xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Wall-E: Tình yêu giữa hai cỗ máy

Nguyễn Ngọc

Nằm trong bảng xếp hạng 10 phim ăn khách khu vực Bắc Mỹ tuần qua là bộ phim hoạt hình về chú người máy biết yêu Wall-E (viết tắt của từ Waste Allocation Load Lifter Earth-Class - người máy dọn dẹp chất thải chỉ định trên trái đất). Bộ phim là sản phẩm thứ 9 của bộ đôi Disney-Pixar sau thành công của Ratatouille (đã chiếu ở VN với tựa Chú chuột đầu bếp)

Chuyện phim mở đầu bằng một sự giả tưởng: Trong tương lai, trái đất bị bao phủ bởi rác thải, để dọn dẹp, loài người buộc phải rời khỏi trái đất và thay thế vào đó là hàng triệu rô-bốt nhỏ bé với nhiệm vụ thu dọn rác thải cho đến khi trái đất có thể ở được. Nhưng chương trình đó thất bại chỉ trừ một chú rô-bốt nhỏ bé vẫn chăm chỉ làm công việc của mình.

Dạy loài người cách làm người.- 700 năm dọn dẹp rác rưởi trên hành tinh bằng cách nén rác thành từng khối lập phương, Wall-E, rô - bốt duy nhất bị bỏ lại trên trái đất, bắt đầu có một lỗi nhỏ trong hệ thống: phát triển tính cách của con người. Rất ham hiểu biết, cực kỳ tò mò và một chút xíu cô đơn. Hằng ngày, chú người máy tận tụy làm việc một mình, bên cạnh chỉ có một con gián. Wall-E lãng mạn mơ ước rằng một ngày cậu sẽ kết giao được với ai đó và cuộc đời này hẳn còn nhiều điều thú vị hơn công việc buồn tẻ mà cậu làm hằng ngày. Thế rồi Eve xuất hiện. Eve (viết tắt từ Extra-terrestrial Vegetation Evaluator - người máy đánh giá thực vật ngoài trái đất) là cô người máy thăm dò có kiểu dáng đẹp, nhanh nhẹn, có thể bay và được trang bị súng laser. Eve thuộc hạm đội người máy được phi trưởng của tàu Axiom (chiếc tàu mẹ khổng lồ và sang trọng, là chỗ ở cho hàng ngàn con người) cử xuống trái đất để làm nhiệm vụ kiểm tra bí mật. Theo đuổi Eve, Wall-E không thể ngờ rằng cậu sẽ phải vượt qua dải ngân hà và bước vào một chuyến phiêu lưu kỳ thú vượt xa sự tưởng tượng của chính mình.

Ý tưởng về Wall-E đã được các nhà sản xuất gạo cội của Pixar là Andrew Stanton, John Lasseter, Pete Docter và nhà viết truyện thiên tài Joe Ranft ấp ủ trước cả khi Toy Story đang trong giai đoạn sản xuất (năm 1992). Nhưng khi đó họ chưa có cốt truyện mà mới chỉ ở dạng ý nghĩ: Điều gì sẽ xảy ra nếu loài người phải rời bỏ trái đất và ai đó quên tắt nguồn cho rô- bốt cuối cùng và nó không hề biết rằng công việc của nó đã kết thúc? Vài năm sau đó, ý tưởng thực sự được hình thành. Stanton cho biết ông bị ảnh hưởng rất lớn từ phim khoa học viễn tưởng của những năm 1970 như: A Space Odyssey, Star Wars, Alien... “Những bộ phim ấy đem tôi đến một không gian khác, làm tôi thực sự tin rằng những thế giới đó tồn tại ngoài kia. Từ đó đến nay chưa có bộ phim nào làm được như thế và tôi muốn tái hiện cảm xúc ấy. Tôi bị thu hút bởi sự cô đơn trong hoàn cảnh của Wall-E, cứ nghĩ mãi nhân vật này rồi sẽ đưa chúng ta đến đâu? Và không phải mất nhiều thời gian để nghiệm ra rằng trái ngược với nỗi cô đơn chính là tình yêu, tôi lập tức bị cuốn hút và hoàn toàn bị thuyết phục bởi ý nghĩ về tình yêu giữa hai cỗ máy, nhất là đặt trong bối cảnh toàn nhân loại đã mất đi mục đích sống. Điều đó thật nên thơ! Tôi thích ý nghĩ loài người sẽ có cơ hội thứ hai nhờ vào tình yêu của một chú rô-bốt bé nhỏ”.

