xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Việt Nam làm phim quá nghiệp dư!

Minh Khuê

Kịch bản rất tệ, các khâu làm phim, diễn xuất cũng không khá hơn. Với đà này, phim Việt sẽ mất luôn lượng khán giả còn lại

Trong khuôn khổ hoạt động của giải Cánh diều 2016, buổi tọa đàm “Những vấn đề của sáng tác điện ảnh, phim truyền hình hiện nay” đã được Hội Điện ảnh Việt Nam và Hội Điện ảnh TP HCM phối hợp tổ chức ngày 9-4 tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP (81 Trần Quốc Thảo, quận 3). Nhiều vấn đề về thực trạng làm phim hiện nay đã được đưa ra mổ xẻ, bàn luận. Bức tranh điện ảnh Việt Nam được người trong giới phác họa cho thấy tính nghiệp dư thể hiện rất rõ trong các khâu làm phim hiện nay

Nhà làm phim thường “đi lạc”

Theo NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, những năm gần đây, điện ảnh đã huy động được nguồn lực lớn thuộc thành phần tư nhân tham gia, thúc đẩy sự phát triển số lượng tác phẩm. Thế nhưng, điều đáng tiếc là số lượng tác phẩm tăng lại tỉ lệ nghịch với chất lượng. Những tác phẩm có chiều sâu, giá trị nghệ thuật cao trở nên hiếm hoi.


NSND Ngọc Giàu và NSND Thanh Nam trong phim Sài gòn anh yêu em- phim đoạt giải vàng Giải thưởng Cánh diều 2016. (ảnh do đoàn phim cung cấp)

NSND Ngọc Giàu và NSND Thanh Nam trong phim "Sài gòn anh yêu em"- phim đoạt giải vàng Giải thưởng Cánh diều 2016. (ảnh do đoàn phim cung cấp)

Nhận định này là xác đáng bởi trong 19 phim tranh giải tại Cánh diều năm 2016, có đến 2/3 chất lượng trung bình, đặt nặng yếu tố thị trường. Kịch bản được xác định là khâu yếu nhất và cũng là nguyên nhân khiến cho thị trường điện ảnh ảm đạm doanh thu.

“Phim Việt ngày nay đa thể loại, chủ đề rộng, bao quát các khía cạnh cuộc sống, phản ánh nhiều vấn đề nóng trong xã hội. Vấn nạn hài nhảm đã giảm nhưng cái cười được thiết kế kém duyên, cài cắm không đúng chỗ. Thêm vào đó, yếu tố hài xen lẫn nhiều đoạn khiến giá trị tác phẩm không cao, thiếu chiều sâu. Khâu yếu nhất là kịch bản. Chỉ có một số kịch bản tương đối tốt nhưng mặt bằng chung là yếu, cần được cơ quan quản lý quan tâm” - PGS-TS Trần Luân Kim đánh giá.

Phim truyền hình cũng không khá hơn ở khâu kịch bản khi cứ loay hoay chạy theo các chủ đề có tính thương mại nhưng dễ gây nhàm chán cho khán giả. Do cố ý kéo dài số tập để tìm kiếm quảng cáo, phim truyền hình Việt dài dòng đến mức gây cảm giác khó chịu.

“Phim Việt đúng là rất thiếu kịch bản hay. Nhà làm phim như người đi đường không có bản đồ hoặc có mà không rõ ràng. Vì thế, họ thường xuyên đi lạc; đường dây cốt truyện không cân bằng phần mở đầu và kết thúc” - đạo diễn Việt Linh chỉ rõ.

Nhà báo Cát Vũ cũng đồng tình với các nhận định trên và cho rằng tiến bộ kỹ thuật giúp khâu âm thanh, hình ảnh phim Việt tốt hơn nhưng nội dung lại tệ. Những câu chuyện nuôi cảm xúc người xem trở nên ít đi, cách kể thường lộn xộn, đôi lúc quá đà để chọc cười khán giả. Dường như người làm phim có tay nghề tới đâu xài tới đó, không tự bồi dưỡng, nâng cao nên vốn chưa chuyên nghiệp lại càng tụt dốc theo thời gian. Đội ngũ diễn viên triển vọng cũng không có đất “dụng võ”, một phần vì kịch bản tệ. Họ chẳng thể tỏa sáng được với những tác phẩm thiếu sức hút công chúng.

