Hành vi xâm hại vệ sinh môi trường, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, xả rác, khạc nhổ… hiện phổ biến đến mức trở thành thói quen của nhiều người và những người khác mặc nhiên phải chịu đựng hoặc tự tìm cách tránh né, thích nghi.
Làm tốt công tác dân vận, xử phạt nghiêm
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, những hành vi thiếu chuẩn mực, không phù hợp lối sống đô thị đều được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật. Tuy nhiên, bộ mặt đô thị vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu là do nhiều nguyên nhân.
TP HCM có lượng người thu nhập thấp, lao động tự do từ các tỉnh, thành đổ về rất đông. Nhiều người trong số đó sống bằng nghề buôn bán nhỏ dọc vỉa hè, dựa vào vỉa hè để sống. Hay việc một số quán ăn đưa lò nướng ra sát lề đường, có thể có nhiều lý do, trong đó có việc quảng cáo bằng mùi thơm để hút khách…
"Vậy nên, để giải quyết vấn đề văn minh đô thị, ngoài việc phải có quy định cụ thể, kiểm tra, giám sát thường xuyên, phải làm tốt công tác dân vận. Ý thức người dân bắt nguồn từ tính nghiêm minh của pháp luật. Đơn cử như việc xả rác bừa bãi, nếu công tác xử phạt hành chính làm tốt, thì ý thức người dân cũng sẽ chuyển biến tốt" - TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.
KTS Trương Nam Thuận (Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thiên Nam Anh) thì cho rằng có nhiều chuyện nhỏ "không tên" dẫn đến thói quen, nếp sống thiếu văn minh, đặc biệt là xả rác bừa bãi. Hiện nay, tình hình về thiết kế đô thị và hệ thống thu gom rác ở một số khu vực của TP HCM dù đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu sự quan tâm và đầu tư từ phía chính quyền. Trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, việc bố trí các thùng rác công cộng thường không được xem xét một cách toàn diện và đúng mức; thiết kế không hợp lý khi kích thước quá nhỏ, chất liệu dễ bám bẩn; đôi khi thùng rác được đặt ở các vị trí không phù hợp hoặc không được bố trí một cách logic, dẫn đến việc không thuận tiện cho người dân sử dụng. Ngoài ra, thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng về số lượng và loại hình thùng rác cần thiết cho từng khu vực, từng loại công trình và tuyến phố cụ thể.
Để xây dựng nếp sống văn minh, KTS Trương Nam Thuận khẳng định phải có kế hoạch và thiết kế đô thị thông minh, có khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân. Ví dụ bổ sung thùng rác theo đúng nhu cầu tiêu thụ và xả rác của từng loại công trình, đặc biệt là các công trình công cộng và các tuyến phố là một biện pháp quan trọng để giải quyết vấn đề quản lý rác thải ở TP HCM.
Cần quá trình để thay đổi
Nói thêm về xây dựng thói quen văn minh trong đời sống đô thị, đặc biệt là trong việc xử lý rác thải, KTS Trương Nam Thuận nhấn mạnh phải có sự hỗ trợ về điều kiện và tiện ích cho người dân để thực hiện việc bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ. Bao gồm việc cung cấp đủ số lượng và loại hình thùng rác phù hợp, bố trí nơi đặt hợp lý và tiện lợi.
"Quan trọng hơn, cần một kế hoạch tổng thể, đồng bộ và hiệu quả về thu gom, xử lý rác thải và tái chế trên toàn thành phố. Điều này giúp tạo ra sự đồng bộ và tương tác tích cực lẫn nhau trong cộng đồng. Song song đó, cần tạo ra các biện pháp kỹ thuật và công nghệ hiện đại để xử lý rác thải một cách an toàn và hiệu quả nhất. Việc thực hiện kế hoạch tổng thể này không chỉ giúp giải quyết vấn đề về rác thải mà còn tạo ra một môi trường sống văn minh và sạch đẹp, góp phần vào việc tạo ra sự ảnh hưởng tích cực lẫn nhau giữa các cộng đồng, thúc đẩy lòng tự trọng và trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân" - KTS Trương Nam Thuận nêu ý kiến.
TS Nguyễn Hữu Nguyên lưu ý để những quy định văn minh đô thị không còn là khẩu hiệu, cần có những quy định, chế tài nghiêm ngặt giúp chính quyền địa phương có đủ quyền, đủ lực, đủ công cụ thực thi nhiệm vụ bảo vệ mỹ quan đô thị. Ngoài ra, các giải pháp cần được hệ thống lại để chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, đẩy lùi dần những vấn đề không phù hợp với đô thị văn minh. Việc này cần quá trình lâu dài, không phải 1, 2 năm hay 1, 2 nhiệm kỳ.
Còn luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, chia sẻ một đô thị văn minh đòi hỏi người dân ở đó có hành vi ứng xử, lối sống, văn hóa tuân thủ các quy tắc, biết tôn trọng cộng đồng, không làm phiền người khác.
"Văn minh không tự nhiên mà có, nó phải trải qua một quá trình thay đổi lâu dài, thay thế dần những thói quen xấu. Vậy nên, cần bắt đầu ngay từ bây giờ thì mới mong có được một tương lai tốt đẹp" - luật sư Trần Thị Thanh Thảo nói.
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Khói bụi là một trong những nguồn gốc chính gây nên ô nhiễm không khí và gây tổn hại cho môi trường tự nhiên. Khi con người tiếp xúc với khói bụi trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là hệ hô hấp và tim mạnh.
Tại đô thị lớn như TP HCM, ô nhiễm không khí là có, trong đó có những thành phần ô nhiễm như khói thịt nướng từ bếp ăn đường phố. Trong thành phần khói nướng này có bụi mịn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi hít phải. Nếu ăn thịt nướng cháy hay bị đốt cháy quá độ, nó tạo nên các chất như hydrocacbon (PAH) thơm đa vòng. PAH có khắp mọi nơi, tùy mức độ tiếp xúc, PAH vào cơ thể thường trải qua quá trình chuyển hóa và tạo thành các hợp chất PAHs.
Những chất này tương tác với các enzyme như aryl hydrocarbon hydroxylase để tạo ra các dẫn suất PAHs dihydrodiol - tạo ra liên kết hóa học protein và acid nucleic gây đột biến gien và có thể gây bệnh mạn tính.
Trên thực tế chưa có báo cáo khoa học nào chỉ rõ PAHs gây ung thư mà chỉ liệt kê cho thấy tỉ lệ 4/10.000 người có thể mắc bệnh do biến đổi gien.
TS Phạm Viết Thuận (Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM)
Bình luận (0)