Sau khi cụ Misao Okawa người Nhật- người giữ kỷ lục Guinness Cụ bà thọ nhất thế giới-qua đời ngày 1-4 ở tuổi 117, Cụ bà Nguyễn Thị Trù sinh ra và lớn lên tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM, theo các giấy tờ còn được lưu giữ, sinh ngày 4-5-1893, tức đã gần tròn 122 tuổi đã soán ngôi Cụ bà cao tuổi nhất thế giới. Dù bị đãng trí rất nặng đến quên cả con cháu kèm thêm lãng tai do tuổi tác nhưng sức khỏe cụ vẫn tốt và điều đặc biệt là cụ rất hay cười, đôi mắt linh hoạt.
Cụ Nguyễn Thị Trù vẫn khỏe mạnh và tươi cười ở tuổi 122 trong bức ảnh mới chụp ngày 22-4 (ảnh do Vietkings cung cấp)
Cụ Trù có tất cả 11 người con (3 trai, 8 gái) nhưng nay chỉ 2 người còn sống và đều đã ngoài 80 tuổi. Bà Nguyễn Thị Ba, 76 tuổi, là con dâu út, hiện đang sống cùng, sớm hôm phụng dưỡng mẹ chồng. Theo bà Ba, điều quan trọng khiến mẹ chồng bà sống lâu là nhờ tính tình thuần hậu, rộng lượng, không bao giờ ghen ghét đố kỵ ai. Điều này giúp cụ sống nhẹ nhàng, tâm thanh thản, không nặng toan tính với cuộc đời và không màng đến vật chất xa hoa. Bà con hàng xóm xung quanh nhà cụ Trù cũng nhận xét rằng cụ sống rất chan hòa, chưa bao giờ bực tức với ai.
Các con cụ Trù cho biết ngày còn trẻ, cụ là một phụ nữ thôn quê khỏe khoắn, hăng say lao động và từng tham gia đào hầm, nấu cơm tiếp tế cho bộ đội trong những năm chiến tranh. Còn trong cuộc sống gia đình, cụ cùng chồng chăm lo công việc đồng áng, sống gần gũi thiên nhiên với bữa ăn gia đình hằng ngày là những thực phẩm “cây nhà lá vườn” do gia đình làm ra…Nhờ vậy, cụ ít khi bệnh tật, sức khỏe được rèn luyện bởi thói quen lao động hằng ngày.
Cụ Nguyễn Thị Trù tươi cười cạnh ông Trương Như Bá – Trưởng phòng Nội dung kỷ lục Vietkings trong bức ảnh mới chụp ngày 22-4 (ảnh do Vietkings cung cấp)
Theo bà Nguyễn Thị Đê, 82 tuổi, con gái thứ 8 của cụ Trù, đến nay cụ vẫn ăn uống điều độ, đúng bữa với bữa sáng thường là cháo thịt, bữa trưa và chiều chừng một bát cơm với thịt, cá, rau củ nấu mềm và xé nhuyễn. Đặc biệt, cụ rất thích ăn bánh, uống sữa nên xen giữa các bữa chính luôn có sữa và bánh, trái cây. Tuổi đã rất cao nhưng răng cụ vẫn còn nhiều cái chưa rụng, chỉ bị mòn, còn lại chân răng. Các con cụ nói rằng có lẽ thói quen nhau trầu ngày xưa đã giúp răng cụ khỏe lâu như vậy. Từ trước tới nay cụ cũng chưa một lần nào phải nhập viện vì bệnh nặng.
Sau khi xác lập Kỷ lục Việt Nam và Kỷ lục châu Á vào tháng 8-2014, cụ Trù đã tiếp tục được Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (WRA) công nhận là Cụ bà thọ nhất thế giới và dự kiến đại diện của WRA sẽ đến Việt Nam vào tháng 6-2015 để trực tiếp trao bằng xác lập kỷ lục thế giới đến tay cụ.
Vẫn chờ kỷ lục Guinness
Ông Lê Trần Trường An, Tổng Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) cho biết để cụ Nguyễn Thị Trù được công nhận kỷ lục, phía Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (WRA) đã đề nghị Vietkings cung cấp hồ sơ rất chi tiết từ thế hệ cụ Trù đến các đời con, cháu, chắt…của cụ và đòi hỏi nhiều thủ tục, trong đó có việc xét nghiệm mẫu máu của cụ.
WRA là một trong 3 tổ chức công nhận kỷ lục thế giới lớn nhất hiện nay với trụ sở tại Hồng Kông, 2 tổ chức còn lại là Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness - trụ sở tại Anh và Liên minh Kỷ lục Thế giới mới thành lập năm 2015 có trụ sở tại Ấn Độ.
Theo ông Trường An, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã gửi hồ sơ đề cử cho cụ Trù đến cả 3 tổ chức trên, trong đó phía WRA đã chính thức công nhận, còn phía Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới chưa có phản hồi sau khi người giữ kỷ lục Guinness Cụ bà thọ nhất thế giới–cụ Misao Okawa người Nhật-qua đời ngày 1-4 ở tuổi 117. Trong thời gian tới, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vẫn sẽ chờ phản hồi từ Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness.
Bình luận (0)