thì chỉ được áp dụng một lần rồi... khóa sổ.
“Từ trước đến nay, khi tiếp xúc những nhà lãnh đạo ngành sân khấu, tôi từng nói lên ước nguyện xét tặng danh hiệu NSND cho nhiều nghệ sĩ, trong đó có anh Thanh Sang. Thế nhưng, ước nguyện đó đã trở nên xa vời. Giờ đây, anh đã qua đời, để lại cho đồng nghiệp biết bao tiếc nuối. Theo tôi, nên xem xét lại quy chế của việc xét tặng danh hiệu NSND để truy phong cho những nghệ sĩ có nhiều cống hiến, có sức ảnh hưởng lớn đối với công chúng như anh Thanh Sang” - NSND Đinh Bằng Phi bày tỏ.
Nếu như các NSƯT: Út Bạch Lan, Thanh Sang, Minh Vương, Thanh Tuấn, Trần Minh Ngọc… chưa được phong tặng NSND thì nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác đến nay vẫn chưa được đón nhận danh hiệu NSƯT cũng chỉ vì rào cản huy chương, như: Hồng Nga, Bo Bo Hoàng, Thanh Loan, Xuân Yến, Châu Thanh, Bạch Long, Thanh Sơn, Kiều Phượng Loan, Tú Trinh…
“Dẫu biết rằng mỗi công việc điều có một quy trình, quy định riêng nhưng với nghệ thuật thì Ban Thi đua - Khen thưởng trung ương cũng đừng quy định quá cứng nhắc. Nên có những đợt đặc cách riêng cho các trường hợp đặc biệt. Họ thật sự có tài năng, uy tín và được số lượng khán giả rộng lớn trong cả nước công nhận. Nếu cứ mãi theo cơ chế “xin cho” lâu nay thì lòng tự trọng của người nghệ sĩ ít nhiều cũng bị tổn thương. Với những nghệ sĩ còn sống, còn cống hiến, còn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ, hãy trao tặng danh hiệu, đừng để phải truy phong khi họ đã nằm xuống. Điều đó càng làm thêm đau lòng nhau mà thôi” - NSND Đoàn Dũng nhìn nhận.
Bình luận (0)