Với những đứa trẻ lớn lên ở vùng này thì bến quê gần như là nơi duy nhất để hội tụ bạn bè trong những dịp hiếu hỷ, Tết nhất. Sau này lớn lên, có đứa trụ lại, có đứa xa quê nhưng mỗi khi có dịp gặp nhau, câu chuyện của chúng tôi thường là kỷ niệm những mùa nước nổi và những mùa dưa.
Một ruộng trồng dưa hấu ở miền Trung - Ảnh: Dân Việt
Mùa đông nước ngập sâu vào rìa làng. Sau những cơn mưa, nhìn con nước lớn, đỏ ngầu, thấy những cành củi khô trôi bập bềnh, tôi đã mơ hồ nghĩ về nỗi nhọc nhằn, những sóng gió cuộc đời và hướng đến sự kiên gan trước khó khăn. Nhưng khi mùa mưa vừa dứt thì nước sông bắt đầu dềnh dàng, chảy chậm lại. Phía bồi con sông lộ ra mảng đất phù sa mỡ màng tươi xốp, bà con dùng đất ấy để trồng dưa hấu. Ban đầu chỉ trồng và tiêu thụ trong địa phương, sau đó mở rộng thị trường sang các huyện lân cận nhưng mấy năm gần đây, người dân mở rộng khu vực trồng dưa, làm ăn lớn luôn, trồng dưa hấu xuất khẩu.
Ngày xưa, chúng tôi chỉ có kỷ niệm ra giêng rủ nhau ra bến sông ăn dưa. Bây giờ, cũng thời gian này, mấy năm trước, học trò đi học mang dưa tới trường biếu cô, thầy. Cuối buổi học, trên đường về, các em ào xuống ruộng dưa, hái bỏ trước giỏ xe đạp về. Dưa nhiều lắm! Những trái đủ chuẩn đã được hái để xuất khẩu, những trái nhỏ hơn hoặc có tì vết thì chủ dưa thường thả chộ, ai hái được thì hái chứ không bán đổ bán tháo gì hết. Đó cũng là lý do cả cái xóm núi vui mừng khi tới mùa dưa. Người lớn có tiền, thù lao cho những giọt mồ hôi đậm đặc. Trẻ con có niềm vui được đi hái dưa, đem chén muối theo, hái được trái dưa thì tìm cách đập vỡ ra, ăn tại ruộng vậy mới thấy đã.
Năm nay ruộng dưa lại xanh mướt, lại đặc sệt trái - những trái dưa xanh um, tròn lẳn. Được mùa dưa nhưng mất mùa… sức khỏe. Năm nay vì ảnh hưởng dịch Covid-19 mà dưa hấu bị ứ lại, bán giá rẻ.
Tôi bước ra bến quê, dòng sông vẫn hiền hòa dịu mát. Nhưng ruộng dưa bây giờ hiu hắt. Tôi mong cho dịch bệnh qua mau, mong cho bà con còn đầy nghị lực để "còn da lông mọc, còn chồi nảy cây".
Bình luận (0)