Báo Người Lao Động trong 2 ngày 17 và 18-4 có bài viết "Khổ vì khói nướng", nêu những vấn đề liên quan đến sức khỏe, môi trường, giao thông, đặc biệt là văn minh đô thị bị ảnh hưởng tiêu cực từ những quán nướng vỉa hè. Tình trạng này gây nên cảnh nhếch nhác, nhiều bức xúc, khó chịu nhưng hiển nhiên tồn tại như… một phần của đời sống đô thị.
Quen mắt nên không còn… nhức mắt
Hơn nửa năm trước, ngày 15-7-2023, UBND TP HCM phối hợp Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức lễ phát động xây dựng đô thị văn minh theo Quyết định 04 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, UBND TP HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai, chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng nội dung, hướng dẫn tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình, điều kiện đặc thù của thành phố; lấy chất lượng cuộc sống của nhân dân làm thước đo giá trị và là tiêu chí hàng đầu.
Nhiều quận, huyện tại TP HCM cũng đã phát động phong trào xây dựng đô thị văn minh; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng đô thị văn minh.
Bước sang năm thứ hai thực hiện xây dựng đô thị văn minh trên địa bàn TP HCM, thẳng thắn nhìn nhận rằng đã có hàng loạt biện pháp được các quận huyện triển khai liên tục đến tận khu dân cư và ít nhiều bộ mặt thành phố cũng như nhận thức của người dân có một số chuyển biến tích cực. Thế nhưng kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng, nhiều bất cập, bức xúc vẫn còn tồn tại.
Thử dành một ngày dạo quanh trung tâm TP HCM, từ quận 1, quận 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh rồi qua quận 10, quận 11 đến quận 5, quận 4, TP Thủ Đức, không khó bắt gặp những hình ảnh không đẹp.
Đó là việc các hàng quán ăn uống, bãi giữ xe lấn chiếm vỉa hè; cửa hàng điện máy, điện thoại, thời trang mở nhạc ầm ào như dội thẳng vào tai, vào ngực người đi đường.
Rất nhiều những bãi rác tự phát quanh hàng rào, bãi đất trống, gốc cây; rồi hố ga bị rác, xà bần che lấp miệng; tủ điện, bờ tường, nhà chờ xe buýt bị vẽ bậy, dán quảng cáo trái phép; bảng khu phố văn hóa, băng rôn tuyên truyền mờ chữ, rách nát, rơi rụng…
Chưa kể nhiều đoạn đường đang thi công, lô cốt "giăng" gây kẹt xe, ùn tắc, người lưu thông leo lên lề, đi ngược chiều… để cố vượt qua dòng xe đang chật cứng. Một số chung cư ở Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 5… quần áo phơi nhếch nhác trước mặt tiền nhà; việc hát karaoke "mạnh ai nấy hét" vẫn còn là nỗi bức xúc của người dân…
Phải hành động ngay!
TP HCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Cũng vì vậy, người dân tập trung về sinh sống, làm việc, học tập rất đông. Thành phố phải đối mặt với nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, quá tải dân số…
Đáng lưu ý là ý thức giữ gìn trật tự, vệ sinh của một bộ phận cư dân còn chưa phù hợp với lối sống đô thị công nghiệp, làm xấu diện mạo thành phố và gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Những đặc trưng này đòi hỏi phải có cách quản lý sáng tạo, phù hợp cùng với việc thực thi nghiêm túc, quyết liệt các quy định của pháp luật, phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội mới có thể thay đổi diện mạo đô thị.
Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phát huy vai trò người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng đô thị văn minh; vận động các hộ gia đình xây dựng nếp sống văn hóa.
Làm sao để mỗi người dân phải ý thức được việc giữ gìn vệ sinh chung, chấp hành các quy định về trật tự đô thị, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, như: bỏ rác đúng nơi quy định, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường…
Xây dựng đô thị văn minh là một quá trình lâu dài, nhất là với đô thị đặc biệt như TP HCM. Cũng vì thế, cần có mục tiêu cụ thể, quy định thời gian rõ ràng cũng như chế tài để hoàn thành triệt để từng "hạng mục". Không thể cứ mãi tuyên truyền, hô hào chung chung mà hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất để góp phần xây dựng TP HCM ngày càng văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
Nên chăng có lực lượng quản lý trật tự đô thị để thường xuyên, liên tục tuần tra, giám sát, phát hiện nhanh và xử lý, không để tái diễn tình trạng vi phạm trật tự đô thị.
TS Hoàng Duẩn (Trường Đại học Văn hóa TP HCM):
Cán bộ cơ sở giữ vai trò quan trọng
Thời gian gần đây, một bộ phận cư dân đô thị đã bắt đầu có ý thức hơn trong việc xây dựng văn minh đô thị. Theo quan sát của tôi, những người thường xuyên được phổ biến, tiếp cận với các thông tin tuyên truyền thì sẽ có thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động.