Nhiều sai sót sơ đẳng

“Trong 50 phim sản xuất năm 2016, có 42 phim ra rạp. Tôi được biết không quá 10 phim hoàn vốn và có lãi. Phim càng dở càng thua lỗ nặng. Số lượng phim bùng nổ trong năm 2016 là vì năm 2015 có một phim lập kỷ lục doanh thu. Nhiều đạo diễn nghiệp dư, nhà sản xuất nửa mùa lập tức đổ xô làm phim, cho ra các sản phẩm hài nhảm, vô bổ. Đây là một mùa phim thất bại!” - nhà báo Đinh Trọng Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Điện ảnh, nhận xét.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng các phim nghiêng về yếu tố thương mại với kiểu làm trò chọc cười khán giả đã cũ mòn, tác động tiêu cực đến thị trường. Họ chạy theo cái hài tầm thường và ngụy biện rằng để thu hút khán giả nhưng với đà này thì sẽ mất luôn lượng khán giả còn lại. Ngoài khâu yếu nhất là kịch bản, về chuyên môn dàn dựng, cả đạo diễn lẫn diễn viên cũng không khá hơn.

“Đạo diễn còn nghiệp dư, lẫn lộn giữa sân khấu, điện ảnh, truyền hình nên chưa tạo ra được tác phẩm tròn trịa. Diễn viên là đối tượng đáng thương nhất bởi đôi lúc họ còn chẳng biết khóc hoặc cười vì lý do gì. Hình ảnh và âm thanh nhờ sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật hiện đại đã tốt hơn nhưng có dấu hiệu bị lạm dụng. Tôi thấy hiếm có phim sử dụng tốt thủ pháp không tiếng động ở những đoạn đắt” - đạo diễn Thanh Vân phân tích.


Cảnh trong phim 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy, một trong ít phim thương mại được ghi nhận làm chỉn chu cũng là phim nhận được giải đạo diễn xuất sắc Giải thưởn Cánh diều 2016        (Nguồn: Cắt từ phim)

Cảnh trong phim "12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy", một trong ít phim thương mại được ghi nhận làm chỉn chu cũng là phim nhận được giải đạo diễn xuất sắc Giải thưởn Cánh diều 2016        (Nguồn: Cắt từ phim)

Sự thiếu chuyên nghiệp, gây hậu quả trong phim Việt từng được cảnh báo nhưng nó vẫn hiển hiện qua cả những sai sót cơ bản về bối cảnh, thiết kế... Gần đây, một số lỗi sơ đẳng trong tác phẩm gây xôn xao công luận cũng nói lên sự cẩu thả trong làm nghề. Đó là vụ lấy nhầm ảnh của bà Tống Mỹ Linh làm di ảnh trong phim “Dạ cổ hoài lang”, lấy nhầm ảnh ca sĩ Hàn Quốc Shim Chang Min làm ảnh thờ trong phim “Thề không gục ngã”. Ngoài ra, còn một số lỗi khác ở khâu thiết kế như lấy ảnh vua sư tử trong phim “Lion King” vào trang phục trong phim “Mỹ nhân” hoặc điện thoại thông minh xuất hiện trong phim “Trần Trung kỳ án”...

“Tôi thấy đấy là những lỗi sơ đẳng, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, không thể đổ thừa hoàn cảnh hay nói khán giả soi mói. Đôi lúc, những lỗi tưởng rất nhỏ lại gây ra hậu quả khôn lường, tổn thất vật chất và uy tín lớn. Đấy là những lỗi hoàn toàn tránh được trong quá trình dựng phim. Cả ê - kíp hẳn phải thấy sơ sót của mình nhưng để nó tồn tại và xuất hiện trên truyền hình hoặc màn ảnh rộng thì quá tệ” - biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương thẳng thắn. Diễn viên Thanh Trúc đồng tình: “Đúng là thiếu chuyên nghiệp. Trong công việc làm phim, sự hợp sức của cả một tập thể, sự chuyên nghiệp của từng bộ phận là đòi hỏi cần thiết”.

Phim Việt đang trong quá trình phát triển. Nhiều khâu trong quá trình làm phim không được đào tạo chính quy mà chủ yếu nghề dạy nghề. Vì thế, việc nâng tính chuyên nghiệp bằng sự tự học, tự rèn luyện, rút kinh nghiệm là giải pháp tối ưu để giúp phim Việt hạn chế nhiều lỗi “cười ra nước mắt”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo