Gần 500 bài trong Tuyển tập thơ tứ tuyệt Yến Lan vừa phát hành (NXB Văn học tháng 9-2006), người đọc đếm được hơn 100 bài ông sáng tác năm 1998 trước lúc trút hơi thở cuối cùng vào ngày 5-10 tại nơi chôn nhau cắt rốn. Nằng nặng trên tay người cầm, Tuyển tập thơ tứ tuyệt Yến Lan, phản ánh một đời lao động nghệ thuật không ngơi nghỉ. Sóng sánh trên mỗi dòng thơ, gương mặt thi nhân vẫn đang mỉm cười hiền lành ngự ở bên kia Bến My Lăng lung linh huyền hoặc. Cùng những giai thoại đẹp quanh con người của “thi nhân Việt Nam”, của “Bàn thành tứ hữu” xưa... vẫn hiện diện trong lòng người yêu văn chương.
Một đời thơ tận hiến
Bà Nguyễn Thị Lan, bạn đời của Yến Lan, là người ghi chép tất cả sáng tác của chồng khi ông đau ốm. Những ngày cuối đời, Yến Lan nằm trên giường bệnh, khi nảy ra một tứ thơ nào thì ông đọc ngay cho bà chép lại. Bài thơ cuối cùng viết ngày 10-9-1998: “Năm châu chín quận trải qua rồi/ Còn xứ tâm hồn của bạn thôi/ Một buổi chiêm bao ta đã thấy/ Đau thương phiền muộn khác chi đời”. Yến Lan đã trải qua “năm châu chín quận”, xứ nào con người cũng có thể đến chỉ riêng “xứ tâm hồn” là khó tiếp cận. Và thi nhân đã tiếp cận “xứ tâm hồn” bằng trải nghiệm một đời thơ trên từng dòng “ta viết cho đời thơ tuyệt cú”.
Khác với nhiều người cùng thế hệ, Yến Lan gắn bó với quê hương nhiều hơn cả. Sau ngày đất nước thống nhất, ông cùng gia đình khăn gói trở về căn nhà xưa cạnh chợ Gò Chàm - An Nhơn (Bình Định) thay vì ở lại Hà Nội hay vào TPHCM như nhiều bạn bè vẫn làm. Quê hương với ông là tất cả những gì để ông nỗ lực sống và làm việc. Nơi “tỉnh nhỏ/ cô em / nằm xem kiếm hiệp”, giữa chiều đã vắng người qua lại, ấy là nơi Yến Lan lắng đọng những xúc cảm của mình sau tiếng chuông chùa, sau bụi bặm đời thường. Ông viết: “Chẳng nghĩa thì ân cũng chút tình/ Hỏi hoài em vịn cửa làm thinh/ Bao lâu trắc trở từ phương Bắc/ Mong được cầm tay cái nín thinh”. Cái cầm tay nín thinh đó cũng là chút tình giao cảm của Yến Lan từ xứ sở mình gởi đến nhiều tri âm khác.
Ngoài Bến My Lăng bất hủ hóa thân từ bến sông mang tên Tràng Thi, Yến Lan được giới chuyên môn đánh giá rất cao về thơ, nhất là thơ tứ tuyệt. Nhà thơ Trúc Thông nghiên cứu kỹ thơ tứ tuyệt Yến Lan cảm khái: “Trong số lưa thưa bậc hảo hán của thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại, Yến Lan thuộc loại “bố già”. Một “bố già” hiền lành. Không cân quắc, ngang tàng, vang động. Nhưng vẫn đầy cốt cách trong cung cách âm thầm... Trong tứ tuyệt Yến Lan thường nén lại một nông nỗi thở dài. Có khá nhiều cám cảnh. Nhưng cốt cách nghệ sĩ, cốt cách tứ tuyệt đã gây cho người đọc một sự kính trọng”.
Một đời sống chí tình
Trong làng văn vẫn truyền tụng nhiều giai thoại đẹp về Yến Lan, các giai thoại cho thấy ông là một người sống rất chí tình. Khi hay tin nhà thơ Chế Lan Viên mất, Yến Lan đã khóc vì không được nhìn mặt bạn lần cuối, theo bà Lan: “Tôi thấy anh Lan khóc bạn nhiều nhất khi họ ra đi là anh Hoan (Chế Lan Viên) và anh Quách Tấn”.
Nhà thơ Yến Lan mồ côi mẹ năm lên 6 tuổi, ông lớn lên nhờ sự đùm bọc của người chị thứ Bốn nên ông quý chị như mẹ. Ngoài những quan tâm đặc biệt dành cho chị, Yến Lan viết về ngày chị đi lấy chồng rất cảm động: “Khế chua chị nấu lá mồng tơi/ Em ước cùng ăn đến trọn đời/ Tang mẹ mãn rồi bà mối giục/ Chị đi bát đũa cũng mồ côi”. Ông sống chí tình với cuộc đời không chỉ thể hiện qua thơ mà còn qua những hành động cụ thể khác. Bà Lan kể: “Khi có người cho đôi gà trống thiến, anh đem làm chả dành cho bạn bè mỗi người một miếng để biết thức ngon. Hà Nội thời chiến tranh vừa khó vừa khổ, thấy bạn bè khen chả gà ngon mặt anh rạng rỡ lắm”.
Những mẩu chuyện nho nhỏ về Yến Lan nhiều vô số kể và nó góp phần vun đắp để nhìn ra một nhân cách lớn. Ngay cả bút danh Yến Lan (tên thật của ông là Lâm Thanh Lang) cũng góp từ tình cảm của hai người bạn gái. Cô Yến và cô Lan chơi thân với nhau nguyện sẽ cùng lấy một chồng, ông nghe vậy nên lấy tên hai cô làm bút danh cho mình như lưu giữ một tình bạn đẹp. Bà Lan về ở với ông rất gian khó, nhưng nhờ tính ông hay biết đùa và luôn tìm ra những điều lạc quan trong giây phút bi kịch nhất nên mọi chuyện đều êm xuôi. Ở những lúc cuối đời, khi bà chăm sóc ông, ông đùa: “Gái có công chồng chẳng phụ. Em cố gắng giúp anh, lúc nào chết, anh sẽ phù hộ em”. Trước lúc “về” Bến My Lăng gọi đò sang sông mãi mãi, ông nói với các con của mình: “Ba nghèo lắm, không có gì để lại, đó là thiệt thòi lớn cho các con. Nhưng bù lại, suốt đời ba đã phấn đấu, đến giờ các con có quyền tự hào mình là con của một người làm thơ biết tự trọng và khiêm tốn. Điều này còn quý hơn tiền bạc, nhà cửa”. Và nay thì độc giả đang cầm trên tay Tuyển tập thơ tứ tuyệt Yến Lan được in từ sự tích cóp từng đồng lương hưu ở tuổi hơn 80 của bà Lan. Có thể nói, sự nghiệp Yến Lan hiện diện rất lớn công sức của bà.
Bình luận (0)