Đầu năm 1940, chiến tranh thế giới thứ hai đã bước sang năm thứ hai và đi vào giai đoạn khốc liệt. Tại nước ta, Nhật đã hất cẳng Pháp. Pháp vẫn được giữ quyền hành chính ở Đông Dương, nhưng quân Nhật muốn đóng ở đâu cũng được, yêu cầu gì Pháp cũng phải vâng theo.
Hồi bấy giờ, gia đình tôi ở thị xã Bắc Giang, một đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ phía Bắc của Hà Nội, nơi Nhật đóng quân rất đông. Trong thị xã, cùng phố Tân Ninh với tôi, có gia đình ông bà Nghị Tính có người con trai lớn tên là Đức cùng học với tôi ở Hà Nội. Anh Đức có hai người em gái, một cô tên là Loan, vừa tròn 18 tuổi, cũng đã có bằng xéctiphica (tiểu học), nói được tiếng Pháp, đặc biệt là trời cho nhan sắc, nhiều cậu con trai trong thị xã đã mê, đã có người ngỏ ý muốn lấy làm vợ nhưng cô Loan chưa một lần bằng lòng với ai.
Khi Nhật mới chiếm đóng thị xã Bắc Giang được vài tuần, bà Nghị Tính đã trúng thầu việc cung cấp gạo, ngũ cốc và một số thực phẩm chính cho toàn thể binh lính Nhật đóng ở thị xã. Làm việc cùng Nhật chỉ non tuần lễ thì nhà bà Nghị nườm nượp khách Nhật ra vào. Lý do chính là vì cô gái Vũ Thị Thanh Loan. Tôi cũng xin thú thực, tôi tuy đã có vợ từ đầu năm 1940 rồi có con, nhưng tôi không thể kìm nén được tình yêu với cô Loan, dù không dám có một hành động nào trái với đạo lý thông thường. Những lúc nghỉ, tôi vẫn thường sang bên hè bên kia, đi dăm bước là rẽ vào nhà bà Nghị để được nói chuyện vu vơ với Loan. Có thể nói những võ quan Nhật chỉ đến chơi nhà Loan một lần cũng bị sắc đẹp ấy cuốn hút. Sĩ quan Nhật vốn khó tính, bà Nghị sợ các quan có điều gì mếch lòng nên yêu cầu Loan phải ngồi tiếp khách. Loan chán ngấy công việc nặng nề ấy nhưng vẫn phải miễn cưỡng vâng lời mẹ.
Sau vài tháng, số sĩ quan thường xuyên đến nhà Loan dừng lại ở con số 8 người. Cả 8 thằng, đứa nào cũng mê Loan. Tôi nói với anh Đức: Kể cũng là hiểm họa đấy anh ạ. Không ngờ “một lời là một vận vào”...
Tối chủ nhật hôm ấy, khi đến chơi không thấy Loan ra tiếp như thường lệ, cả 8 gã nhao nhao hỏi cô. Bà Nghị đáp một cách buồn rầu, lo lắng:
- Từ buổi trưa, em nó kêu váng đầu, sau rồi sốt cao, anh nó đo nhiệt kế lên đến 41 độ rưỡi.
Một quan Nhật đeo lon trung tá vội vàng đứng dậy sốt sắng:
- Nếu thế, để tôi về trại mời bác sĩ đến ngay.
Chỉ không đầy 20 phút, viên trung tá đó trở lại, cùng đi với một sĩ quan khác không gươm không súng, giới thiệu ngay với bà Nghị:
- Đây là ông Yasimato, thiếu tá, bác sĩ trong trại binh của chúng tôi, ông đến thăm bệnh cho chị Loan.
Chừng hai mươi phút sau khi xem kỹ mọi chỗ, từ đầu tóc đến ngón chân cô gái, tay bác sĩ sõi tiếng Việt này nói thong thả:
- Tôi đã xem kỹ, bà đừng lo. Tôi sẽ tiêm cho cô Loan một liều thuốc đại an thần. Cô ấy sẽ ngủ, mà có thể ngủ lâu. Từ giờ (lúc ấy là 6 giờ 30 phút tối) đến 12 giờ trưa mai bà cứ để yên cho cô ấy ngủ, đừng đánh thức, lúc nào cô ấy dậy thì hẵng hay.
Vì lời dặn của viên bác sĩ người Nhật nên sáng hôm ấy cả nhà không có tiếng động mạnh. Mãi đến 10 giờ, bà Nghị thử đặt tay lên ngực cô gái vẫn đang thiêm thiếp. Bà chăm chú nghe, nhưng không có tiếng đập nào.
