Triển lãm “Quê hương qua ống kính nhiếp ảnh nữ TP HCM” lần 5 (từ ngày 5 đến 12-3 tại Hội Nhiếp ảnh TP HCM) là món quà dành tặng cho các nữ nhiếp ảnh gia (NAG) của Hội Nhiếp ảnh TP HCM.
Khởi nguồn từ chữ “duyên”
Điểm đặc biệt của các hội viên NAG nữ TP HCM hiện nay là hầu hết đều ngấp nghé ở tuổi được gọi là bà. Trẻ nhất cũng ở tầm 40 tuổi. Vì thế, nếu không có một tình yêu mãnh liệt dành cho nhiếp ảnh, hẳn họ không thể vượt qua những gian nan của chặng đường đi tìm cái đẹp cho nghệ thuật nhiếp ảnh.
Mọi việc đều khởi nguồn từ chữ “duyên”. Năm 34 tuổi, Đào Hoa Nữ là một cái tên còn xa lạ trong ngành nghệ thuật nhiếp ảnh. Lúc ấy, chị tham gia hát cho nhóm “Giới thiệu tác phẩm mới” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Phạm Trọng Cầu. Một lần, khi đứng trên ban công của trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, chị tình cờ thấy nhiều cô gái mặc áo dài thướt tha đi dự Hội Hoa Xuân. Xao xuyến trước cái đẹp của tà áo dài, của mái tóc đen tuyền gợi cảm dưới ánh nắng, Đào Hoa Nữ chỉ muốn làm sao bắt được cái khoảnh khắc đẹp ấy, mà để làm được điều này, chỉ có thể dùng máy ảnh chụp lại. “Thế là tôi giã từ nhóm nhạc, chuyển sang nhiếp ảnh với tâm nguyện là chụp được ngay những thời khắc đẹp của phong cảnh, của con người lướt qua mắt mình” - nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đào Hoa Nữ nhớ lại thời điểm chị bén duyên với nhiếp ảnh nghệ thuật vào năm 1979.
Các nhiếp ảnh gia nữ CLB Hải Âu trong một chuyến sáng tác. (Ảnh do CLB cung cấp)
Ban đầu chỉ chơi cho thỏa đam mê, dần dà những cuộc thi ảnh nghệ thuật trở thành nơi thử sức các nữ nhiếp ảnh. Thành quả từ tác phẩm, các giải thưởng nhận được cứ khích lệ họ theo đuổi tận cùng niềm đam mê của mình. Hơn 35 năm gắn bó với nhiếp ảnh, ở cái tuổi 71, NSNA Đào Hoa Nữ vẫn đều đặn đi chụp ảnh, phát hành sách ảnh để ghi dấu lại hoạt động của mình. Hiện nay, chị là hội trưởng đáng kính của các nữ NAG khác trong CLB Nhiếp ảnh Hải Âu - CLB nhiếp ảnh nữ đầu tiên của Việt Nam thành lập gần 26 năm. Những cống hiến của chị cho ngành nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam được nhà nước ghi nhận với tước hiệu cao quý ESVAPA (Nghệ sĩ Nhiếp ảnh có cống hiến xuất sắc).
Trong các NAG nữ hiện nay, trường hợp của NSNA Đoàn Thi Thơ là đặc biệt. Chị đến với nhiếp ảnh lúc mới 17 tuổi (năm 1980) và cũng là người trẻ nhất đạt tước hiệu AFIAP vào năm 1986. Thông thường, ở cái tuổi đôi mươi, người phụ nữ bận bịu chuyện chồng con, làm gì có thời gian để theo đuổi đam mê nào, lại là đam mê nhiếp ảnh cực khổ vô cùng. Chị may mắn có chồng là NAG Nguyễn Dũng (EFIAP) cảm thông và chia sẻ với vợ. “Tôi cũng thật không ngờ, gia đình của mình, từ chồng đến con và tôi đều có cùng một đam mê nhiếp ảnh, có sự hòa hợp trong nhận thức về nhiếp ảnh nghệ thuật. Đó là sự may mắn kỳ diệu” - NSNA Đoàn Thi Thơ hạnh phúc cho biết.
