. Phóng viên: Thưa ông, chúng tôi được biết ông Trịnh Xuân Hoành (TXH) có đến xin lỗi ông về vụ ông ấy “chôm” Nghìn lẻ một đêm?
- Ông Phan Quang: Đúng. Anh TXH có mấy lần gọi điện thoại xin gặp tôi. Vì đang bận dở một số công việc, tôi chưa sắp xếp được, nhưng anh TXH khẩn khoản, vì vậy tôi có mời anh đến làm việc vào ngày thứ hai, 5-5-2003. Anh TXH đã hết sức xin lỗi vì đã làm phiền đến tôi, làm cho tôi không vui và khiến công luận phải chú ý.
. Thái độ ông thế nào?
- Tôi chấp nhận lời xin lỗi đối với cá nhân mình. Những gì liên quan đến công luận, tôi không dám có ý kiến.
. Vậy còn vấn đề quyền tác giả của ông bị xâm phạm?
- Đương nhiên, cuốn sách của anh TXH (bản dịch Nghìn lẻ một đêm ký tên anh ấy) là một vật chứng hiển nhiên về sự vi phạm lợi ích của người dịch chính thức, đã được luật pháp và dư luận công nhận qua hơn hai mươi năm. Anh TXH nhiều lần nói “xin hãy quên nó đi, quên hẳn đi”. Anh cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Cuốn sách của tôi (tức anh TXH) đã nhỡ in rồi, sẽ không bao giờ tái bản. Tôi có dặn con cái, cho dù sau này có ai yêu cầu, cũng không cho in lại bản ấy”.
. Có nghĩa ông không đòi hỏi gì hơn?
- Có. Tôi yêu cầu anh TXH thể hiện hai điểm trên thành văn bản. Tôi nghĩ, trong văn chương và văn hóa nói chung, lợi ích vật chất là cần thiết song chỉ là phần nhỏ bé. Quan trọng hơn là lòng kính trọng của người cầm bút và người xuất bản đối với độc giả. Phải làm rành mạch, cho rõ trắng đen. Điều này hoàn toàn không phải chuyện “cứ bắt được quả tang thì đập chết tươi cho hả”, mà là góp phần ngăn chặn tệ trộm văn có tổ chức. Còn lại là trách nhiệm của nhà xuất bản và ngành chức năng.
. Vậy ông có khởi kiện vụ này?
- Tôi đã có dịp phát biểu. Quyền công dân được thể hiện trong luật pháp vẫn còn nguyên đó. Vấn đề là đến mức cần và khi nào cần thì sử dụng.
. Xin cảm ơn ông.
Bình luận (0)