Theo nhiều người trong giới, nhiếp ảnh gia phim trường có vai trò quan trọng trong đoàn phim. Họ là người lưu lại hình ảnh sinh hoạt của cả đoàn, khoảnh khắc thăng hoa của diễn viên khi diễn xuất… Đó là nguồn tư liệu quan trọng để sử dụng quảng bá phim. Ảnh càng đẹp, có sức cuốn hút thì việc quảng bá phim càng mang lại hiệu quả.
Nhiều lúc phải gan lì
Lữ Đắc Long - nhiếp ảnh gia trường quay kỳ cựu kiêm nhà báo, từng là cascadeur - cho biết với những cảnh cháy nổ, bắn súng hay mạo hiểm khác trên trường quay, đòi hỏi nhiếp ảnh gia phim trường phải có óc phán đoán, biết khoảng cách nào là an toàn để tác nghiệp. Họ cũng cần phải gan dạ vì nếu chỉ mới nghe tiếng nổ đã sợ hãi tìm chỗ trốn thì chẳng thể có được ảnh chứ nói gì đến ảnh đẹp.
Nhờ sự gan lì có được của nghề cascadeur, Lữ Đắc Long dễ dàng theo nghề nhiếp ảnh trường quay sau này. Anh kể lại rằng mình vào nghề nhiếp ảnh phim trường cũng từ duyên may. Đó là khoảng thời gian làm cascadeur cho phim “Kế hoạch 99”, do Lý Huỳnh và điện ảnh Hồng Kông hợp tác sản xuất. Anh đã dùng máy ảnh của mình chụp một cảnh quay nổ lớn. Lúc đó, nhiếp ảnh gia trường quay tìm chỗ trốn, bỏ chụp nên bức ảnh của anh chụp được trở thành đặc biệt, dù chưa hẳn đẹp nhất. Nhà sản xuất Lý Huỳnh đã “nâng” anh từ vị trí cascadeur lên nhiếp ảnh gia phim trường cũng nhờ sự can đảm này.
“Ông ấy trả cho tôi 5 triệu đồng, số tiền lúc đó khá lớn, còn khuyên tôi nên làm nhiếp ảnh gia phim trường, đừng theo nghề cascadeur nữa” - anh nhớ lại. Sau đoàn phim “Kế hoạch 99”, Lữ Đắc Long bắt đầu tự học hỏi, trui rèn nghề nhiếp ảnh trường quay và theo nghề này cho đến nay.
Theo đạo diễn Phương Điền, muốn theo nghề nhiếp ảnh trường quay phải có đam mê, nhiệt huyết, kinh tế gia đình khá giả mới sắm được máy ảnh “xịn”; ngoài ra, nghề này đòi hỏi có năng khiếu. Không phải ai học chụp ảnh, có máy tốt, nắm vững kỹ thuật cũng chụp được ảnh đẹp, có “hồn”, chinh phục người trong giới. Nhiều người học 2-3 năm nhiếp ảnh vẫn không thể chụp được tấm hình cho ra hồn nhưng cũng có người học rất ít mà vẫn tạo ra tác phẩm tốt.
Phải có tâm
Vốn đam mê nghệ thuật, từng theo học nhạc, diễn kịch trước năm 1975 nhưng vì mưu sinh, ông Phạm Thiết Mẫn phải làm đủ nghề khác nhau, đến lúc ở tuổi xế chiều, ông mới có cơ hội quay lại với môi trường nghệ thuật nên nhiệt huyết tăng cao. “Nghề nào cũng phải có cái tâm. Làm nghề này càng cần có tâm, không tiếp tay cho người xấu. Những hình chụp diễn viên bị “lộ hàng”, ảnh “nhạy cảm” hoặc cảnh nóng trên phim trường của diễn viên nếu không chỉnh sửa được cho đẹp, tôi đều xóa. Mỗi khi ai xin hình diễn viên, tôi gọi hỏi ý kiến, nếu diễn viên đồng ý tôi mới cho” - nhiếp ảnh gia Phạm Thiết Mẫn bộc bạch.
