Nói đến nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ, không thể không nói đến danh cầm Vũy Chỗ và Nghệ nhân Dân gian (NNDG) Bạch Huệ. Đóng góp của NSƯT Vũy Chỗ đối với bộ môn nghệ thuật độc đáo này chính là lối nhấn chuyển cung, rung và ngân trầm ấm, trình độ diễn tấu thượng thặng nên được giới chuyên môn phong là danh cầm. Còn những đóng góp của danh ca Bạch Huệ âm thầm, bền bỉ truyền dạy để gìn giữ những gì chuẩn mực trong cách ca của ĐCTT Nam Bộ.
Ngón đàn ma lực
Cố NSƯT Vũy Chỗ xuất thân từ nghèo khó, nhờ gắn liền với nghệ thuật ĐCTT mà làm nên danh phận. Năm 11 tuổi, ông đã say mê ĐCTT. Hầu hết những bài bản và tuồng tích trong đĩa hát, ông đều thuộc lòng. Thân phụ ông chính là thầy dạy đàn guitar cho ông. Sau đó ông được cha đưa đến học với thầy Tăm Mỹ là một nhạc sĩ sân khấu đã làm nhạc công qua nhiều đoàn hát như: Tân Xuân, Tân Hí, Mộng Vân… Chỉ học một năm, ông đã nắm khá nhuần nhuyễn 20 bài bản Tổ của ĐCTT và chính thức vào Ban Cổ nhạc Đoàn Cải lương Mộng Vân đờn thay thầy.
“Khi soạn giả Mộng Vân liên tục sáng tác kịch bản mới, hình thành phong cách ca diễn theo trường phái kiếm khách, ma nữ, sầu bi để tạo sự huyền bí trong cách ca, ngón đờn sáng tạo đầy cảm xúc của Vũy Chỗ đã phát huy. Vốn dĩ đi từ ĐCTT đến với sân khấu cải lương, Vũy Chỗ biết áp dụng đúng lúc, đúng chỗ, tuân thủ đúng niêm luật và bảo vệ nó đến cùng” - nhạc sĩ Đức Lang nói.
Theo nhận xét của soạn giả NSND Viễn Châu, tiếng đàn tranh của cố NSƯT Vũy Chỗ rất điêu luyện. Nó chở nặng nỗi niềm tha hương nhưng lạc quan hướng tới tương lai và không bi lụy, khi ông phát triển lối nhấn chuyển cung rất điệu nghệ.
Theo lời kể của “Vua vọng cổ” Viễn Châu: “Vũy Chỗ có thời gian về cộng tác với Đài Phát thanh Sài Gòn, phụ trách Ban Cải lương Dư âm. Chính thời gian này, Vũy Chỗ bắt đầu nghiên cứu ĐCTT, anh biên soạn ký xướng âm đầu tiên cho giáo trình dạy đàn tranh và cách phát triển lối nhấn chuyển cung”.
“Với Vũy Chỗ, ngón đờn độc đáo của ông trong mọi làn điệu: Bắc, Hạ, Nam, Oán, Ngự khiến người nghe như được đứng trước một bức tranh sinh động về quê hương non nước hữu tình. Ông có lối nhấn chuyển cung, lúc chuyển chữ, rất tuyệt chiêu trong các bản Bắc (Bắc thường và Bắc nhạc lễ); ngón chuyển đó gọi là khúc thức, với cách nhấn, rung cung, lướt chữ nhẹ nhàng, êm đềm đầy truyền cảm, nhất là qua điệu Ai, Oán. Với tám bài Ngự, anh trau chuốt nắn nót âm thanh trên từng cung bậc, đầy chất Huế, khiến người nghe dạt dào cảm xúc, lâng lâng như thưởng thức hương vị một bầu rượu ngon” - ThS Huỳnh Khải phân tích.
ThS Huỳnh Khải cũng cho biết trong điệu vọng cổ, âm thanh từ đôi tay của NSƯT Vũy Chỗ rất phong phú, thanh thoát và tươi mướt. Đặc biệt, với thủ thuật “ngón cái đá ngược” nhẹ nhàng liên tục hoặc cách “nhấn ém âm thanh” tạo tiếng “nấc nghẹn ngào”. Những điều đó vẽ nên dung mạo tài hoa đúng với danh hiệu “danh cầm” mà Viện Âm nhạc Việt Nam phong tặng cho ông cách đây 30 năm.
