Khi đời sống biểu diễn èo uột, không nuôi nổi nghệ sĩ, YouTube được nhiều nghệ sĩ xem là một phương tiện kinh doanh giải trí hái ra tiền, thậm chí là “mỏ vàng” chưa khai thác. Phần lớn nghệ sĩ Việt đều trở thành đối tác của kênh YouTube với kênh YouTube riêng mang tên mình. Nhiều nghệ sĩ, công ty kinh doanh giải trí đổ xô khai thác vùng“đất hứa” YouTube để kiếm tiền, bất chấp mọi thứ. YouTube có thực sự là mảnh đất màu mỡ là thị trường rất béo bở của nghệ sĩ Việt hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
“Mỏ vàng” thật không ở Việt Nam
Sử dụng YouTube để phát hành sản phẩm riêng đang trở thành xu hướng chuyên nghiệp hóa toàn cầu. Thực tế, nghệ sĩ thế giới đã phát hành các sản phẩm của mình trên kênh YouTube từ nhiều năm nay và doanh thu của họ thu về rất lớn. Cùng với xu hướng thế giới, việc sử dụng YouTube như một công cụ kinh doanh giải trí dần trở nên phổ biến tại Việt Nam. Nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực từ ca nhạc, hài kịch đến phim đều có kênh YouTube riêng. Từ các ngôi sao đình đám như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh, Hoài Linh, Xuân Hinh, Thu Trang, Trấn Thành… đến những ngôi sao trẻ như Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Sơn Tùng M-TP,… hay cả những nhóm hài, nhân vật của thế giới mạng (tức chỉ nổi trên mạng) như DAMtv, BB&BG, Phở, Mì gõ… đều có những kênh YouTube riêng khá nổi bật.
Nhiều nghệ sĩ thế giới đều sống tốt nhờ doanh thu từ YouTube bởi theo cách tính phổ biến của kênh phát hành này, một view (tương đương với 1 lượt xem) được Google thống kê và chi trả phí 1 USD. Với lượng view bình quân của một nghệ sĩ là vài triệu lượt, thậm chí vài chục triệu như trường hợp ca sĩ Justin Bieber, thu nhập lớn từ YouTube là điều không thể phủ nhận. Theo đó, nhiều nghệ sĩ Việt trên mạng cũng sống tốt khi họ không phải tốn công tốn của để tổ chức những buổi diễn ngoài đời. Những tiểu phẩm chỉ cần quay và ra mắt trên YouTube là có thu nhập ổn. Những nhóm hài như BB&BG, đến nay đã có hơn 100 video clip với khoảng hơn 1, 2 triệu người theo dõi trên kênh YouTube chính thức. Như vậy, theo công thức chung của YouTube, nhóm hài BB&BG có sức hút rất lớn và dĩ nhiên số tiền họ thu về từ YouTube cũng rất nhiều.
Theo đó, tất cả những nghệ sĩ có lượt xem nhiều trên YouTube, tức là những ngôi sao ăn khách trên mạng, đều có cơ hội để tăng thu nhập từ YouTube. Và đây cũng chính là lý do vì sao hầu hết các nghệ sĩ Việt đều chọn phát hành các sản phẩm âm nhạc, sân khấu, phim ảnh của mình qua kênh YouTube thay vì những hình thức truyền thống như trước đây. Theo lý giải của nhiều nghệ sĩ, mọi người đều tin rằng thu nhập của mình được tính theo lượng view của mỗi sản phẩm hay tất cả các sản phẩm được tung lên YouTube. Tuy nhiên, “cách tính tiền của YouTube Việt Nam khác hẳn với YouTube thế giới. Cách tính không chỉ phụ thuộc vào lượt xem mà còn đến từ vài cách thức, thỏa thuận trước đó. Vậy nên mới có trường hợp nhiều khi 300.000 lượt xem mà thu tiền về nhiều hơn 1 triệu lượt. Chưa kể, 1 view (một lượt xem) ở Việt Nam chỉ được Google trả 0,0005 USD thay vì 1 USD như trên thế giới” - thành viên của kênh Yeah1 networld (kênh đối tác trực tiếp và chính thống gần như duy nhất của YouTube tại Việt Nam) chia sẻ.
Kiếm gì ở YouTube?
“Không thể kiếm được tiền từ YouTube” là khẳng định của nhiều nghệ sĩ. Theo đó, “chỉ những ngôi sao “nóng” trên mạng như Mỹ Tâm hay Hồ Quang Hiếu mỗi tháng có thể kiếm được 20-30 triệu đồng là cao. Những giọng ca khác, dù là ngôi sao thực sự, mức thu cũng chỉ tầm vài ba trăm ngàn đồng là hết” - quản lý của một ca sĩ lâu năm trong nghề khẳng định.
Theo lý giải của các đơn vị hợp tác với kênh YouTube, doanh thu của các nghệ sĩ khi phát hành sản phẩm trên YouTube được tính theo quảng cáo dựa trên lượt xem (do Google thống kê và trả cho chủ kênh) chứ không phải lượt người xem. Tức là có khi một MV phải được xem từ đầu đến cuối mới được tính là một lượt xem. Trong khi đó, không phải cứ ngôi sao là có thể thu hút lượt xem trên YouTube. Có những trường hợp thành ngôi sao trên mạng với lượt xem thuộc dạng “khủng” nhưng họ lại không được đánh giá cao ngoài đời thật, thậm chí thuộc dạng yếu kém. Trường hợp video clip của Lệ Rơi là một ví dụ.
Theo các đơn vị kinh doanh trên YouTube, 1 triệu lượt xem ở Việt Nam được trả 300 USD (chưa chia tỉ lệ giữa đơn vị kinh doanh và chủ kênh). Số nghệ sĩ đạt lượt xem 1 triệu trong thời gian 1 tuần chỉ có vài người (hiện nay là Sơn Tùng M-TP, diễn viên hài Thu Trang hay nhóm hài BB&BG). Các nhãn hàng sẵn sàng chi tiền để gắn bó với nghệ sĩ nhằm mục đích quảng bá thương hiệu của họ rộng khắp thế giới. Như vậy, ở mặt nào đó nghệ sĩ vẫn là người thu lợi khi sản phẩm của họ không thu được tiền từ lượt xem thì đã được thương hiệu quảng cáo trả tiền làm đại diện nhãn hàng.
Lợi ích quảng bá
Dù vậy, YouTube vẫn là xu hướng không thể bỏ qua vì tính chuyên nghiệp và cả cơ hội quảng bá bản thân của văn nghệ sĩ. “Nếu một sản phẩm được phát hành trên một website nội địa như trước đây thì YouTube có nhiều ưu thế hơn khi sức quảng bá của kênh này đến nhiều quốc gia trên thế giới. Một MV của ca sĩ Việt vẫn có cơ hội lan tỏa khắp thế giới qua kênh phát hành của YouTube” - đại diện Yeah, một trong những đối tác của YouTube tại Việt Nam, chia sẻ. Hơn hết, thu tiền từ lượt xem không phải là vấn đề chính của những người làm nghề “chuyên nghiệp” như trường hợp của danh hài Thu Trang, Xuân Hinh, ca sĩ Lý Hải, MC Thuỳ Minh… bởi những người này thường gắn sản phẩm quảng cáo vào các clip của họ và thu nhập được tính từ quảng cáo chứ không phải lượt xem.
Bình luận (0)