Sau nhiều lần trì hoãn, bộ phim truyện nhựa Vượt qua bến Thượng Hải sẽ chính thức ra mắt khán giả từ hôm nay, 17-12. Được là xem phần 2 của phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Vượt qua bến Thượng Hải - đạo diễn: Phạm Đông Vũ (Trung Quốc) và Triệu Tuấn (Việt Nam) - là bộ phim được Nhà nước đặt hàng với 70% kinh phí (11 tỉ đồng).
Lấy bối cảnh Trung Quốc vào năm 1933, phim kể lại cuộc hành trình đầy gian khổ và nguy hiểm của Nguyễn Ái Quốc từ Hồng Kông tới Hạ Môn, Thượng Hải và từ đây tìm đường sang Liên Xô.
Từ ý tưởng về hành trình đầy nguy hiểm đó, nhóm biên kịch đã sáng tạo một câu chuyện điện ảnh với nhiều nhân vật hư cấu, nhiều tình tiết hư cấu bên cạnh nhân vật lịch sử Nguyễn Ái Quốc với mong muốn thêm một lần khẳng định tầm nhìn, tài trí, tình người của vị lãnh tụ cách mạng.
Những người viết kịch bản đã cho xuất hiện bên cạnh Nguyễn Ái Quốc một người cận vệ trung thành tên Hồ; một cô y tá xinh đẹp tên Phương Thảo có tình cảm đặc biệt với Nguyễn Ái Quốc và anh trai của cô – Ngũ Lang, sát thủ khét tiếng được mật thám Pháp cử đến để ám sát Nguyễn Ái Quốc. Chưa hết, 11 đứa trẻ con các liệt sĩ An Nam bị địch bắt giam là những nhân vật hư cấu và sự kiện này cũng là hư cấu.
Có thể Vượt qua bến Thượng Hải sẽ là câu chuyện đậm chất điện ảnh, cảm động nếu các nhân vật, các sự kiện, tình tiết được đầu tư xây dựng một cách logic.
Diễn viên Minh Hải (trái) vai Nguyễn Ái Quốc
Nhưng đáng tiếc là kịch bản chưa đạt đến điều này hoặc vai trò của đạo diễn còn mờ nhạt nên câu chuyện trong phim diễn ra khá khiên cưỡng. Người xem không có cảm giác “nghẹt thở” với những màn truy đuổi Nguyễn Ái Quốc trong phim.
Bởi các nhân vật phía địch được xây dựng mờ nhạt, ngây thơ, ngồi trong phòng kín “tiên đoán” được đường đi, hành động của Nguyễn Ái Quốc nhưng lại chẳng có hành động gì ráo riết thực hiện kế hoạch truy bắt của mình. Vì thế, người xem cũng không cảm nhận được hành trình đầy gian khổ, nguy hiểm của Nguyễn Ái Quốc trong chuyến vượt qua bến Thượng Hải.
Bên cạnh đó, một số nhân vật phụ được nhấn quá nhiều, giành đất và thời lượng một cách không cần thiết ở nhiều trường đoạn, khiến bộ phim bị tản mạn. Đơn cử, cảnh hai anh em Ngũ Lang- Phương Thảo thất lạc và tìm lại nhau.
Chưa kể những chi tiết xử lý không cao tay của những người thực hiện phim, chưa trả lời được câu hỏi tại sao viên mật thám Pháp lại biết Phương Thảo là em gái của Ngũ Lang, chụp được nhiều ảnh của cô này để gây áp lực buộc Ngũ Lang phải đi ám sát Nguyễn Ái Quốc, trong khi Ngũ Lang và Phương Thảo thất lạc nhau từ nhỏ và địa chỉ thất lạc mãi tận Hội An của Việt Nam chứ không phải là Thượng Hải của Trung Quốc bấy giờ?
Và nếu đã biết Phương Thảo ở đâu, tại sao không phát hiện cô gái này đang âm thầm chăm sóc cho Nguyễn Ái Quốc? Mặt khác, nếu xác định Nguyễn Ái Quốc đang trú tại nhà của thương gia Long Ký, sao không cho quân đến bắt mà phải nhờ sát thủ Ngũ Lang để rồi anh này làm hỏng việc vì mải “ngắm nòng súng” thay bằng việc nhả đạn đúng với chất của sát thủ?...
Nói tóm lại, sự khiên cưỡng, thiếu tinh tế trong xử lý các tình huống đã khiến chuyện phim nặng tính ráp nối hơn là một hiện thực độc lập đang diễn ra trong tác phẩm nghệ thuật. Và cũng vì thế mà hình ảnh Nguyễn Ái Quốc trong Vượt qua bến Thượng Hải mờ nhạt hơn rất nhiều so với nhân vật Nguyễn Ái Quốc ở phần 1 - Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông.
Gây ấn tượng đối với người xem từ bộ phim này là một số bối cảnh ở Thượng Hải những năm 1933 được dàn dựng khá công phu, sống động. Về diễn viên, gây được thiện cảm nhiều nhất là phần diễn xuất của diễn viên Chương Diễm Mẫn trong vai Tống Khánh Linh.
Bình luận (0)