Thật bất ngờ khi đọc được thông tin: Nhà thơ Xuân Quỳnh là một trong những văn nghệ sĩ được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thông qua danh sách các hồ sơ đủ điều kiện trình Hội đồng Cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2016. Tưởng rằng chị đã nhận giải thưởng cao quý này lâu rồi mới phải chứ?
Còn nhớ, trước đây, cụ thể ngày 4-2-2015, tại khu dân cư Gia Hòa trên đường Đỗ Xuân Hợp, UBND quận 9, TP HCM và chủ đầu tư là Công ty Xây dựng - Kinh doanh Nhà Gia Hòa đã tổ chức lễ đặt tên đường là tên của 8 văn nghệ sĩ: nhà thơ Huy Cận, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Xuân Quỳnh, NSND Út Trà Ôn, NSƯT Thanh Nga; các nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, Diệp Minh Tuyền và Trịnh Công Sơn. Trước lúc “ngoài trung ương” xét duyệt hồ sơ thì tại TP HCM, tên tuổi của nhà thơ Xuân Quỳnh đã được tôn vinh. Mà điều này rất xứng đáng. Có thêm giải thưởng lần này lại là một sự khẳng định cho tầm vóc của một nhà thơ nữ đã có nhiều đóng góp cho nền thi ca nước nhà.
Trước năm 1945, các nhà thơ nữ thuở ấy có thể kể đến Tương Phố, Hằng Phương, Anh Thơ, Vân Đài, T.T.Kh, Ngân Giang…; thế hệ tiếp nối sau này, trong Nam có Ái Lan, Tuệ Mai, Hoàng Hương Trang, Nguyễn Thị Vinh, Phương Đài…; ngoài Bắc có Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ý Nhi, Xuân Quỳnh… Trường hợp nhà thơ Xuân Quỳnh với Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng lẽ ra phải sớm hơn nữa. Tuy nhiên, xin đừng quên rằng tự thân tác phẩm văn học, nếu thật sự có giá trị thì trước/sau, sớm/muộn chính nó cũng có được một vị trí xứng đáng. Nếu không, dù có trao bất cứ giải thưởng nào, chắc gì người đương thời thèm nhớ đến, chứ nói gì đến đời sau.
Xuất hiện từ năm 1963 với tập thơ “Chồi biếc”, sau đó, nhà thơ Xuân Quỳnh tiếp tục có “Hoa dọc chiến hào”, “Gió Lào cát trắng”, “Lời ru trên mặt đất”, “Tự hát”… Khác với thế hệ nữ sĩ cùng thời, có thể ghi nhận thêm rằng mảng sáng tác viết cho thiếu nhi của nhà thơ Xuân Quỳnh cũng rất độc đáo.
Chắc chắn nhiều người sẽ bất ngờ với mẩu đối thoại giữa hai mẹ con: Con yêu mẹ bằng gì? Bằng ông trời? Rộng quá. Bằng Hà Nội? Rộng quá… Chỉ có đứa trẻ mới có thể trả lời một cách ngộ nghĩnh, đáng yêu lắm: “À, mẹ ơi, có con dế/ Luôn trong bao diêm con đây/ Mở ra là con thấy ngay/ Con yêu mẹ bằng con dế”. Đố người lớn có thể đặt câu hỏi tương tự: “A, bàng tốt lắm/ Bàng che cho em/ Nhưng ai che bàng/ Cho bàng khỏi nắng”? Lại nữa, lúc đứa trẻ chơi trốn tìm: “Chỉ còn một chỗ/ Đố bạn tìm ra/ Nào, một… hai… ba/ Trốn vào lòng mẹ”. Tôi đọc những đoạn thơ này từ thời còn sinh viên, giờ vẫn nhớ như in. Phải nhập lòng mình vào lòng đứa trẻ mới có thể nghĩ ra tứ thơ đó.