Vậy là Wall-E ra đời pha trộn của nhiều thể loại, tình cảm-khoa học viễn tưởng cùng một chút hài. Trong phim, Wall-E đã vô tình trở thành một anh hùng, có khả năng tác động mạnh đến nhân loại và thật mỉa mai khi cậu lại là “người” duy nhất còn lại trên trái đất. Chú người máy bé nhỏ này đã dạy loài người cách quay trở lại làm con người. Chính mâu thuẫn trớ trêu này kết hợp với cảm xúc thật sự đã tạo nên cộng hưởng với khán giả.

Cải tiến nghệ thuật làm phim hoạt hình vi tính.- Đến khi bắt tay vào làm, khó nhất là khâu tạo hình cho Wall-E. Pixar không muốn vẽ lên những rô-bốt giống người với đủ tay, chân, đầu, mắt và biết nói. Các nhà làm phim và đội ngũ tạo hình đã gặp mặt các nhà thiết kế rô-bốt thực sự, ghé thăm những nhà khoa học của NASA, tham dự hội nghị về người máy, thậm chí còn mua cả một số rô-bốt thật, chưa kể đi đến xí nghiệp tái chế để quan sát máy nén rác hoạt động như thế nào. Ngoài ra, để hiểu được đặc điểm con người sẽ thay đổi ra sao sau hàng trăm năm sống nhàn nhã trong không gian, chuyên gia Jim Hicks của NASA đã thảo luận về sự teo cơ và ảnh hưởng của không trọng lượng lên cơ thể con người. Điểm bắt đầu trong quá trình phác họa Wall-E là đôi mắt. Andrew Stanton đưa ra ý tưởng về đôi mắt của Wall-E dựa trên cái ống nhòm sau khi đi xem một trận bóng chày. Anh nhận ra rằng chỉ cần nghiêng cái ống nhòm đi một chút là nó sẽ như có một vẻ mặt, cảm xúc khác. Thử thách thứ hai là giọng nói của Wall-E, đảm nhận việc này là chuyên gia âm thanh Ben Burtt từng nhiều lần đoạt giải Oscar, từng tạo nên âm thanh của R2-D2 (Star Wars), tiếng roi da của Indiana Jones, tiếng rít của Alien và nhiều loại âm thanh khác được biết đến rộng rãi. Dù đã có nhiều kinh nghiệm, Ben Burtt cũng bối rối vì phim yêu cầu nhiều loại âm thanh cho người máy nhất từ trước đến nay. Làm sao để tiếng nói của nhân vật được tạo ra phải khiến khán giả tin rằng không phải của con người nhưng đồng thời cũng phải mang những đặc điểm của chính thứ máy móc ấy. Không thể là tiếng của một cỗ máy vô hồn, cũng không thể giống tiếng con người mô phỏng. “Tôi bắt đầu từ căn phòng ghi âm nhỏ của mình. Tôi thu những âm thanh gốc rồi dùng máy vi tính để phân tích chúng, làm chúng vỡ ra đến những phần cấu thành. Khi làm chúng vỡ ra được rồi, bạn cũng có thể hợp chúng lại với nhau nhưng sẽ quản lý được số lượng. Ví dụ như tôi có thể đưa đặc điểm của một cỗ máy vào trong âm thanh và làm những việc mà thanh âm của con người không thể làm được. Tôi có thể giữ một nguyên âm lâu hơn và kéo dài nó ra. Tôi cũng có thể chỉnh độ cao thấp của bất kỳ âm thanh nào”.

Ngoài phụ trách tiếng nói cho Wall-E, Ben Burtt còn chịu trách nhiệm với tiếng nói của M-O, Auto và Eve. Giọng của Eve được Ben Burtt tạo lại từ giọng nói của Elissa Knight - một nhân viên của Pixar. Đối với những âm thanh khác trong phim, Burtt đã tạo ra một thư viện gồm hơn 2.400 tập tin - con số lớn nhất mà ông từng tích lũy cho một bộ phim. Tuy là phim hoạt hình làm bằng vi tính nhưng xem Wall-E khán giả không có cảm giác chúng được thu lại trong một không gian vi tính.

Với cách kể chuyện bằng hình ảnh, lời thoại ít nên âm nhạc của phim rất ấn tượng. Sự hợp tác ăn ý giữa Andrew Stanton, nhạc sĩ Thomas Newman và huyền thoại Rock N’ Roll Peter Gabriel đã cho ra đời bài hát Down to Earth thể hiện được trọn vẹn kết cục của bộ phim.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo