Cuốn "Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu" của tác giả Hoàng Tuấn Công (NXB Hội Nhà văn ấn hành) vừa ra mắt đã làm "dậy sóng" giới học thuật và bạn đọc. Đây là công trình phê bình khảo cứu mang tính khoa học và rất nghiêm túc của tác giả Hoàng Tuấn Công, chỉ ra hàng ngàn sai sót trong những cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân (Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ cho cụm công trình về giáo dục học và từ điển tiếng Việt): "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam", "Từ điển từ và ngữ Việt Nam", "Từ điển từ và ngữ Hán Việt".
Gây "sóng gió" trong giới học thuật
Cuốn sách khảo cứu lên tới gần 600 trang, được chia làm 5 phần. Phần 1: Phê bình, khảo cứu cuốn "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" (xuất bản lần đầu vào năm 1989). Phần 2: Phê bình, khảo cứu cuốn "Từ điển từ và ngữ Hán Việt" (xuất bản lần đầu năm 1989). Phần 3: Phê bình và khảo cứu cuốn "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" (xuất bản lần đầu năm 2000). Phần 4: Chính tả trong từ điển của GS Nguyễn Lân. Phần 5: Thử lý giải những sai sót khó hiểu của nhà biên soạn từ điển - GS Nguyễn Lân. Trong 4 phần đầu, Hoàng Tuấn Công đã thống kê trên 1.000 lỗi trong các cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân.
Cuốn “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu” của tác giả Hoàng Tuấn Công chỉ ra cả ngàn sai sót trong những cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân Ảnh: HUY NGUYÊN
Ông Công phân chia rõ ràng các mục từ mà mình cho là sai thành những nhóm sai sót khác nhau, có nhóm sai do "bỏ gốc lấy ngọn, giải thích sai, nông cạn làm hẹp ý nghĩa, cách dùng thành ngữ, tục ngữ". Chẳng hạn, thành ngữ "Nhân nào quả ấy", GS Nguyễn Lân giải thích ý nói con cái chịu ảnh hưởng của cha mẹ. Tuy nhiên theo ông Công, thực chất câu này nói về nguyên nhân và kết quả, gieo nhân nào gặt quả ấy như trong triết lý nhà Phật. "Nói đến nhân quả là nói đến quy luật tất yếu, đâu chỉ là con cái chịu ảnh hưởng sâu sắc của cha mẹ như cách giải thích của GS Nguyễn Lân" - cuốn sách viết. "Khuôn vàng thước ngọc", theo GS Nguyễn Lân, là gương sáng cần noi theo. Hoàng Tuấn Công cho rằng chưa chính xác. Gương sáng cần noi theo chỉ là tấm gương của con người. Trong khi khuôn vàng thước ngọc là chuẩn mực, khuôn thước nói chung để người ta làm theo, so sánh, kiểm chứng giá trị, xấu tốt của sự vật khác... Hay những câu "Chồng ăn chả, vợ ăn nem", "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", "Lành làm gáo vỡ làm môi", "Lắm mối tối nằm không", "Mỡ để miệng mèo", "Buôn có bạn bán có phường", "Cha mẹ sinh con trời sinh tính", "Mẹ tròn con vuông", "Xanh vỏ đỏ lòng", "Tham bát bỏ mâm"… đều được tác giả cuốn sách chỉ ra sự hiểu sai, chưa chuẩn xác hoặc giải thích tối nghĩa, hẹp nghĩa... của người biên soạn. Tác giả cũng chỉ ra rất nhiều từ ngữ Hán Việt, thành ngữ, tục ngữ gốc Hán trong các cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân dịch sai, hiểu sai, như: Bách phát bách trúng, bán tự vi sư, sư tử Hà Đông, điệu hổ ly sơn...
Giới học thuật ghi nhận và hoan nghênh việc làm này của tác giả Hoàng Tuấn Công. PGS-TS Phạm Văn Tình- Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, cho biết không hề ngạc nhiên khi thấy một cuốn sách phê bình và khảo cứu chỉ ra những sai sót trong từ điển của GS Nguyễn Lân, cho dù ông đã nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ cho "Cụm công trình về giáo dục học và từ điển tiếng Việt" hồi năm 2001.
Theo ông Tình, từ điển của GS Nguyễn Lân vốn có nhiều vấn đề từ góc độ từ điển học cũng như các kỹ thuật khác. Trước đây, cũng đã có ý kiến của nhiều cá nhân về những sai sót này. "Có nhiều lý do mà các ý kiến đó không được công bố hoặc khi công bố không được tiếp nhận đúng với tinh thần khoa học. Nhưng tới giờ có anh Hoàng Tuấn Công, dù không phải người làm ngôn ngữ nhưng rất am hiểu, viết cả một cuốn sách về việc này. Những ý kiến của anh ấy rất đích đáng" - ông Tình nói.
