Tọa đàm khoa học “Vũ Hạnh: Đời văn, chiến sĩ”, do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) TP HCM tổ chức, diễn ra sáng 5-10 tại TP HCM đã thu hút hàng trăm đại biểu từ nhiều miền đất nước đến chung vui cùng nhà văn Vũ Hạnh nhân dịp ông vừa bước sang tuổi 90. 28 tham luận từ các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình… đã ôn lại đời văn, đời chiến sĩ của ông.
Bút chiến sắc sảo
Nhìn lại chặng đường hoạt động cách mạng và sáng tác văn học của nhà văn Vũ Hạnh, nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM - đánh giá: “Có rất nhiều nét đặc biệt. Hoạt động trên chiến trường nguy hiểm, khó khăn và phức tạp, ông từng bị chính quyền Sài Gòn cũ bắt giam 5 lần nhưng vẫn thể hiện khí tiết và hoạt động sáng tác ngay trong lòng địch... Với nhiệt huyết cách mạng, vốn kiến thức phong phú và năng lực bút chiến sắc sảo, Vũ Hạnh đã để lại ấn tượng mạnh mẽ về tính chiến đấu, sự kiên định lý tưởng cách mạng qua những hoạt động văn hóa yêu nước trong lòng đô thị miền Nam”.
Có mặt dự buổi hội thảo, PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT trung ương, nhắc lại kỷ niệm: “Ngày 25-7-1971, tại Trung tâm Văn bút ở 107 Đoàn Thị Điểm (Sài Gòn) đã diễn ra cuộc thuyết trình về văn hóa của đông đảo học sinh, trí thức ở đô thị miền Nam. Vũ Hạnh có bài thuyết trình nổi tiếng “Văn hóa và mạo văn hóa”, tranh luận trực tiếp với các học giả, trong đó có những người của chính quyền Mỹ - ngụy, nêu bật những quan điểm đúng đắn về văn hóa dân tộc, đấu tranh chống lại mọi thứ văn hóa nô dịch, áp đặt từ thế lực ngoại xâm để bảo vệ những giá trị thẩm mỹ của nền văn hóa dân tộc”. Theo nhà văn Trần Văn Tuấn: “Trong bối cảnh xã hội và tình hình văn hóa như hiện nay ở nước ta, tiểu luận “Văn hóa và mạo văn hóa” vẫn còn nguyên giá trị tư tưởng và tính thời sự”.
Trước giải phóng, rất nhiều bài tiểu luận sắc sảo khác của ông được đăng tải trên các báo ở Sài Gòn, cho đến nay vẫn còn dấu ấn sâu đậm trong lòng giới trí thức và bạn đọc. “Đọc tiểu luận “Người Việt cao quý” của nhà văn Vũ Hạnh sau đúng 50 năm tác phẩm ra đời, rõ ràng vẫn có sợi dây liên kết chặt chẽ tới hiện tại khi xã hội đang có rất nhiều vấn đề cần bàn tới việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” - Nguyễn Thị Ngọc Diễm, chuyên viên Phòng VHVN Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, nhận xét.
Bút lực sung mãn
Nhà văn Vũ Hạnh có trên 60 tác phẩm nghiên cứu, phê bình các tác phẩm văn học. Về tiểu thuyết, Vũ Hạnh có “Lửa rừng”, “Con chó hào hùng” và “Cô gái Xà Niêng”. Những tác phẩm này sớm khẳng định vị thế của nó với sức nóng của lửa cách mạng, sức lôi cuốn, quyến rũ của tính phóng khoáng, chất hào sảng Nam Bộ và cái đẹp dung dị nhưng lộng lẫy chất thơ, bạt ngàn cảnh sắc Việt Nam.
Gần 40 truyện ngắn của ông, mỗi truyện lại có sức nặng riêng. Những truyện tiêu biểu như “Bút máu”, “Chất ngọc”, “Vị ngọt”, “Mùa xuân trên đỉnh núi cao”, “Vượt thác”… có sức sống vượt thời gian trong lòng bạn đọc. Bút lực sung mãn, tư duy tinh tế, nhạy cảm và sắc sảo, những vấn đề đặt ra trong tác phẩm của Vũ Hạnh luôn đem đến cho người đọc bất ngờ thú vị.
“Bút máu” là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của nhà văn Vũ Hạnh, viết trong thời kỳ đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn hết sức quyết liệt, cũng là giai đoạn khó khăn của cách mạng miền Nam. Truyện ngắn súc tích, tinh lọc nhưng hàm chứa rất nhiều bài học lớn lao.
Sống có trước, có sau Vũ Hạnh được xem là một nhân tố nòng cốt quan trọng trong lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc. “Nói Vũ Hạnh là nhà tư tưởng văn hóa dân tộc có lẽ sẽ không quá” - nhà thơ Lê Tú Lệ khẳng định. “Thiết nghĩ, một người mà tư tưởng và hành động (là hệ quả của tư tưởng ấy) trở thành tấm gương, động lực cho biết bao nhiêu người khác dấn thân trong một giai đoạn lịch sử hết sức đặc biệt của đất nước, đồng thời có giá trị tích cực lâu bền đối với ý nghĩa sinh tồn của cộng đồng, quốc gia, dân tộc thì Vũ Hạnh chính là nhà tư tưởng văn hóa dân tộc đúng nghĩa” - nhà thơ Lê Tú Lệ phân tích thêm.
Tinh thần tự tôn dân tộc của nhà văn đã không chịu khuất phục trước bất cứ một thế lực nào. Năm lần tù đày cũng không giết được tinh thần lạc quan của ông. Và cả tính chất nhân nghĩa, sống có trước có sau cũng thể hiện rõ nét suốt cuộc đời dài của nhà văn - chiến sĩ, từ lúc trưởng thành, đi theo lý tưởng cho tới tận bây giờ.
Cuối buổi hội thảo, mọi người rưng rưng xúc động khi người bạn cũ từng cứu nhà văn Vũ Hạnh một lần thoát chết xuất hiện tại khán phòng, kể lại kỷ niệm thời kháng chiến. Đôi bạn cùng vào tuổi 90 tặng nhau bó hoa giản dị như sự tri ân to lớn khó nói thành lời.
Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1926 tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945, tham gia Việt Minh, hoạt động trong đội võ trang tuyên truyền; trong Cách mạng Tháng Tám ông là thành viên Ủy ban Tổng khởi nghĩa huyện Thăng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động văn hóa ở chiến trường Liên khu V. Sau ngày đất nước thống nhất, ông làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ
TP HCM, Ủy viên BCH Liên hiệp Các Hội VHNT TP HCM (1985-2010). Ông được trao tặng giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Bình luận (0)