Thông tin này đăng trên nhật báo Los Angeles Times số ra ngày
Vì sao một tác phẩm ra đời gần 70 năm qua (1936) lại thu hút công chúng Hoa Kỳ?
Peter Zinoman - nhà “Phụng học” nhiệt thành.- Tại cuộc hội thảo về Vũ Trọng Phụng nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông (1912 - 2002) do Viện Văn học VN tổ chức, Zinoman làm cho nhiều người chú ý với bản tham luận đánh giá rất cao Vũ Trọng Phụng: “Tôi có cảm tưởng rằng Vũ Trọng Phụng là một nhà văn lớn, rất lớn, không kém nhà văn lớn nào của các nền văn học khác...”.
Zinoman bén duyên với Vũ Trọng Phụng khi đến VN làm luận văn tiến sĩ về đề tài lịch sử chế độ nhà tù thực dân Pháp. Tác phẩm đầu tiên mà Zinoman đọc được của Vũ Trọng Phụng là Người tù được tha, sau đó là nhiều tác phẩm khác, mà Số đỏ là tác phẩm hấp dẫn ông nhất.
Nhận định: Ra đời gần 70 năm, lần đầu tiên Số đỏ đến với công chúng Hoa Kỳ và lập tức được đón nhận.
Điều đó cho thấy sức sống của Số đỏ. Bạn thử đọc lại Số đỏ, chắc chắn sẽ không thấy chán, bởi Vũ Trọng Phụng luôn mới mẻ.
Là một nhà VN học thuộc thế hệ hậu chiến (sinh năm Ất Tỵ, 1965), Zinoman có những cái nhìn khá mới mẻ ở góc cạnh lịch sử lẫn văn học. Ông cho rằng Vũ Trọng Phụng chỉ sống đến 27 tuổi, ở tuổi mà Balzac chưa viết được gì đáng kể thì Vũ Trọng Phụng đã đủ làm nên sự nghiệp lẫy lừng.
Yêu mến Vũ Trọng Phụng, Zinoman cũng là người góp phần rất đáng kể trong việc sưu tầm các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Năm 1999, Zinoman đã sao chụp được 20 tác phẩm báo chí của Vũ Trọng Phụng ở Thư viện Quốc gia Pháp, đa số trên các báo như Hải Phòng tuần báo, Tiểu thuyết thứ 7, Tiểu thuyết thứ 5, Đông Dương tạp chí... Đặc biệt ông cũng sưu tập được truyện ngắn Sư cụ triết lý, tất cả được tập hợp trong tập Vẽ nhọ bôi hề - những tác phẩm mới tìm thấy do Zinoman sưu tầm, Lại Nguyên Ân giới thiệu - NXB Hội Nhà văn.
Số đỏ - hiện tượng văn học vô tiền khoáng hậu.- Theo giáo sư John O’Brien - Trường Đại học Illinois State University, đồng thời là giám đốc NXB Dalkey Archive Press (Hoa Kỳ), mỗi năm các NXB Hoa Kỳ xuất bản khoảng 150 tác phẩm văn học dịch từ nước ngoài - trong tổng số 150.000 đầu sách xuất bản hằng năm - một tỉ lệ rất thấp.
Vậy mà văn học VN rất được quan tâm. Nhiều tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Vũ Trọng Phụng, cả những truyện dân gian cũng được dịch. Điều đó cho thấy người Mỹ vẫn còn quan tâm đến VN - một đất nước mà họ có liên quan lịch sử.
Số đỏ là hiện tượng văn học trào phúng vô tiền khoáng hậu, bởi cái hài hước, tiếng cười “không ai bắt chước được, không ai theo kịp được” (Vũ Bằng). Zinoman (nhà sử học) cũng như công chúng Hoa Kỳ thích Số đỏ bởi đó là một bức tranh sinh động của xã hội VN thời thực dân Pháp “khai hóa”. Zinoman cũng đã từng ví Vũ Trọng Phụng với nhà văn lớn nước Anh George Orwell (1903 - 1950, tác giả tiểu thuyết châm biếm Trại súc vật). Orwell phản ánh xã hội Anh - trung tâm châu Âu thời đó; còn Vũ Trọng Phụng phản ánh xã hội thuộc địa của những nước trong vòng đô hộ của thực dân Pháp đang được “khai hóa” theo kiểu thực dân. Với Số đỏ, chỉ xoay quanh nhân vật chính là Xuân tóc đỏ, Vũ Trọng Phụng đã xây dựng hàng loạt nhân vật hoạt kê khác làm náo động văn đàn, tạo ra cả thế giới hài hước, xã hội hài hước, làm cho người đọc như sờ, như thấy được một xã hội thuộc địa nhố nhăng, bệnh hoạn. Vũ Trọng Phụng, dù vô tình hay cố ý đã là một người chép sử trung thành của thời kỳ ấy. Ngòi bút châm biếm tài năng của Vũ Trọng Phụng, làm cho Số đỏ lấp lánh đến ngày hôm nay.
Thực ra không phải đến bây giờ người ta mới đánh giá cao Vũ Trọng Phụng, đánh giá cao Số đỏ. Với 27 năm ngắn ngủi trên cõi trần gian này, Vũ Trọng Phụng đã kịp để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, đặc biệt vào năm 1936 (24 tuổi) Vũ Trọng Phụng tung ra 4 tác phẩm lẫy lừng: Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, Cơm thầy cơm cô. Hiện tượng Vũ Trọng Phụng “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử văn học VN là vậy.
Với các nhà phê bình VN, Vũ Trọng Phụng đã từng được Phùng Tất Đắc, Trương Chính, Trương Tửu... đánh giá rất cao. Đặc biệt có một người nghiên cứu Vũ Trọng Phụng bằng cả con tim là nhà nghiên cứu Văn Tâm: “Vũ Trọng Phụng là một tài năng văn học kiệt xuất”. Rất tiếc vì diễn biến của thời cuộc, những nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng chưa thấu đáo, như Zinoman từng nhận định: “Hình như ở VN chưa có nhà phê bình nào nói được thật hết, đúng hết về giá trị thật sự các sáng tác của Vũ Trọng Phụng”.
Vậy là Vũ Trọng Phụng vẫn còn bí ẩn? Đúng thế. Những điều bí ẩn đó cũng chính là sức hấp dẫn của ông, không chỉ hấp dẫn chúng ta - những người VN của thế kỷ 21, mà cả những người nước ngoài, như người Mỹ mà Số đỏ đã chinh phục. Không chỉ có Số đỏ, những Giông tố, Vỡ đê, Lấy nhau vì tình, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, Lục xì, Dứt tình... vẫn còn lấp lánh, những câu chuyện của đầu thế kỷ trước mà như ông mới viết hôm qua, hôm kia ở đầu thế kỷ 21, với một bút pháp của người cõi trên.
Bình luận (0)