Tuy nhiên, còn không ít người dân vẫn chưa có nhiều chuyển biến về nhận thức. Điều này thể hiện rõ qua ứng xử, giao tiếp, sự tôn trọng lẫn nhau trong đời sống hằng ngày giữa các cư dân đô thị.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cư dân đô thị trong xây dựng đô thị văn minh đã được thực hiện rất tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên, chỉ tuyên truyền, hô hào với những buổi lễ ra quân, phát động thôi thì chưa đủ. Việc tuyên truyền phải được thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa. Đi kèm với đó là những chế tài xử lý nghiêm.
Đội ngũ cán bộ ở cấp khu phố và công an khu vực là lực lượng quan trọng trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh. Những bất cập trong đời sống văn minh đô thị thường bắt đầu từ những vụ việc rất nhỏ và xuất hiện trước tiên trong khu dân cư.
Những vụ việc này không được giải quyết sớm, dần dần trở thành vấn đề lớn, gây bức xúc cho nhiều người. Cán bộ cơ sở là những người nắm bắt thông tin sớm nhất, đưa ra hướng giải quyết vụ việc. Thậm chí, có thể đề xuất lên cấp cao hơn để xử lý theo quy định của pháp luật.
TS Võ Thanh Tuyền, Phó trưởng Khoa Đô thị học, Trường Đại học KHXH-NV TP HCM:
Tăng trách nhiệm cư dân
Đô thị là nơi tập hợp của rất nhiều người đến từ nhiều vùng miền, tập quán sinh sống và nhu cầu khác nhau. Từ đó dẫn đến hoạt động sống của cư dân trong đô thị sẽ khác nhau, thậm chí là dẫn đến bất đồng, xung đột với nhau.
Dễ thấy nhất đó là trường hợp hát karaoke gây ồn ào; nuôi thú cưng nhưng không có các biện pháp bảo đảm an toàn lẫn vệ sinh; xả rác bừa bãi; buôn bán xả khói ra đường….
Với không gian sống đặc thù của đô thị, rất cần có biện pháp về quản lý của chính quyền. Những biện pháp quản lý này sẽ làm tăng tính trách nhiệm và kiểm soát các hoạt động của cư dân đô thị. Từ đó, cư dân trong đô thị vẫn được thực hiện các sở thích của mình mà không gây phiền hà cho những người xung quanh.
Để có sự dung hòa, trước hết, mỗi cư dân trong đô thị phải sống với nhau bằng sự tử tế, văn minh, lịch sự. Tiếp theo đó là sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ cộng đồng đô thị bằng công cụ pháp lý hiệu quả.
Bên cạnh việc ban hành và triển khai thực hiện nghiêm quy định, các cơ quan hữu quan cũng cần có những biện pháp tạo điều kiện cho người dân. Tránh ép buộc người dân đến mức họ phát sinh bức xúc. Bởi điều này sẽ gây ra những dư luận trái chiều đối với công cụ luật pháp đã được ban hành.
Chuyên gia tâm lý Bùi Quang Minh Nhật, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic:
Người thực thi pháp luật phải nghiêm minh
Tốc độ đô thị hóa tại TP HCM đang diễn ra rất nhanh. Đi cùng với đó, sự tự ý thức về xã hội và bản thân của mỗi người cũng phải ngày càng được nâng cao hơn.
Cần nhận thức rõ sự ảnh hưởng qua lại giữa xã hội và đời sống cá nhân. Từ những vấn đề nhỏ nhất trong mỗi gia đình, như: vệ sinh nơi ở, thú nuôi, nấu nướng hay tiếng ồn... cũng phải có "ý tứ" cho đến những ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh, như: đốt rác, xả khói trong hoạt động kinh doanh… đều phải cân nhắc trước sau. Không thể vì lợi ích cá nhân mà gây hệ lụy cho xã hội.
Hoạt động giáo dục từ trong nhà trường vô cùng quan trọng. Xây dựng nền móng từ nhận thức sẽ dẫn đến hành vi phù hợp.
Ngoài ra, áp dụng triệt để các chế tài theo quy định của pháp luật cũng rất quan trọng. Có thể xử lý theo mức độ tăng dần, từ nhắc nhở, xử phạt hành chính đến các mức độ cao hơn.
Đặc biệt, tâm lý thông cảm, du di, hời hợt của người thực thi pháp luật rất dễ tạo điều kiện để củng cố hành vi vi phạm, ảnh hướng đến việc xây dựng nếp sống văn minh.
L.Vĩnh - A.Vũ ghi
Bình luận (0)