xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cái móng chân quặp của anh… nhớ bàn tay em

Truyện ngắn của Hồ Việt Khuê

Nhảy lò cò đến ngồi trên chiếc ghế dựa, anh co chân trái lên, dùng bàn tay to bè bóp chặt bàn chân, bàn tay còn lại nắm ngón cái day thật mạnh

 Cơn đau như bị nghẽn mạch khiến anh cảm thấy dễ chịu hơn. Cái ngón chân cái của bàn chân trái bị thương chớ con mắt đâu mù mà cứ va vấp hoài, mỗi lần anh đá ngón chân cái vào chân bàn, chân tủ là như bị dùi nhọn đục vào xương, buốt đến tận óc. Đời người có những chuyện lãng nhách đến lãng xẹt, vặt vãnh đến vụn nát làm vướng bận tâm trí, gây đau đớn thể xác lẫn tinh thần; làm cho con người ta bực bội, cau có rồi đâm ra nhìn sự vật, sự việc chung quanh với tâm thế bi quan, ngờ vực. Anh đang bị rơi vào hoàn cảnh oái oăm này, không to tát, chỉ nhỏ như cái móng chân.

Cái móng chân quặp của anh… nhớ bàn tay em - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Không biết tại sao mà cái móng chân cái của anh hễ ra dài là nó quặp vào một bên, nó đâm sâu vào da thịt làm đau nhức mỗi khi anh cử động. Đến chừng này tuổi, anh mới biết trên cơ thể người ta, ngoài râu quặp còn có… móng quặp. Rồi nó sưng tấy, mưng mủ còn gây cảm sốt nữa. Anh đi khám bệnh, bác sĩ kê toa mấy ngày thuốc trụ sinh và khuyên anh làm tiểu phẫu… rút bỏ cái móng chân mọc không đúng định hướng. Tại sao mười chín cái móng chân, móng tay khác trên cơ thể anh mọc dài ra đúng vị trí của nó còn cái móng chân cái của bàn chân trái này lại mọc lệch hướng, đâm vào da thịt gây đau đớn và phiền toái cho anh? Chỉ việc tìm hiểu nguyên nhân này cũng đã làm anh mất ngủ mấy đêm liền. Anh quen mang giày từ lúc đến lớp mẫu giáo, thật khó khăn khi phải từ bỏ một thói quen diễn ra hằng ngày suốt mấy chục năm trời. Cái ngón chân cái mưng mủ buộc anh phải mang dép, mang xăng-đan, mang thứ gì đó miễn là ngón chân cái không bị bao bọc. Anh có đôi giày Bata mang đi tập thể dục cho phép ngón chân cái của bàn chân trái anh mọc bên ngoài chiếc giày. Chẳng cần phù phép thần linh gì, anh dùng lưỡi lam khoét trống chỗ ngón chân cái là xong nhưng không thể áp dụng cách này để được mang giày da đi làm việc hay đi tiệc tùng. Anh phải bằng mọi cách càng sớm càng tốt thanh toán cái móng chân cái quặp.

Một sáng, anh đến tiệm cắt - uốn - chải - nối tóc - nối mi - làm móng - massage mặt cho phái nữ, theo lời bày biểu của một cô bạn để nhờ cắt móng. Gọi là tiệm có vẻ lớn lao và sang trọng, thật ra chỉ là vài mét vuông phía trước một căn nhà cho thuê. Nhìn tấm bảng viết kiểu chữ bay bướm "Tiệm Yến Phương" và một loạt gạch đầu dòng bên dưới, anh có cảm tình ngay vì họ không đề "Viện uốn tóc" như nhiều nơi khác. Thời đại này cần phải cường điệu, phô trương, phóng đại nhiều phần trăm sự thật mới có cơ hội thành công dù thành công một cách không lương thiện.

Anh gạt chân chống xe máy, cà nhắc vào tiệm. Cô thợ kiêm chủ tiệm tươi cười chào anh.

- Anh cắt khóe chân?

- Sao cô biết?

Anh cố tạo gương mặt vui nhưng vì đau quá nên có lẽ giống mặt người dẫn chương trình hài hằng đêm lảm nhảm trên màn hình tivi làm cô thợ bật cười.

- Nhìn bộ dạng của anh là em biết ngay.

Tiệm đang có một người khách nằm dài trên ghế gội đầu. Tấm màn buông không che hết cho anh nhìn thấy hai bắp chân phụ nữ có thể được xếp vào hạng cầu thủ bóng đá phong trào. Cô thợ mang hai thau nước nhỏ đặt dưới chân anh.

