Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú (NSND, NSƯT) vừa được Chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 15-11 tới. Tuy đã có một số thay đổi nhưng nghị định vẫn bị cho là chưa phù hợp thực tế.
Lại đòi hỏi huy chương
So với thông tư về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm 2010, nghị định lần này đã đưa thêm nhiều quy định mới, như nghệ sĩ muốn được xét tặng danh hiệu phải có phẩm chất đạo đức tốt, tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành nghề nghệ thuật, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ… Tuy nhiên, quy định phải có 20 năm hoạt động chuyên nghiệp trở lên (nghị định có thay đổi là đối với các loại hình múa, xiếc thì 15 năm trở lên) cùng có ít nhất 2 giải vàng quốc gia sau khi có danh hiệu NSƯT đối với nghệ sĩ muốn được xét tặng danh hiệu NSND thì vẫn không thay đổi. Đối với NSƯT, tiêu chuẩn về nghề nghiệp cũng như NSND nhưng thời gian hoạt động nghệ thuật là 15 năm trở lên (với xiếc, múa là 10 năm trở lên), có ít nhất 2 giải vàng quốc gia hoặc một giải vàng cùng 2 giải bạc quốc gia. Nói chung là phải có huy chương vàng, bạc.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho hay ông đã nhiều lần phản ánh với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) về những bất cập trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, nhất là quy định về huy chương và thời gian cống hiến nhưng không được tiếp thu. Theo NSND này, tài năng nghệ sĩ không chỉ thể hiện ở số huy chương vàng, bạc một cách cơ học mà còn ở sự mến mộ của khán giả, ở sự cống hiến cho nghệ thuật. Huy chương vàng, bạc là rất cần nhưng không phải là điều kiện quyết định trong việc xét tặng danh hiệu. “Nhiều nghệ sĩ trong dàn nhạc giao hưởng đặt vấn đề không có các concours cho họ tham dự thì việc xét danh hiệu sẽ như thế nào? Rồi hàng loạt nghệ sĩ xuất sắc, bậc thầy của các NSND bây giờ trong làng chèo như chị Thanh Trầm, chị Diễm Lộc cũng không có vai nào để lấy huy chương xét tặng NSND. Những trường hợp này liệu nhà nước có phong danh hiệu cho họ không?” - NSND Lê Tiến Thọ đặt vấn đề.
Bỏ rơi nghệ sĩ ngoài quốc doanh
Một ca sĩ nổi tiếng cho rằng quy định cứ phải có “vàng” mới được NSƯT, NSND là rất bất cập. Ca sĩ Mỹ Linh, Hồng Nhung… nổi tiếng từ hàng chục năm nay, tài năng và những cống hiến cho nghệ thuật của họ không phải bàn cãi, thế nhưng, chỉ vì không tham gia các hội diễn của Bộ VH-TT-DL để lấy huy chương mà không có danh hiệu. “Tài năng, uy tín đã giúp các nghệ sĩ này ngồi ghế giám khảo các cuộc thi hát từ lâu, giờ bảo họ tham gia như thí sinh để lấy huy chương thì thật nực cười” - ca sĩ này nhấn mạnh.
Phần lớn nghệ sĩ tham gia các liên hoan, hội diễn do Bộ VH-TT-DL tổ chức đều là người của các đoàn nghệ thuật quốc doanh. Các đơn vị xã hội hóa không có tiền để dựng vở dự liên hoan thì làm sao nghệ sĩ có giải dù tài năng của họ không thua kém ai. “NSƯT Thành Lộc quá tài năng, nổi tiếng nhưng không được phong NSND là một bất cập trong xét tặng danh hiệu nhưng nghị định mới ban hành vẫn chưa có gì thay đổi” - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nói.
Tài phải đợi tuổi
Nhiều nghệ sĩ cũng đặt vấn đề đã quy định “có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành nghề nghệ thuật, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ” thì liệu có cần phải 15 năm cống hiến với 2 giải vàng mới có danh hiệu NSƯT không?
NSƯT Lý Thái Dũng - Phó Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam, người sở hữu bộ sưu tập giải thưởng điện ảnh phong phú - cho hay anh thừa các tiêu chuẩn về huy chương để được phong tặng danh hiệu NSND nhưng vẫn phải chờ, lý do là chưa đủ thời gian cống hiến. “Tôi thấy quy định phải có 15 năm cống hiến mới được xét danh hiệu NSƯT và 5 năm sau mới được xét NSND là không cần thiết. Tài không đợi tuổi, có những bạn trẻ rất tài năng nên quy định 15 năm có cần thiết không?” - tay máy nổi tiếng đặt vấn đề.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Bộ VH-TT-DL cho rằng Luật Thi đua Khen thưởng sửa đổi, bổ sung năm 2013 đã quy định cụ thể các điều kiện, tiêu chí xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Nghị định là văn bản dưới luật nên phải tuân thủ, không thể khác được.
Hội diễn vẫn có giá
NSND Lê Tiến Thọ thừa nhận có những nghệ sĩ đoạt rất nhiều huy chương vàng nhưng khán giả chẳng ai biết đến vì họ chỉ đi hội diễn rồi thôi. Vì thế, phải hết sức cẩn thận với mục đích của hội diễn, tránh chuyện “chạy” huy chương, nghệ sĩ chỉ chăm chăm đi liên hoan, hội diễn để lấy huy chương chứ không phải là phục vụ khán giả.
Nhạc sĩ Quang Vinh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, tâm sự mỗi khi nghĩ đến hội diễn hay liên hoan là anh lại “rùng mình”. Theo nhạc sĩ này, vì là nhà hát trung ương nên đã đi thi thì phải có huy chương để nghệ sĩ sau này có cái xét tặng danh hiệu. Nếu không có giải thì xấu hổ. Và thực tế là các nhà hát phải đua nhau đầu tư vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng cho tiết mục của mình để có giải, trong khi tiết mục đoạt giải bán vé không ai xem. Thực tế không ít vở kịch, tiết mục giành hết giải này đến giải khác trong những kỳ liên hoan, hội diễn nhưng công chúng lại không biết đến.
Bình luận (0)