Giọng ca tuyệt chiêu
NNDG Bạch Huệ là con của nhạc sư Sáu Tửng, chuyên đờn kìm và là em ruột nhạc sĩ tân nhạc Huỳnh Anh, người được biết qua 2 bài tân nhạc nổi tiếng Hoa trắng thôi cài trên áo tím (phổ thơ Kiên Giang) và Mưa rừng, viết cho vở cải lương cùng tên của Hà Triều - Hoa Phượng. Soạn giả Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho biết từ nhỏ, NNDG Bạch Huệ đã say mê điệu đàn kìm của cha. Khi nhạc sư Sáu Tửng đi đờn cho gánh hát của Phùng Há, Bạch Huệ được các chú, bác nhạc sĩ, bạn của cha cô dạy ca và mời cô tham gia các buổi ĐCTT. Cô nổi tiếng vì ca rất đúng bài và chắc nhịp. Chất giọng mượt mà truyền cảm, man mác nỗi niềm nên rất dễ đi vào lòng người.
Soạn giả Kiên Giang cho hay: “Năm 14 tuổi, Bạch Huệ lên Sài Gòn đi ca cổ nhạc. Được cha dạy cặn kẽ nên cô ca rành và đúng 20 bài bản Tổ: 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán và 7 bài Ngự. Cô là một trường hợp đặc biệt vì phần đông các nghệ nhân thời đó chỉ học ca từng lớp trong mỗi bài ca. Danh ca Tám Thưa, Trưởng Ban Việt Nam cổ nhạc, đã mời cô thu âm cho Đài Phát thanh Pháp Á và Đài Phát thanh Sài Gòn. Các hãng đĩa như: Asia, Hoành Sơn, Pathé… cũng nhanh chóng khai thác giọng ca lạ theo lối chân phương, đúng từng điệu thức, đúng theo phong cách tài tử của Bạch Huệ. Dấu nhấn chữ trong cách ca và cách lấy hơi, đổ hột khi xuống câu, cao vút khi đến cao độ của Bạch Huệ là một tuyệt chiêu khó ai học được. Những sáng tạo trong cách ca của cô là bài học giá trị cho các nữ danh ca cổ nhạc sau này”.
Theo soạn giả Lê Duy Hạnh: “Nhờ tiếp thu sự chuẩn mực trong ĐCTT, lại rất khó tính với chính mình nên những nghiên cứu, sáng tạo của bà đã là kim chỉ nam cho nhiều thế hệ tài tử ca sau này, khi họ đến với bộ môn ĐCTT Nam Bộ.
Bà vẫn thường nhắc nhở dù ĐCTT cần sự ngẫu hứng khi chơi đờn và khi ca nhưng phải tuân thủ niêm luật. Phát triển “hoa lá cành” nhưng vẫn giữ đúng luật chơi. Chính áp dụng những điều luật này mà bà đã rèn luyện biết bao tài tử ca, thông qua việc đứng lớp giảng dạy, truyền nghề và làm giám khảo hàng trăm cuộc thi ĐCTT Nam Bộ”.
Hôm được phong tặng danh hiệu NNDG, nghệ nhân Bạch Huệ đã khóc và nói: “Muốn được thu âm thêm nhiều bài bản cổ nhạc mới mà làn hơi đã yếu rồi”.
Bà từng phát biểu tại Hội thảo 90 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang, do Sở Văn Hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu và Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM tổ chức năm 2009, nếu không thu thanh lại tất cả điệu thức, cách ca, cách đờn thì sau khi các nghệ nhân lão thành khuất núi, nghệ thuật ĐCTT với 20 bài bản Tổ sẽ thất truyền. Tấm lòng của bà với nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ đã được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Lao động hạng ba nhưng tin chắc một điều, bà sẽ vui mừng hơn khi biết ngày càng có nhiều chương trình ĐCTT Nam Bộ được đưa vào học đường, phổ biến đến giới trẻ và nhân rộng thêm nhiều thế hệ am hiểu, biết nâng niu giá trị mà bà và các tiền nhân đã dày công vun đắp.
Bình luận (0)