Khách quan và phải đúng
Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - cho rằng việc có cuốn sách chỉ ra cái sai trong từ điển là một chuyện nhưng có chính xác hay không lại là chuyện khác. "Cuốn "Phê bình và khảo cứu" của Hoàng Tuấn Công có quyền ra đời. Nhưng không phải vì cuốn sách mới này mà chúng ta phủ nhận thành tựu của GS Nguyễn Lân đã dày công biên soạn để tạo những nền móng đầu tiên cho nền văn hóa mới. Cuốn sách đó đã làm xong nhiệm vụ lịch sử của nó. Thái độ của chúng ta đối với cuốn sách này cần bình tĩnh, "tôn sư trọng đạo", giống như cách đối xử với một di tích chứ không thể nói đơn giản là nhà xây lâu năm cũ quá rồi, để thì mất mỹ quan lắm, thôi đập bỏ đi, dùng nhà mới" - ông Hòa nêu.
Cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân do NXB Văn học ấn hành
Theo ông Hòa, để người đọc nhận thức rõ vấn đề đúng sai, các NXB trước khi tái bản những cuốn từ điển này của GS Nguyễn Lân, cần có lời giới thiệu, phân tích rõ quá trình tiếp biến của ngôn ngữ để chuẩn bị tâm thế cho người đọc. "Theo thời gian và thực tế sử dụng, có những từ đã khác nghĩa hoặc trái nghĩa hoàn toàn, một số từ thì biến nghĩa, mở rộng nghĩa, có sự chuyển dịch, một số từ biến mất, còn một số từ mới lại phát sinh. Không có bộ từ điển nào là bất biến cả. Vì thế, chúng ta có thể khảo cứu nhưng không thể đánh giá thấp và tự nhiên lại phủ nhận công trình mang yếu tố lịch sử của GS Nguyễn Lân" - ông Hòa nói.
Cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân do NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành
"Tôi không ủng hộ quan điểm của ông Chu Văn Hòa. Trường hợp cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân thuộc dòng sách chỉ dẫn, nếu bị sai nhiều thì việc cần phải chỉ rõ cái sai để độc giả hiểu, tránh dẫn đến cái sai trở thành hệ thống cho toàn xã hội khi mà số lượng người tham khảo cuốn sách này rất lớn, lại là giới học thuật, học sinh, sinh viên" - nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân phản biện.
Tác giả cuốn sách Hoàng Tuấn Công cho rằng cần phân biệt một công trình xây dựng cũ kỹ, mà ngay khi vừa ra đời, nó đã bất hợp lý, kém chất lượng với một công trình kiến trúc cổ có giá trị nghệ thuật, lịch sử. Ấy là chưa nói đến chuyện lưu giữ, bảo tồn một di tích lịch sử, hoàn toàn khác với việc đưa di tích ấy vào sử dụng như một căn nhà ở. Cũng như chuyện "lưu giữ" những công trình từ điển của GS Nguyễn Lân như một hiện vật bảo tàng, khác với việc tái bản để sử dụng rộng rãi. Nếu sự thực những "cuốn sách đó đã làm xong nhiệm vụ lịch sử" thì hãy để nó ngủ yên cùng lịch sử chứ không nên đánh thức, buộc nó phải gánh vác một công việc quá khả năng vốn có.
Về khái niệm "tiếp biến của ngôn ngữ", ông Hoàng Tuấn Công cho rằng không thể áp dụng đối với những cái sai trong từ điển của GS Nguyễn Lân. "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" được biên soạn và xuất bản lần đầu năm 2000, nghĩa là soạn giả sống cùng thời với chúng ta, không có chuyện "tiếp biến". Mặt khác, những sai sót mà chúng tôi chỉ ra là những cái sai với cả quá khứ, hiện tại và tương lai chứ không phải cái sai mang tính lịch sử" - tác giả Hoàng Tuấn Công khẳng định.
Cần một hội đồng thẩm định
Từ nhiều năm nay, nhiều NXB uy tín trong nước liên tiếp tái bản các cuốn "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam", "Từ điển từ và ngữ Việt Nam", "Từ điển từ và ngữ Hán Việt"… của GS Nguyễn Lân, những cuốn sách này vẫn đang được sử dụng trong nhiều thư viện, có mặt trên nhiều quầy sách và là tư liệu tra cứu cho học sinh, sinh viên.
Tác giả Hoàng Tuấn Công nói ông chỉ là người làm công việc phê bình và khảo cứu, còn các nhà quản lý sử dụng kết quả phê bình, khảo cứu ấy như thế nào là quyền hạn, trách nhiệm của họ.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân ý kiến: "Theo tôi, rất cần các cơ quan chức năng xem xét nghiêm túc vấn đề này, phải lập hội đồng cấp quốc gia thẩm định lại các cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân. Nếu xác định rõ sai sót thì cần chỉnh lý, bổ sung trước khi tái bản. Chứ nếu cứ để nguyên như thế tái bản thì cho dù NXB có giải thích ở đầu sách cũng ít tác dụng vì người đọc Việt Nam ít khi đọc lời nói đầu".
Bình luận (0)