- Anh ngâm chân cho móng mềm, chờ em một lát nhen…

Ông bà ta có câu "Nhất dáng, nhì da", theo anh có thể thêm "thứ ba là giọng nói". Cô chủ trẻ thốt lời hết sức dịu dàng, mềm mại như ru làm anh ngồi chờ cô gội xong mái tóc rồi sơn móng chân, móng tay cho cô cầu thủ, dễ chừng cả tiếng đồng hồ mà không mảy may phiền lòng. Anh chỉ định cắt khóe móng một ngón chân nên ngâm bàn chân trái vào một thau nước.

Xong việc, cô chủ đẩy chiếc xe đồ nghề có nhiều ngăn chứa lỉnh kỉnh chai lọ đến bên chân anh. Cô ngồi trên chiếc ghế thấp, khẽ nâng chân anh đặt lên một chiếc ghế cao ngang tầm mắt, dùng khăn lau nhẹ nhàng từng ngón chân anh. Hình như anh chưa hề được ai đó lau bàn chân cho mình? À! Có má anh nhưng lúc bà còn sống và anh mới ba bốn tuổi gì đó. Rồi cô soạn đồ nghề, bày ra trên chiếc khăn trắng nào là cái bấm, cái kìm, cái giũa, cái nạy, cả bông băng và thuốc sát trùng nữa. Cô chăm chú ngắm nghía bàn chân anh, soi mói ngón chân có cái móng quặp của anh làm anh thẹn thùng vì đã không chà rửa thật sạch sẽ bàn chân trước khi đến gặp cô.

Anh nhìn mấy tấm hình nữ minh tinh treo trên vách trước mặt, không phải anh thích ngắm mấy cô tài tử vừa khoe mái tóc vừa khoe vòng một mà vì anh ngồi trên ghế cao còn cô chủ ngồi ghế thấp, nên anh không thể sỗ sàng nhìn vào trong cổ áo của cô. Anh nhắm nghiền mắt, không dám nhìn mũi kìm vừa chạm vào da thịt mình.

- Ái!

Anh rụt chân, chữa thẹn:

- Đau quá hà!

Cô chủ xuýt xoa:

- Em xin lỗi! Anh ráng chịu đau một chút nhen.

Anh nín thở, căng mình chờ cơn đau tiếp theo khi mũi cây nạy lách sâu vào chiếc móng quái ác. Anh liếc nhanh, biết cô chủ cũng nín thở vì ngực áo cô không phập phồng. Anh thấy trên trán cô, chếch cuối lông mày phía phải có vết sẹo dài. Anh đùa để quên đau:

- Em giành ăn với em rồi đánh nhau nên có vết sẹo trên trán hả?

Cô chủ vẫn chăm chú với cây kìm và bàn chân anh. Cô tỉa tót từng mảnh nhỏ của cái móng mọc không đúng định hướng. Mọi thứ không đúng định hướng hình như đều gây rắc rối?

- Anh nói em tham ăn lắm hả? Em trèo cây hái ổi bị nhánh cây gãy nên té úp mặt xuống đá thành sẹo chớ bộ.

Cô chủ có giọng nói thật nhẹ nhàng khác hẳn với nhiều người anh quen biết.

- Em không phải người vùng này?

Cô không trả lời mà hỏi ngược lại anh:

- Đố anh quê em ở đâu?

- Ở nơi cha mẹ em sinh ra em.

Khi đang đau buốt xương vì mũi kìm nhọn đâm vào da thịt, người ta trả lời trớt quớt thế là quá lịch sự rồi.

Cô chủ nhẹ nhàng dùng bông lau vết thương, thoa thuốc sát trùng và băng ngón chân cái anh bằng miếng băng cá nhân. Cô chu đáo dặn dò:

- Đêm, trước khi đi ngủ anh nhớ làm vệ sinh vết thương, nhớ đừng băng kín để mau lành…

Thật tuyệt vời! Chỉ vài ngày sau, cái móng quặp không còn… quặp nữa, nó trở lại mọc đúng như chín ngón chân khác. Anh đi đứng thoải mái không đau nhức nữa, tất nhiên, anh phải để cái ngón chân bướng bỉnh này được tự do, không gò bó trong mũi giày. Chuyện này dễ ợt, anh mang dép hoặc mang giày Bata khoét trống chỗ ngón chân cái là êm đẹp.