Xã hội Á Đông đặt trên vai người phụ nữ 2 trách nhiệm: làm vợ và làm mẹ. Cho nên, họ phải làm tròn 2 nhiệm vụ trên trước tiên. Chỉ đến khi con cái đã lớn khôn, công việc đã vững vàng, những nữ NAG mới tập tành chơi ảnh, mới là lúc họ tung cánh bay theo tiếng gọi trong tâm hồn mình. “Hơn nữa, lúc này người phụ nữ đã chín chắn, từng trải nên khi cầm máy, họ sẽ dễ dàng hòa mình vào đời sống nhiếp ảnh nghệ thuật” - NSNA Đào Hoa Nữ cho biết.
Những cánh chim không mỏi
Cũng vì tham gia nhiếp ảnh ở lứa tuổi không còn trẻ, các NAG nữ thường gặp vấn đề về sức khỏe. NAG Vân Tùng đã 57 tuổi, chị chơi ảnh nghệ thuật khoảng 3 năm nay, khi bắt đầu nghỉ hưu. Ở tuổi này, chị thường xuyên đau bệnh, huyết áp cao, nhức mỏi xương khớp nhưng bệnh vừa giảm là chị lại vác ba lô, máy ảnh lên đường tới các vùng xa xôi, hẻo lánh. “Mà hình như mình ở nhà mới sinh bệnh, còn đi chụp ảnh là tự dưng khỏe khoắn hẳn lên” - NAG Vân Tùng cười nói.
Đêm Cổ Thạch của NAG Nguyễn Kim Cương
Mỗi chuyến đi chụp ảnh ở vùng xa thường kéo dài khoảng nửa tháng. Đoàn đi liên tục, vừa chụp xong chỗ này thì vội vã đi tiếp chỗ khác. Một ngày hành trình từ 3 giờ sáng đến tối mịt. Ăn bờ ngủ bụi là chuyện thường ngày. Đôi lúc, họ quên mất giới tính của mình, quên mình cũng cần làm đẹp, cần thướt tha trong những tà áo mềm mại. Thay vào đó, họ phải trèo núi, lội suối, băng rừng một cách mạnh mẽ như những người đàn ông, cứ để mặc cho nắng, gió hằn lên gương mặt. “Cực khổ, tốn kém về vật chất, dung nhan tàn phai song khi tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên và chụp lại khoảnh khắc ấy, trong tôi tan biến mọi mệt mỏi, mọi lo nghĩ” - NAG Nguyễn Kim Cương chia sẻ.
Nữ NAG này kể rằng cuối năm ngoái, chị theo chân 4 NAG nam đi chụp rêu ở Cổ Thạch, tỉnh Bình Thuận. Mùa rêu ở Cổ Thạch bắt đầu vào mùa lạnh, từ tháng 12 đến sau Tết là thời điểm chụp đẹp nhất. Nhưng để chụp rêu đẹp dưới bầu trời đêm có sao, nhóm phải đi từ lúc 1 giờ sáng, băng qua những ghềnh đá trơn trượt trong đêm khuya.
Do đặc thù của lĩnh vực nhiếp ảnh nên hiện nay, Hội Nhiếp ảnh TP HCM chỉ có 44 hội viên nữ, con số này còn quá khiêm tốn so với số lượng hơn 400 hội viên. Vì vậy, họ như những viên ngọc cần được nâng niu trân quý để tỏa sáng.
Khẳng định không thua kém nam
Để không thua kém với NAG nam không chỉ về sự gan lì chịu đựng mọi gian khổ, các NAG nữ còn phải học hỏi để giỏi xử lý ảnh hậu kỳ. Bất kỳ tấm ảnh nào khi ở file ảnh thô đều không sắc nét, nó chỉ trở nên hoàn mỹ khi được xử lý qua kỹ thuật photoshop. Sự cố gắng của các chị không chỉ là chăm chút cho ảnh đẹp hơn mà còn là sự khẳng định họ không thua kém các NAG nam.
Bình luận (0)