Nói đến Xuân Quỳnh là nói đến thơ tình. “Thuyền và biển”, thơ của chị do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, sức sống còn bền lắm. Chỉ nghe riêng câu này, ai lại không bùi ngùi thổn thức: “Nếu phải cách xa anh/Em chỉ còn bão tố”. Có những câu thơ không dễ quên: “Lòng em nhớ đến anh/Cả trong mơ còn thức”; những câu thơ quyết liệt: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em/Là máu thịt, đời thường ai chẳng có/Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”. Vì tâm thế dữ dội khắc sắc nét trên từng câu thơ đó khiến tôi lại nhớ đến một câu văn tế nổi tiếng của thi sĩ đất phương Nam: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, đặng linh hồn theo giúp cơ binh” (Nguyễn Đình Chiểu). Một người phụ nữ đã viết nên câu thơ “Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi” ắt cá tính mạnh mẽ, rạch ròi, đâu ra đó…
Có nhũng người, đọc thơ họ thì thích nhưng khi tiếp xúc con người thật lại chán. Hoặc không, nếu đọc những thư từ, nhật ký, ghi chép của họ lại thấy chẳng hề có hơi hướm gì như những câu thơ như đã viết lay động lòng mình. Trường hợp Xuân Quỳnh là một sự nhất quán giữa thơ và đời. Sỡ dĩ tôi cả gan dám nói chắc nịch vì lý do này: Do cơ duyên, chừng hơn hai mươi năm trước, nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ đã sao chép cho tôi khá nhiều thư từ trao đổi giữa anh trai - nhà thơ Lưu Quang Vũ - với vợ là Xuân Quỳnh. Đọc những lá thư có tính cách riêng tư ấy, tôi càng hiểu thêm những câu thơ mà chị đã viết: “Giữa ngàn hoa cỏ núi sông/Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ/Chắt chiu từ những ngày xưa/Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”.
Sắp tới, nhà thơ Xuân Quỳnh nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh - thông tin này sẽ khiến nhiều người hoan nghênh, đồng tình. Thông tin này lại càng ý nghĩa khi biết trước đó, Lưu Quang Vũ cũng đã nhận giải thưởng cao quý này và đã được đặt tên đường tại Đà Nẵng - quê cha của anh là nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Thuận. Nhân sự kiện này, riêng tôi, xin được nghĩ đến những mối tình đẹp nhất trong nền thơ Việt Nam như Phạm Thái - Trương Quỳnh Như, Đông Hồ - Mộng Tuyết… và nay, Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Tôi bâng khuâng đọc lại lá thư Lưu Quang Vũ gửi Xuân Quỳnh viết ngày 7-6-1988: “Ta chỉ mới bắt đầu những ngày đẹp nhất/Vở kịch lớn, bài thơ hay nhất/Dành cho em, chưa kịp viết tặng em/Tấm màn nhung đỏ thắm/Mới bắt đầu kéo lên/Những ngọn nến lung linh quanh giá nhạc/Bao nỗi khổ niềm yêu thành tiếng hát/Trái tim hãy vì anh mà khỏe mạnh/Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh…”.
Giải thưởng dành cho người đã khuất, vậy mà lòng ta ấm áp hẳn lên bởi họ đã sống, đã yêu và đã có một tình đẹp từ thơ ca đến cả đời thường. Những câu thơ ấy vẫn đồng hành đến ngày sau…
Xuân Quỳnh được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa công bố danh sách hồ sơ đủ điều kiện trình Hội đồng cấp nhà nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng nhà nước” về văn học nghệ thuật. Theo đó, ở lĩnh vực văn học, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với 2 tập thơ “Lời ru trên mặt đất” và “Bầu trời trong quả trứng”. Cùng với chị còn có Nguyễn Xuân Thiều với tiểu thuyết “Huế mùa mai đỏ”, truyện thiếu nhi “Khúc hát mở đầu”; nhà thơ Thu Bồn với tiểu thuyết “Chớp trắng”, “Vùng pháo sáng”, tập truyện ngắn “Dưới tro”; nhà văn Hữu Mai với 2 tiểu thuyết “Đêm yên tĩnh”, “Người lữ hành lặng lẽ”.
Lĩnh vực âm nhạc có 8 hồ sơ được xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”: Chu Minh, Hoàng Hà - Cẩm La, Thuận Yến, Nguyễn Trọng Bằng, Doãn Nho, Phạm Minh Tuấn, Đinh Ngọc Liên, Vũ Văn Ký…. H.L.Anh
Bình luận (0)