xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Với 27 năm, Vũ Trọng Phụng đã kịp thành nhà văn lớn

Vương Trí Nhàn

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Vũ Trọng Phụng (1912 -2002) - một trong những nhà văn hiện thực phê phán hàng đầu của VN ở thế kỷ XX, Viện Văn học VN vừa tổ chức một cuộc hội thảo về Vũ Trọng Phụng. Có nhiều tham luận được đọc trong cuộc hội thảo này, chúng tôi xin trích một số để bạn đọc tham khảo

. Tiểu sử:

Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912, mất năm 1939 khi mới 27 tuổi. Tuy vậy Vũ Trọng Phụng đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ: Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê, Lấy nhau vì tình, Kỹ nghệ lấy tây, Cơm thầy cơm cô, Lục xì, Dứt tình... Những vấn đề Vũ Trọng Phụng  đề cập đến từ đầu thế kỷ XX, đến đầu thế kỷ XXI vẫn còn thời sự với nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc.

 

Một xã hội hài hước, một thế giới hài hước...

Số đỏ của Vũ Trọng Phụng ở trong số rất ít truyện đọc xong độc giả cảm thấy có cả một “xã hội Số đỏ”, một “thế giới Số đỏ”.

“Xã hội” này, “thế giới” này được nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh định nghĩa bằng một loạt “bịp”: “Âu hóa bịp, cải cách bịp, thể thao bịp, tu hành bịp, khoa học bịp, đốc tờ bịp, triết gia bịp, nghệ thuật bịp, luật pháp bịp, vĩ nhân anh hùng cũng bịp...”. Có thể bổ sung định nghĩa này bằng một loạt “rởm”: “Âu hóa rởm, cải cách rởm,... tu hành rởm, khoa học rởm,... nghệ thuật rởm, luật pháp rởm...”. Rởm có khác bịp. Bịp bao giờ cũng gian manh, “có cơ tâm, xảo trí” nhưng cái rởm có thể “vô tư” (hiểu theo nghĩa hiện đại của từ này), và văn hài hước của Vũ Trọng Phụng đặc biệt khởi sắc, đặc biệt dí dỏm và hóm hỉnh ở những đoạn miêu tả cái rởm tự trình bày một cách “hồn nhiên” và ngang nhiên. Còn những cử chỉ, những hành động bịp bợm tác giả chỉ kể một cách qua loa hoặc lướt qua (chẳng hạn khi Văn Minh bịp bợm giới thiệu Xuân là sinh viên trường thuốc năm thứ ba hoặc việc Xuân dúi lén truyền đơn vào túi hai đối thủ của mình). Rởm có thể là bịp nhưng không nhất thiết là bịp. Thơ của Xuân là rởm, không phải là bịp. Âu hóa của nhân vật chính trong truyện ngắn Từ lý thuyết đến thực hành của Vũ Trọng Phụng gọi là “rởm” thì đúng hơn là “bịp”. Trong Số đỏ khi có sự kết hợp giữa cái “xấu xa” thật và cái danh giá rởm thì châm chọc hài hước của tác giả thường chĩa vào cái rởm. Khi bà phó Đoan “mừng thầm rằng mình đã trót hư hỏng một cách có tính chất khoa học” thì cái buồn cười không phải là sự hư hỏng “thật” của bà phó Đoan, mà sự xúng xính khoa học rởm của bà khiến chúng ta cười. Ngoài ra, người đàn bà góa này lố bịch không phải vì những ham muốn tình dục thường tình mà vì miệng bà lại cứ hay rêu rao chuyện phẩm giá thủ tiết, xúng xính “tiết hạnh” rởm...

Có hai cách đánh giá trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ: Đó là “một lối hoạt kê không lấy gì làm cao lắm” (Vũ Ngọc Phan) và tiếng cười Số đỏ “là không ai bắt chước được, không ai theo kịp được” (Vũ Bằng). Tôi thiên về cách đánh giá của Vũ Bằng. Trong những tác phẩm văn xuôi trào phúng Việt Nam thế kỷ trước có thể tìm thấy những câu hài hước hay không kém gì những câu hài hước hóm hỉnh nhất trong Số đỏ, những tình thế hài hước cũng oái oăm và ngộ nghĩnh như trong Số đỏ, những nhân vật cũng rất buồn cười và hấp dẫn, nhưng không có một tác phẩm nào tạo ra được cả một “xã hội hài hước”, một “thế giới hài hước” như Số đỏ...

Số đỏ là một tác phẩm trào phúng hài hước. Luật chơi của trào phúng hài hước như thế nào? Tác giả hài hước là một người biết cười, biết đùa, đùa dai và đùa đến cùng. Đọc Số đỏ cảm thấy tác giả chơi và đùa đến cùng với những nhân vật trào phúng của mình. Và trong sự chơi đùa nghệ thuật này tác giả không thể xem chúng là kẻ thù của mình mặc dù chúng mang những thói rởm, tật xấu mà tác giả hết sức căm ghét. Hoàng Ngọc Hiến

 

Một nhà văn lớn...