Rồi tiếng khóc rưng rức vang động khắp nhà. Một vài bà hàng xóm cũng chạy sang xúm đông quanh giường Loan. Đang lúc tình hình bi đát đến thế thì không biết từ lúc nào, anh Đức đã đi mời được ông bác sĩ người Pháp mà ông quen biết – ông Jôli. Ông Jôli lên gác xem cho Loan cũng khá lâu, cuối cùng chính ông cũng ứa ra hai dòng nước mắt:
- Cô Loan tắt thở vào khoảng từ 6 giờ đến 6 giờ 30 sáng nay. Tôi có nghe anh Đức thuật lại, chắc có một lý do cực kỳ quan trọng nên bác sĩ người Nhật kia mới dám tiêm cho cô ấy một liều thuốc ngủ quá liều lượng. Tôi không có gì thù ghét người Nhật đâu, nhưng về việc này thì họ độc ác quá... Độc ác quá!
Hai hôm sau, bà Nghị Tính tổ chức lễ cầu siêu cho con gái ngay tại nhà. Anh Đức có mời tôi sang dự, cũng là để chia nỗi buồn đau này với gia đình anh. Đến gần trưa, khi ăn cơm với gia đình Đức, tôi nghe kỹ từng lời Đức nói, như nói thầm mà diễn ra tường tận cái thảm kịch Thanh Loan:
- Hôm qua, cái cậu thiếu tá trẻ nhất, có vẻ tử tế nhất trong số 8 sĩ quan thường lui tới hằng ngày ấy có tiết lộ với tôi một bí mật: Có hai sĩ quan trong bọn họ cùng muốn hỏi Loan làm vợ. Đương nhiên Loan không đáp lời ai một cách cụ thể, chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Và hai người thì ai cũng hy vọng và ngày càng hận nhau. Nắm được ý định đọ súng của hai kẻ tình địch, viên thiếu tướng chỉ huy đã nảy ra một ý đồ cực kỳ êm nhẹ mà vô cùng độc ác: Ra lệnh ngầm cho viên thiếu tá bác sĩ tìm một phương thuốc gì êm ái nhất thủ tiêu đối tượng của sự say mê mà ông cho là điên rồ kia...
Đức nói hết thì gục mặt vào lòng hai bàn tay còn run run trên bàn ăn. Riêng tôi, niềm uất hận, căm thù quân Nhật, nỗi thù ghét chiến tranh cứ nghẹn nghẹn trong cổ họng, cứ thắt bẹp trái tim. Tôi uống đến gần nửa chai rượu và hơi men lại càng thiêu đốt hồn tôi lúc đó đã giống như một cây rơm khô cao ngất.
Sau cái tang như một núi vải xô lạnh lẽo bao trùm khắp cơ thể, tôi như người điên mà rất tỉnh táo trước những cái gì gọi là độc ác, là bẩn thỉu trên thế gian này. Độ mươi hôm sau, tôi nghĩ ra một câu chuyện bi thảm, dựa trên một bài giảng lịch sử của thầy giáo Võ Nguyên Giáp về cách cai trị tàn ác của vua Gia Long sau khi lên ngôi...
Vở kịch thơ mà tôi viết, có nội dung là: Nguyễn Ánh muốn giết một người phụ nữ đẹp vừa bị bắt giam vào ngục vì cô ta như một người điên, đi lang thang khắp kinh thành Phú Xuân luôn mồm hát vớ vẩn, ngụ ý chửi Nguyễn Ánh là hèn nhát, cõng rắn cắn gà nhà, độc ác hơn thú dữ. Phiền một nỗi, người thiếu phụ điên ấy lại là vợ cũ của Vũ tướng quân - một danh tướng rất có tài mà Nguyễn Ánh đã ủy thác nhiệm vụ tiến quân ra Bắc, tiêu diệt nhà Tây Sơn Nguyễn Quang Toản. Không thể công khai diệt trừ người phụ nữ ấy, sợ Vũ tướng quân bất bình và có thể làm phản, Nguyễn Ánh đã sai người đánh thuốc độc nhằm thủ tiêu ngầm người của Tây Sơn. Cách giết người của ông ta na ná như cách diệt trừ cô Loan của viên chỉ huy Nhật.
Truyện kịch đã bố cục xong, tôi đặt bút viết những dòng thơ mở đầu cho kịch bản mà tôi đã kết cấu thành ba hồi, bốn cảnh. Nhưng trong cốt lõi của vở kịch thơ mà tôi lấy tên làm nhân vật chính (thành ra vở Kiều Loan), chủ đề thực chất bắt nguồn từ cái chết nhẹ nhàng mà vô cùng bi thảm của cô Vũ Thị Thanh Loan. Cả đến họ Vũ của cô Loan bạc mệnh tôi cũng xin lấy để đặt họ cho người chồng, người yêu xưa của vai chính trong kịch bản.
Bình luận (0)