Ảnh chụp được trên phim trường sẽ được đem phân loại. Cảnh sinh hoạt sử dụng làm tư liệu của đoàn phim. Cảnh diễn xuất sẽ đưa cho bộ phận quảng bá cung cấp báo chí hoặc làm poster… Phim điện ảnh quay ngắn ngày hơn phim truyền hình nhưng phần tiền công cao hơn, đòi hỏi phải bám sát kỹ trường quay và trách nhiệm bảo mật hình ảnh cũng cao hơn. Đây cũng là lý do nhiếp ảnh gia Hai Phương cân nhắc khi nhận lời chụp cho phim điện ảnh. “Thường trong đoàn phim rất đông người, chẳng biết ai chụp rồi tung ảnh ra bên ngoài nhưng nhiếp ảnh gia trường quay sẽ phải chịu trách nhiệm về hình ảnh của đoàn phim bị phát tán” - Hai Phương cho biết.
Thù lao không đủ sống
“Người theo nghề này đòi hỏi phải đam mê, có máu nghề và nhiệt huyết, nếu không sẽ khó theo được vì vất vả mà thù lao rất thấp” - nhiếp ảnh gia Phạm Thiết Mẫn nói. Ông cho biết thù lao mình nhận được hiện là 400.000 đồng/tập phim truyền hình. Mỗi phim khoảng 30 tập, quay dự kiến trong 2 tháng và tiến độ trung bình 2 ngày/tập, nhiều đạo diễn quay chậm thì 3-4 ngày/tập. Tính ra, mỗi tháng ông chỉ kiếm được 6-7 triệu đồng. Chưa kể những lúc diễn viên kẹt sô, đi nước ngoài hay gặp chuyện đột xuất, đoàn phải ngừng quay một thời gian, lúc ấy hợp đồng dang dở thì thù lao nhận được cũng dang dở theo.
Hiện nhóm của Hai Phương có 4 người, chia nhau đi các đoàn và còn nhận chụp nhiều sự kiện, đám cưới, thậm chí dạy chụp ảnh… để có thêm thu nhập vì thực tế số tiền thù lao từ những bộ phim truyền hình chỉ đủ cho nhóm trang trải chi phí sinh hoạt, di chuyển. Nhiếp ảnh gia Lữ Đắc Long từng tham gia chụp hơn 100 phim, quen biết rộng trong giới cũng khẳng định khó có ai sống được bằng nghề này. Bản thân anh vừa chụp ảnh phim trường, làm nghề báo vừa chụp ảnh cho người mẫu, sự kiện… Nhiếp ảnh gia Phương Đông, hiện phụ trách chụp ảnh cho tất cả phim của Hãng phim Truyền hình TP HCM (TFS), nói rằng nếu người làm nghề biết năng động, nhận chụp thêm sự kiện, các sô khác cũng có thể sống được với nghề.
Hầu hết các hãng phim chuyên nghiệp hiện nay, từ trong và ngoài nước, đều có nhiếp ảnh trường quay theo đoàn phim của hãng mình. Các nhà sản xuất, đạo diễn đều biết rõ tầm quan trọng của lực lượng này nhưng thực tế chi phí dành cho họ không nhiều so với tổng kinh phí làm phim.
Quà tặng tinh thần
Nhiếp ảnh gia Phạm Thiết Mẫn cho biết đến với nghề như một cái duyên và đam mê. Giờ là “nghiện” không khí trường quay. “Nhiều khi thấy vất vả quá muốn bỏ nghề. Nhưng rồi, khi về nhà xem lại các bức ảnh mình đã chụp trong những khoảnh khắc tuyệt vời, thấy “đã” và lại quay về với công việc” - nhiếp ảnh gia Phạm Thiết Mẫn nói.
Nhiếp ảnh gia Hai Phương cũng cho hay anh cũng ghiền không khí đoàn phim và mỗi khi theo đoàn phim cũng thường bám sát dài ngày. “Những bức ảnh chỉ có được trên phim trường là món quà tinh thần động viên các nhiếp ảnh gia trường quay chúng tôi” - anh bộc bạch.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-5
Bình luận (0)