Thuộc hàng lão làng của giới cầm bút, tại sao có sự muộn màng này? Nhưng điều đáng nói bây giờ là Phan Vũ đã “chán thơ” và đang mê cầm cọ.
Làm thơ vì nghịch chữ
Nhắc đến Phan Vũ, nhiều người biết ngay ông là tác giả của trường ca Em ơi, Hà Nội phố. Bài thơ này ra đời vào năm 1972, giữa những trận bom B52 rải thảm xuống thủ đô. Em ơi, Hà Nội phố sau này còn lan tỏa rộng hơn trên giai điệu của nhạc sĩ Phú Quang. Giữa những tháng ngày bom đạn, bão lửa đó, rất nhiều văn nghệ sĩ sáng tác phục vụ chiến trường thì Em ơi, Hà Nội phố gần như lạc nhịp trong dàn đồng ca. Ông cho biết: “Em ơi, Hà Nội phố thể hiện sự khắc khoải, hoang mang của tôi khi tình yêu Hà Nội đang đứng trước những tàn phá khủng khiếp mà nhiều thứ có thể bị mất đi. Ta còn em là còn Hà Nội của quá khứ hòa trộn vào hiện tại lúc đó...”. Từ ngày Em ơi, Hà Nội phố ra đời đến nay đã có rất nhiều dị bản. Những dị bản truyền miệng đã đành, in trên sách báo cũng rất nhiều dị bản. Ngay cả bản in trong tập Phan Vũ thơ cũng là một dị bản do Phan Vũ chép lại theo trí nhớ và gọi đó là “dị bản chính thức”.
Trong tập Phan Vũ thơ, gần như mỗi bài thơ đều gắn liền với một sự kiện nào đó trong đời tác giả. “Tôi không làm thơ theo kiểu tưởng tượng vịnh lá, tả hoa... Tôi chỉ viết ra giấy khi có những sự việc ám ảnh ray rứt hay chấn động đời mình” – nhà thơ tâm sự. Ông thường làm thơ kiểu ngẫu hứng trong các cuộc rượu rồi xuất bản miệng ngay tại chỗ. Nếu bài thơ ngẫu hứng đó viết ra giấy, sau khi đọc xong trong hơi men nồng, thường thì ông “hóa vàng” ngay tại chỗ. Bạn bè, đa phần là bạn vong niên, gọi đùa cách đốt thơ của Phan Vũ là nghệ thuật trình diễn thơ mà mãi sau này loại hình trình diễn như vậy mới xuất hiện ở ta.
Bản thảo Phan Vũ thơ hoàn thành khi ông đang đi Pháp dự triển lãm tranh nên chưa được tận tay chăm sóc cho vừa ý. Vậy nhưng, Phan Vũ vẫn xuề xòa đầy nét tinh nghịch hồn nhiên. Cuộc sống một kiếp người với hơn 80 năm có phải là quá dài để nhìn thấy nhiều giá trị đổi thay? Trong đó, không có gì là vĩnh hằng, kể cả thơ! Cho nên Phan Vũ luôn gọi mình làm thơ là một trò nghịch ngợm chữ.
Nghịch màu thì vẽ tranh
Sau khi hứng thú với chữ nghĩa, ông bắt đầu công việc làm phim với vai trò vừa biên kịch kiêm đạo diễn. Nhưng làm phim một thời gian ông cũng đâm ra ngán vì cảm thấy chưa thật vui. Để rồi bây giờ ông bị màu sắc của hội họa hút hồn vào. Phan Vũ đến với hội họa hoàn toàn do tự học. Lúc trẻ, ông bị mê hoặc bởi tranh của các danh họa cùng những câu chuyện xung quanh. Và những gì đã đọc bấy lâu cứ tự nhiên thấm vào người ông lúc nào không hay. Lúc mới tập vẽ, Phan Vũ được một số họa sĩ lớp trẻ chỉ cho ông cách căng bố, pha màu cùng những tiểu tiết lặt vặt khác. Ông càng vẽ càng say mê sáng tạo, đến độ sau vài tháng “vào nghề”, một nhóm họa sĩ đến nhà ông chơi, xem tranh xong họ bảo: “Triển lãm được đấy!”. Hiện tại, Phan Vũ rất tâm đắc vẽ tranh, dường như thế giới trắng toát trong khoảng một mét vuông lại là thế giới tự do nhất ở chặng cuối đường đời của ông.
Hỏi mới biết, khoảng tháng 11 này ông sẽ tham gia triển lãm cùng với hai người bạn. Do vậy, ông phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng và vẽ đến khi nào mỏi tay. Phan Vũ nói ông đang chạy đua với thời gian, mặc dù xem chuyện vẽ cũng chỉ là một trò chơi nhưng trời cho ông cuộc sống đã quá dài. “Phải tranh thủ thôi, tranh thủ chơi đến cùng, tôi biết thời gian của mình còn ít lắm!” – ông nói trong tiếng gió khe khẽ thổi ngoài sân.
Quê hương lưu lạc...
Tập thơ ông ấp ủ lâu nay lại có đề tài khá quen thuộc, đó là quê hương. Phan Vũ kể, ông sinh ra ở Hà Nội, nhiều người lầm ông là “Hà Nội chánh tông”. Nhưng không phải vậy, bố ông là người Đà Nẵng có máu “giang hồ” nên phiêu bạt ra Hà Nội rồi sinh ông ở đó. Ông chỉ biết quê nhà, họ hàng tổ tiên qua lời kể của người bác. Hiện ông rất muốn về lại Đà Nẵng tìm rõ cội nguồn của mình, nhưng thời gian có đợi, sức người có kham nổi?! Quê hương trong tập thơ nhiều ấp ủ này của Phan Vũ sẽ là quê hương lưu lạc. Quê hương có thể là một mảnh đất bé nhỏ quạnh hiu nào đó mà cũng có khi là mảnh đất nhiều tiếng cười, nhiều nước mắt. Ông đã dành sẵn bản thảo để chờ ngày ấn hành một quê hương lưu lạc của chính mình.
Bình luận (0)