Anh từng đọc nhiều bài báo khoa học viết về những trường hợp móng chân, móng tay của người nằm trong quan tài hàng trăm năm còn tiếp tục mọc dài ra, huống hồ anh còn hít thở khí trời nên chỉ hơn tháng sau, anh không ngạc nhiên khi cái móng chân cái của anh lại… quặp. Nó lại lặp đúng quy trình: đau, nhức, mưng mủ, đi cà nhắc, nhảy lò cò…

Cô chủ như chờ đợi anh rất lâu, vừa thấy anh gạt chân chống xe máy trước cửa tiệm, cô đã cười ỏn ẻn:

- Anh đến trễ vậy? Lần sau, ngón chân vừa đau là anh nhớ đến em ngay chớ để mưng mủ rồi mới chạm mũi kìm vô…

Cô không tiếp lời mà nhún vai, dang tay, nhăn mũi diễn tả cái sự đau đớn của anh rất thân mật. Thì ra cô quá nhiều kinh nghiệm về cái món… móng chân quặp. Anh lại ngồi trên ghế, lại ngâm ngón chân vào nước, lại tránh nhìn vào cổ áo cô khi cô đang nín thở lách mũi kìm cắt từng mảnh nhỏ móng chân để không phải nghe anh rên rỉ vì đau đớn.

Từ đó, mỗi ngày anh đều mân mê cái ngón chân cái của mình, hễ nó vừa phát tín hiệu đau nhức là anh vù đến ngay tiệm cắt - uốn - chải - nối tóc - nối mi - làm móng - massage mặt Yến Phương. Anh thường đảo xe vài vòng, chọn lúc tiệm vắng khách mới vào để được trò chuyện với cô chủ nhiều hơn. Lần đầu, anh chỉ nhờ cô cắt khóe ngón chân quặp, từ lần sau, anh nhờ cắt móng cả hai bàn chân; còn bây giờ, anh nhờ cô cắt cả mười móng chân và mười móng tay. Bạn biết vì sao không? Vì anh muốn kéo dài thời gian ở gần cô chủ tiệm Yến Phương.

Có công đến tiệm làm móng, có ngày kết thân với cô chủ. Anh đã được cô mời đến nhà chơi vào một ngày cô nghỉ làm. Căn nhà nhỏ trong một mảnh vườn nhỏ ở ngoại ô thị xã yên ả và thanh bình, nơi cô gái và mẹ sinh sống, cho anh cảm giác thân mật và ấm cúng. Người mẹ hiền từ lưu lạc đến miền quê này sau khi người chồng sớm qua đời, đã làm lụng vất vả để nuôi cô con gái duy nhất khôn lớn. Cô gái chỉ được học vài năm trung học rồi học nghề và bây giờ cô đã có thể phụng dưỡng mẹ già bằng nghề nghiệp của mình.

Người mẹ hạnh phúc nhìn con bận rộn nấu nướng đãi cơm khách, bà hân hoan vì con mời bạn đến nhà, việc chưa từng xảy ra.

- Tội nghiệp con gái, hồi nhỏ nó khổ lắm, phải một buổi đi học, một buổi đi cắt cỏ mướn…

Người mẹ nói nhỏ đủ cho anh nghe, giọng bà rưng rưng xúc động. Cô gái vừa nấu nướng vừa hát nhạc boléro, những bản nhạc boléro trữ tình dạo này rỉ rả mọi lúc mọi nơi làm người nghe phát ngán nhưng sáng nay, tiếng hát trầm ấm du dương của cô làm anh thích thú dỏng tai lên nghe say mê. Anh công nhận là dòng nhạc boléro lan tỏa nhẹ nhàng mà sâu lắng làm rung động cả trái tim người nghe khó tính. Anh ngạc nhiên vì lâu nay, qua những buổi la cà ở tiệm Yến Phương, anh không nhận biết ở cô gái dấu vết của tuổi thơ bất hạnh, từng sống thiếu thốn vì lúc nào cô cũng vui tươi, nhí nhảnh. Cô nhảy chân sáo vào đời với tiếng hát luôn nở trên môi như khẳng định mình sẽ vượt qua bất cứ nghịch cảnh nào. Với tinh thần lạc quan của cô, một chớ mười cái móng quặp cũng không nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ chớ không rên rỉ như anh.

Nhưng mà… nhờ cái móng quặp, anh mới trở thành bạn của cô. Khi cô tiễn anh ra ngõ, hai người bịn rịn đứng bên cái cổng tre dưới giàn bông giấy đỏ rực trong nắng, anh thu hết can đảm thủ thỉ:

- Trước kia, cái móng chân quặp của anh nhớ… bàn tay em. Còn từ nay, anh… nhớ em! 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo