Ông có nhiều kỷ niệm với chiếc nôi đầu đời của nghề hát, đó là đoàn đại ban Kim Chưởng. Mỗi khi nhắc đến nơi đã đào luyện ông thành một kép hát nổi tiếng, ông đã nhắc đến bà bầu Kim Chưởng, ông nói: "Ngày xưa, gánh hát của cô Bảy Kim Chưởng là một “lò luyện thép”. Do hợp đồng ký chặt chẽ nên giờ giấc tập tuồng rất nghiêm túc, ai đến trễ phải xin phép bà bầu hẳn hoi, vi phạm nhiều lần có thể... hầu toà. Do ràng buộc chặt chẽ như vậy nên nghệ sĩ chúng tôi phải luôn nghiêm túc trong nghề".
NSƯT Phương Quang (vai Vua Riêm) và NSƯT Thanh Vy (vai Xê Đa trong vở "Nàng Xê Đa")
Đại ban của bà bầu Kim Chưởng đã hun đúc tinh thần cho ông và nhiều nghệ sĩ tài danh, để từ đó họ tỏa sáng trên sân khấu. Ông nói: "Tôi biết ơn cô bảy Kim Chưởng, nhờ cô mà tôi đã có những bước chuyển trong nghề. Sự nghiêm khắc của cô đã cho tôi cơ hội để phấn đấu hoàn thiện nghề diễn viên".
NSƯT Phương Quang còn nhắc đến ông Ba Bản (cũng là chủ hãng đĩa Hoành Sơn) trụ tại rạp Thủ Đô, có những kịch bản “đo ni đóng giày” cho nghệ sĩ, với sân khấu đại vĩ tuyến và cảnh trí lộng lẫy do được đầu tư thích đáng.
"Ông Ba Bản có cách làm khác người: mỗi vở diễn mới ông đều mở cửa mời khán giả vào xem tự do, để họ về quảng cáo cho vở diễn. Đoàn Kim Chung của bầu Long có bảy đoàn hát chuyên diễn lục tỉnh, đi đến đâu là đặc kín người xem, với các giọng ca do chính ông phát hiện như : NSND Lệ Thủy, NSƯT Mỹ Châu, Minh Vương, Minh Phụng… Mỗi đại ban thời đó đều thực hiện việc ký kết hợp đồng với diễn viên, cùng dàn tác giả giỏi tiêu biểu cho phong cách của mình, trên cơ sở thế mạnh của từng ngôi sao. Nhờ vậy, nghệ sĩ đều có bài ruột mà người khác không hát được, cũng không có hiện tượng lấy bài, giành bài của người khác, vì mọi thứ đều được kiểm soát chặt chẽ bằng pháp luật. Điều này giúp cho ngôi sao được định vị rõ ràng trong lòng khán giả. Trên cơ sở được bảo bọc, tạo cái nôi, tạo bệ phóng, nếu có tài năng thì nghệ sĩ sẽ phát triển rất nhanh. NSƯT Thanh Nga, Ngọc Hương, Út Bạch Lan… mỗi người đều có cái riêng của mình, nên cách viết “đo ni đóng giày” cho từng ngôi sao giúp họ toả sáng rất nhanh" - NSƯT Phương Quang kể.
Ông cho biết thêm: "Ngoài thu nhập ổn định từ hợp đồng, mỗi đêm diễn nghệ sĩ còn có thu nhập riêng tuỳ theo tài năng. Nếu đại ban nào muốn mua lại đào, kép của một đại ban khác, thường phải bồi thường gấp đôi hợp đồng. Mỗi hợp đồng thường ký thời hạn hai năm, đó cũng là thời gian giúp một nghệ sĩ có thể trở nên nổi tiếng”.
Bầu gánh xưa luôn giữ mối quan hệ thân tình với kịch tác gia để cùng giữ gìn, chăm chút cho đường lối của gánh mình. Cách tiếp cận với nghệ sĩ cũng rất tế nhị.
Những bầu gánh xưa luôn giữ mối quan hệ thân tình với một nhóm kịch tác gia để cùng giữ gìn, chăm chút cho đường lối của thương hiệu. Cách tiếp cận với nghệ sĩ cũng rất tế nhị, vì nghệ sĩ thường là người nhạy cảm, dễ bốc đồng. Cách sử dụng nhân tài không chỉ khai thác hết khả năng, mà còn giúp nghệ sĩ khắc phục nhược điểm. Đoàn Kim Chưởng nổi tiếng với việc chuyên đào tạo diễn viên trẻ có khả năng trở thành ngôi sao. Nhiều diễn viên đã thành danh nhờ được NSND Phùng Há dìu dắt. Cách đào tạo cũng khác bây giờ. Các bầu gánh thường xuyên đi khắp miền Tây, phát hiện những người trẻ có giọng hát thiên phú, vì đây là ca kịch, nên trước tiên cần chất giọng. Bầu gánh có con mắt tinh đời lắm, nên biết ngay ai là người có tư chất và giọng ca hay. NSND Lệ Thuỷ, NSƯT Thanh Kim Huệ đều được phát hiện bằng "mắt xanh" bầu gánh.
NSƯT Phương Quang khẳng định, để sàn diễn cải lương sáng đèn và có nhiều tác phẩm để đời, thì gánh hát phải có những nguyên tắc làm nghệ thuật và phương hướng rõ ràng. "Lò luyện thép" cần có sự kỷ cương, chuẩn mực của một đơn vị làm nghệ thuật. Sân khấu chuyên nghiệp phải là nơi đào tạo nguồn nhân lực để diễn viên không chỉ ca hay, diễn giỏi mà phải sống có đạo đức, đó mới thật sự là đức tính cần thiết của người nghệ sĩ hôm nay.
Bình luận (0)