xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

20 năm làm dân TP HCM

Trang Quan

Tôi may mắn được gặp những người có tấm lòng bao dung, tính tình lương thiện nên mảnh đất này đã giữ chân tôi ở lại để giờ đây tôi tự hào mình là công dân TP HCM

Ngày từ vùng kinh tế mới một thân một mình cùng với chiếc xe đạp cà tàng, tôi chỉ có hành trang là khao khát được lên TP HCM luyện thi đại học để thoát nghèo. Quãng đường gần 70km với những giọt mồ hôi cũng không làm tôi chùn bước dù cũng đầy những nỗi âu lo khi không một người thân giữa TP HCM rộng lớn. Đêm đầu tiên ở thành phố, tôi nằm co ro ngủ trên chiếc ghế đá giữa công viên Gia Định, xung quanh là màn đêm cùng những cơn gió thổi lạnh người, thế nhưng cả một ngày trời đạp xe quá mệt đã khiến tôi rơi vào giấc ngủ lúc nào không biết. Cảm giác đầu tiên của tôi khi đến TP HCM là thành phố tấp nập, ồn ào và náo nhiệt hơn rất nhiều so với vùng quê xa xôi yên bình mà tôi đã thân thuộc hơn 18 năm qua.

Thế rồi, tôi cũng liên lạc được với đứa bạn cùng quê và 2 đứa cùng thuê căn phòng trọ với giá 80.000 đồng/tháng vào thời điểm năm 2001. Phòng trọ của chúng tôi với diện tích chỉ khoảng 4m2 chủ yếu dùng để ngủ và đó là căn nhà trọ suốt đời tôi cũng sẽ không thể nào quên bởi khi ngủ chúng tôi phải nằm ngược đầu nhau theo đường chéo của căn phòng. Trong xóm nhà trọ ấy, mọi người đủ mọi tầng lớp dân cư, hẳn nhiên cũng có những vụ trộm cắp, hút chích xảy ra và tôi đã không may bị mất chiếc xe đạp là tài sản quý giá nhất tôi có lúc ấy. Người lấy cắp không ai xa lạ chính là đứa con trai nghiện hút của cô chủ nhà. Điều tôi không ngờ là cô đã đền cho tôi một chiếc xe đạp mới. Cô nói: "Cô thương con, mặc dù con bằng tuổi con cô nhưng không hư hỏng như nó", sau câu nói ấy là một gương mặt đượm buồn. Dù mất đi chiếc xe kỷ niệm nhưng tôi thấy ấm lòng bởi câu nói của cô, bởi những lúc cô nấu bún riêu hay có món gì ngon cô cũng cho tôi và thằng bạn bởi cô biết những người xa quê mới chập chững lên thành phố như tôi cuộc sống còn đầy khó khăn khi vừa đi làm vừa luyện thi đại học. Những lúc mới đóng tiền học xong, chưa đủ tiền đóng tiền thuê phòng, cô cũng bảo cứ thong thả khi nào có gửi cô cũng được.

20 năm làm dân TP HCM - Ảnh 1.

Tôi luôn nhớ tiếng còi tàu những ngày ở trọ thuở sinh viên Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Quãng đời ở trọ của tôi đã trải qua nhiều lần thay đổi chỗ và tôi may mắn gặp những người chủ tốt bụng. Cô chú chủ nhà trọ mà tôi từng ở trên đường Trần Văn Đang đến bây giờ gần 20 năm sau gặp lại vẫn nụ cười hiền hòa, giọng nói khẩu khí của người TP HCM vẫn không thể xóa nhòa trong ký ức của tôi. Ngày tôi còn ở trọ, hai người chưa có con và sau 20 năm cũng chỉ có cô chú lầm lũi nương tựa nhau, nguồn sống chính suốt bao nhiêu năm qua là từ những căn phòng trọ, thế nhưng cô từng nói: "Cô chú già rồi, ăn uống có bao nhiêu đâu. Chỉ cần ít tiền dành lúc ốm đau bệnh tật, cho thuê phòng trọ chủ yếu để giúp đỡ những người xa xứ để kiếm sống con à". Gần đây tôi ghé về thăm cô chú, cảnh vật xung quanh đã đổi thay khá nhiều, các căn phòng trọ được sửa chữa khang trang hơn, mái tóc cô chú đã bạc gần hết, dáng người lọm khọm hơn xưa nhưng tình cảm vẫn nồng ấm. Hôm ấy, cô nấu đãi tôi tô cháo nấm thịt bằm. Tuy giờ đây tôi đã từng ăn ở nhiều nhà hàng với nhiều món ngon, thế nhưng tô cháo nấm của cô khiến tôi cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc bởi nó nhắc nhớ về một thời thanh xuân của tôi đã từng chung sống dưới mái nhà trọ của cô chú, được cô chú thương yêu và đùm bọc. Tiếng xình xịch trên đường ray và tiếng hú còi của tàu hỏa sẽ mãi là âm thanh khắc ghi trong tâm khảm tôi về cái thời sinh viên nghèo khó sống trong khu nhà trọ trên đường Trần Văn Đang.

Trên mảnh đất phồn hoa này, người dân tứ xứ khắp nơi đổ về chủ yếu để mưu sinh, để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn nhưng đâu đó cũng có người không chịu đựng nổi đành quay trở về nơi mình đã ra đi. Riêng tôi, tôi đã gắn bó với TP HCM đến nay tròn 20 năm kể từ ngày chân ướt chân ráo đến đây. TP HCM trong tôi luôn chan chứa tình thương hào hiệp của những người đã từng cưu mang tôi. Bất cứ nơi đâu cũng có người tốt kẻ xấu nhưng có lẽ tôi may mắn được gặp những người có tấm lòng bao dung, tính tình lương thiện nên mảnh đất này đã giữ chân tôi ở lại cho đến ngày hôm nay để rồi giờ đây tôi tự hào mình là công dân TP HCM.

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải

Nhận bài dự thi từ ngày 10-4-2021. Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo