“Cuộc đời mỗi người như một bộ phim”
Mười năm trước, Lâm Kiến Đông - sinh viên Viện Nghệ thuật Bắc Kinh - đã gặp và đem lòng cảm mến Tôn Na - cô gái chuyên ca múa trong một hộp đêm. Tình yêu đến với họ nhưng chỉ trong một thời gian, vì tham vọng và khao khát muốn nổi tiếng, Tôn Na rời xa Lâm để đến với người đàn ông khác có thể giúp cô đổi đời như cô mong muốn. Mười năm sau, Lâm Kiến Đông và Tôn Na đều trở thành những minh tinh màn bạc. Số phận đưa đẩy cả hai gặp lại và cùng hợp tác với nhau trong bộ phim nhạc kịch của đạo diễn Nhiếp Văn - người tình của Tôn Na. Trong phim, Tôn Na thủ vai Tiểu Vũ - một phụ nữ bị chứng mất trí nhớ, quên cả người yêu của mình (Lâm Kiến Đông đóng) và lưu lạc trên đường phố. Tiểu Vũ được một trưởng đoàn xiếc cứu giúp và cả hai yêu nhau. Khi ký ức hồi phục, Tiểu Vũ luôn bị giằng xé giữa quá khứ và hiện tại. Vì diễn viên nhận vai trưởng đoàn xiếc từ chối vào giờ chót nên Nhiếp Văn kiêm luôn vai này. Những tháng ngày đóng phim bên nhau cũng đã làm ký ức tình yêu trỗi dậy trong tâm hồn Tôn Na và Lâm Kiến Đông. Thế là chuyện tình trong phim vô tình giống hệt ngoài đời...
Với kinh phí lên đến 10 triệu USD cùng sự hợp diễn của dàn diễn viên sáng giá, đa quốc tịch: Kim Thành Vũ (Nhật), Trương Học Hữu (Hồng Kông), Châu Tấn (Trung Quốc), Ji Jin Hee (Hàn Quốc), đạo diễn Trần Khả Tân đã khéo léo dựng nên một câu chuyện phim trong phim hết sức độc đáo, qua đó chuyển tải đến khán giả một thông điệp: “Cuộc đời của mỗi con người giống như một bộ phim”.
Bước chuyển mới của Trần Khả Tân
Cách đây 2 năm khi André Morgan - nhà sản xuất bộ phim đoạt giải Oscar 2005 Cô bé triệu đô - đưa ra lời đề nghị thực hiện một bộ phim nhạc kịch, đạo diễn Trần Khả Tân hơi do dự vì ông biết rằng 35 năm nay chẳng ai dám làm phim nhạc kịch vì lý do đơn giản chẳng khán giả nào muốn xem. Nhưng rồi việc lần đầu tiên được quay một bộ phim ở lục địa đã thôi thúc Trần Khả Tân bắt tay vào dự án Nếu như yêu. Sau khi thực hiện xong bộ phim Hollywood Bức thư tình (hãng DreamWorks, Mỹ), Trần Khả Tân vội vã quay về Trung Quốc để bấm máy bộ phim Nếu như yêu với một phong cách hoàn toàn mới, vừa cổ điển vừa hiện đại, đánh dấu bước chuyển biến mới trong sự nghiệp của ông. Hiện nay, khi trào lưu phim võ hiệp, cổ trang Trung Quốc đang thắng thế trên thế giới thì việc chi đến 10 triệu USD cho một bộ phim châu Á không có những cảnh đánh nhau hoặc đấu kiếm, dàn diễn viên duy nhất chỉ có thiên vương Trương Học Hữu là có thể hát thật, quả là một thách thức đối với đạo diễn Trần Khả Tân. Thế nhưng lúc ra mắt, Nếu như yêu đã nhanh chóng phá tan kỷ lục doanh thu ở Trung Quốc khi chỉ trong tuần đầu tiên, đã đạt hơn 18 triệu nhân dân tệ (khoảng 2,2 triệu USD). 11 thành viên của Hiệp hội Các Nhà sản xuất Hồng Kông đã nhất trí bỏ qua 2 phim lớn khác là Thần thoại của Thành Long và Trường hận ca (đạo diễn Quan Cẩm Bằng) để chọn Nếu như yêu đại diện cho Hồng Kông tranh giải Oscar Phim nước ngoài hay nhất 2006. Trong một cuộc trưng cầu ý kiến gần đây, cùng với Tuổi thơ diệu kỳ, Xã hội đen, Chữ cái đầu D, Giết sói và Quá trẻ, Nếu như yêu được khán giả Hồng Kông bình chọn là 1 trong 6 bộ phim hay nhất năm 2005. Góp phần vào thành công của bộ phim còn phải kể đến 2 nhà quay phim hàng đầu châu Á: Peter Pau (Oscar quay phim xuất sắc nhất, phim Ngọa hổ tàng long) và Christopher Doyle - cộng sự lâu năm của đạo diễn Vương Gia Vệ. Cả hai đã chia nhau túc trực sau ống kính, chọn lọc từng góc máy để thu hình được những cảnh quay hoàn hảo nhất. Việc mời vũ công hàng đầu Ấn Độ Farah Khan sang dạy múa cho dàn diễn viên Trung Quốc cũng giúp cho các cảnh ca múa trong Nếu như yêu thêm sinh động, chân thật.
Bình luận (0)