“Tôi có cảm tưởng rằng Vũ Trọng Phụng là một nhà văn lớn, rất lớn, không kém nhà văn lớn nào của các nền văn học khác. Càng đọc văn ông, tôi càng ngạc nhiên về tuổi trẻ, sức trẻ trong sự sáng tạo của ông. Vũ Trọng Phụng chỉ sống đến 27 tuổi; ở tuổi ấy, nhà văn Pháp Balzac còn hầu như chưa viết được gì đáng kể... Ngòi bút Vũ Trọng Phụng có sức chinh phục nghệ thuật rất lớn. Số đỏ là tác phẩm tuyệt vời”.

Tiến sĩ sử học PETER ZINOMAN - ĐH California - Hoa Kỳ, “nhà Phụng học”, đồng dịch giả tác phẩm Số đỏ sang tiếng Anh với Nguyễn Nguyệt Cầm - cũng là vợ của Zinoman

 

Có hai con người trong một Vũ Trọng Phụng

Âu hóa không chỉ là tên gọi của cái cửa hàng thợ may nơi nhân vật Xuân trong Số đỏ đến học việc và bắt đầu một cuộc tiến thân. Âu hóa cũng chính là nội dung của quá trình chuyển biến của cái xã hội nho nhỏ mà tất cả các nhân vật của cuốn tiểu thuyết này- từ những nhà cải cách xã hội như vợ chồng Văn Minh, các trí thức như ông Josef Thiết, ông đốc tờ Trực Ngôn... đến lớp người mạt hạng như Xuân cùng mấy ông thầy bói, mấy cô bán hàng, mấy chị vú em... bị cuốn hút theo.

Suy rộng ra, dễ ước đoán là qua cuốn tiểu thuyết, tác giả muốn làm một cuộc tổng kết cơ bản, khái quát cả quá trình chuyển biến của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Đã rõ là có hai tầng hiện thực khác nhau được ghi nhận trong các trang sách của nhà văn họ Vũ: Một đằng là cái đời sống ở cái vẻ nó đập ngay vào mắt mọi người; và một đằng nữa là cái đời sống ở bề sâu, cái phần ẩn giấu và chỉ bộc lộ ra một cách tự phát, người đọc cũng dễ bỏ qua.

Thái độ của tác giả với hai mảng hiện thực ấy cũng khác nhau rõ rệt. Có vẻ như với Vũ Trọng Phụng, cái phần xấu xa của đời sống đương thời là đáng quan tâm hơn cả. Ông tố cáo. Ông lên án. Toàn bộ kiệt tác Số đỏ của ông được xây dựng trên cảm hứng phê phán đó. Ngược lại, cái mảng hiện thực thứ hai có vẻ nằm ngoài ý thức của ông. Ông chỉ nhân tiện mà nói tới. Sự chểnh mảng của ông với cái phần đời sống này rõ rệt đến mức mà người ta chỉ nắm được nó bằng cách tách sự việc đứng riêng ra, để chúng độc lập bên cạnh cái nhìn của các nhân vật vốn là nhân vật phản diện, thậm chí độc lập với tác giả.

Có điều không phải vì thế mà cái đời sống ở bề sâu ấy không hiện ra một cách rõ rệt. Bây giờ mọi sự đã thay đổi cả (trang 22). Một câu như vậy quả đã thâu tóm được quá trình biến đổi của xã hội, và ở chỗ này có thể bảo Vũ Trọng Phụng là một người chép sử trung thành, mặc dù ông không có ý thức đầy đủ khi làm công việc ghi chép quan trọng ấy.

Đọc các nhà văn cổ điển cỡ như Balzac, người ta đã được chứng kiến không ít trường hợp trong con người nhà văn có sự đối lập, trong khi thái độ ông ta đối với thực tế thế này thì bức tranh xã hội được ông vẽ ra lại có ý nghĩa khác hẳn.

Trường hợp Vũ Trọng Phụng ở đây cũng có gì na ná như vậy... Chẳng những sinh thời Vũ Trọng Phụng, quá trình hiện đại hóa xã hội VN nửa đầu thế kỷ XX được một số người xem là có ý nghĩa tiêu cực mà ở nhiều thế hệ tiếp theo, cho đến ngày hôm nay của chúng ta, lối nhìn nhận đó vẫn đóng vai trò chủ đạo...

Riêng đối với con người VN hôm nay, trong một giai đoạn mới của công việc hiện đại hóa, trường hợp của Vũ Trọng Phụng vẫn đang là một bài học, ít nhất thì nó cũng có thể giúp chúng ta tham khảo rút kinh nghiệm để có được một cách nhìn đúng đắn đối với mọi biến thiên đang xảy ra trước mắt, phân biệt được những biểu hiện bề mặt vốn nhiều rác rưởi và cái xu thế lớn của lịch sử.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo