Ngày 8-3, Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu tổ chức họp báo công bố kế hoạch tổ chức. Theo đó, vòng sơ khảo diễn ra từ ngày 1 đến 30-5; vòng chung kết diễn ra tại Thanh Hóa, từ ngày 4 đến 10-7. Sự kiện này khiến người trong giới ngạc nhiên vì đã có 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia được cấp phép tổ chức. Theo Nghị định 79 của chính phủ quy định về tổ chức các cuộc thi người đẹp, mỗi năm chỉ được cấp phép không quá 2 cuộc thi hoa hậu. Vậy cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu này được hiểu như thế nào?
Dùng “chiêu” quốc tế hóa
Năm 2016 có 2 cuộc thi sắc đẹp toàn quốc, đó là cuộc thi “Hoa hậu Biển Việt Nam” (từ ngày 1-3 đến 25-5, vòng chung kết diễn ra từ ngày 15 đến 25-5 tại Hạ Long, Quảng Ninh), “Hoa hậu Việt Nam” (vòng chung kết toàn quốc diễn ra tại TP HCM từ ngày 10 đến 27-8). Cả 2 cuộc thi này đều được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cấp phép trong tháng 2-2016. Để được cấp phép cuộc thi hoa hậu thứ 3, Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu phải vận dụng “chiêu” quốc tế hóa. Chưa biết có được mấy thí sinh gốc Việt trên thế giới tham gia cuộc thi này nhưng “chiêu” quốc tế hóa này đã giúp cho ban tổ chức cuộc thi có được giấy phép tổ chức hoa hậu đàng hoàng không như cuộc thi Hoa khôi áo dài Việt Nam 2014 do Công ty Elite tổ chức tìm kiếm thí sinh dự thi Hoa hậu Thế giới, Hoa Hậu Quốc tế đã không được cấp phép thi hoa hậu vì vướng Nghị định 79.
Việc cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu được cấp phép khiến nhiều người băn khoăn: Phải chăng cơ quan quản lý nhà nước đang “xé rào” để cấp phép cho 3 cuộc thi hoa hậu, bất chấp Nghị định 79 năm 2012 của Chính phủ?
Trả lời việc này, chiều 9-3, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên cho rằng không có chuyện “xé rào” trong cấp phép tổ chức thi hoa hậu. Theo ông Biên, việc cấp phép này hoàn toàn chịu sự điều chỉnh của Nghị định 79 bởi 2 cuộc thi: “Hoa hậu Việt Nam 2016” và “Hoa hậu Biển Việt Nam 2016” mang tính toàn quốc, còn cuộc thi “Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu” có yếu tố quốc tế. Cuộc thi này khác các cuộc thi trong nước vì có quy mô toàn cầu, không chỉ dành cho thí sinh đang sinh sống trong nước mà còn dành cho thí sinh mang quốc tịch nước ngoài có dòng máu Việt hay bố mẹ là người Việt Nam hiện đang định cư tại nước ngoài. “Nghị định 79 quy định rõ đối với cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ VH-TT-DL sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của từng năm để xem xét, quyết định” - ông Biên giải thích.
Một hình thức lách luật?
Hiểu như thế nào là một cuộc thi quốc tế, đó có phải là những cuộc thi quy mô thế giới tổ chức ở Việt Nam như “Hoa hậu Thế giới”, “Hoa hậu Hoàn vũ”, “Hoa hậu Trái đất”… hay là cuộc thi dành cho người Việt tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới? Một đại diện của Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ VH-TT-DL cho rằng việc cấp phép cho cuộc thi hoa hậu phụ thuộc vào đối tượng tham gia các cuộc thi đó. Cuộc thi “Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu” dành cho các thí sinh mang nhiều quốc tịch, có thể là Úc, Mỹ, Anh… nhưng mang dòng máu Việt. Các cuộc thi khác, ví dụ “Hoa hậu Việt Nam”, có thể có thí sinh người Việt đang sống ở nước ngoài nhưng các thí sinh đó bắt buộc phải có quốc tịch Việt Nam.
Rõ ràng, với nhiều cách hiểu khác nhau về cụm từ “cuộc thi người đẹp quốc tế”, trong tương lai sẽ có rất nhiều cuộc thi hoa hậu lách luật như vậy để được tổ chức mỗi năm thay vì chỉ 2 cuộc như quy định hiện hành. Sẽ có các cuộc thi tương tự kiểu Hoa hậu người Việt châu Á, Hoa hậu người Việt châu Á - Thái Bình Dương, Hoa hậu người Việt ASEAN... sẽ được tổ chức mà không vi phạm Nghị định 79 vì đã được quốc tế hóa!
Đại diện một công ty có thâm niên tổ chức các cuộc thi người đẹp cho hay thay vì để các nhà tổ chức “lách luật” kiểu này, các cơ quan quản lý nên tính đến việc sửa lại Nghị định 79, không quy định cứng nhắc một năm chỉ tổ chức 2 cuộc thi hoa hậu để phù hợp hơn với thực tế. Bà Thúy Nga, Giám đốc Công ty Elite Việt Nam, đơn vị tổ chức rất thành công cuộc thi “Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2014, đường tới vương miện Hoa hậu thế giới 2014”, cho hay bà ủng hộ quan điểm sửa nghị định thay vì để nhà tổ chức lách luật. “Tiếng Việt quá phong phú nên dẫn đến cuộc thi sắc đẹp đều có tên “hoa hậu”, “hoa khôi”, “nữ hoàng”, còn tiếng Anh thì đều là “Miss” cả thôi. Gọi là hoa khôi như cuộc thi Hoa khôi Áo dài chẳng hạn nhưng quy mô vẫn toàn quốc, cũng tuyển sinh mấy vòng thì khác gì một cuộc thi hoa hậu đâu?” - bà Nga đặt vấn đề.
Chuyên gia kỳ cựu của các cuộc thi sắc đẹp này cho rằng không nên hạn chế tên gọi cuộc thi “hoa hậu” hay “hoa khôi” mà quan trọng nhất là chú ý đến năng lực tổ chức của đơn vị đó thế nào. “Chỉ nên gọi là hoa khôi khi cuộc thi của công ty nào đó mang tính địa phương hoặc trong ngành. Còn nếu các công ty chứng minh được năng lực tổ chức, chứng minh được việc tổ chức để thực hiện thì nên tạo điều kiện cho các đơn vị đó tổ chức hoa hậu” - bà Nga nêu quan điểm.
Thực tế, Nghị định 79 ra đời là nhằm siết chặt tình trạng tổ chức thi hoa hậu tràn lan, xô bồ trước đó, gây bức xúc trong xã hội. Tuy nhiên, vì quy định 1 năm được phép tổ chức không quá 2 lần nên đã phát sinh những vấn đề bất cập, tạo ra cơ chế xin - cho, tranh nhau giấy phép tổ chức và tìm cách lách luật.
Điều 18. Tên gọi và số lượng các cuộc thi người đẹp trong nước (Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu”):
1. Cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc được gọi tên là thi Hoa hậu.
2. Số lượng các cuộc thi người đẹp hằng năm được quy định như sau:
a) Đối với cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc mỗi năm tổ chức không quá 2 lần;
b) Đối với cuộc thi người đẹp vùng, ngành, đoàn thể trung ương, mỗi năm tổ chức không quá 3 lần;
c) Đối với cuộc thi người đẹp cấp tỉnh, mỗi năm tổ chức không quá 1 lần;
d) Đối với cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ VH-TT-DL sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của từng năm để xem xét, quyết định.
Bình luận (0)