UBND TP HCM đã có văn bản yêu cầu tăng cường quảng bá sâu rộng nhằm đưa nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử Nam Bộ vào đời sống, trở thành một loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong cộng đồng.
Thừa hưởng nền tảng mạnh
Theo đó, ngoài các chương trình đưa sân khấu vào học đường, UBND TP HCM còn yêu cầu Hội Sân khấu TP tổ chức trại sáng tác, đầu tư sưu tầm hiện vật cải lương và khôi phục lại Giải thưởng Trần Hữu Trang.
Không thể phủ nhận nghệ thuật cải lương đã thừa hưởng di sản được hun đúc bằng chính quá trình lao động nghệ thuật đáng nể của thế hệ nghệ sĩ đi trước. Tại vùng đất Nam Bộ, cải lương là một loại hình nghệ thuật mang ý nghĩa "cải cách và sửa đổi cho trở nên tốt hơn". Trên nền tảng đó, cải cách, sửa đổi để luôn hướng tới sự phát triển mang đậm nét truyền thống, vừa theo kịp đà phát triển của văn minh xã hội. Điều này thể hiện qua 2 câu đối: "Cải cách hát ca theo tiến bộ. lương truyền tuồng tích sánh văn minh".
Từ trái sang: NSND Minh Vương, NSND Lệ Thủy và NSND Thanh Tuấn trong chương trình vinh danh NSND, NSƯT do UBND TP HCM tổ chức tại Nhà hát TP năm 2019
Chính vì thế, ở Nam Bộ, cải lương thật sự đã trở thành một loại hình nghệ thuật hấp dẫn từ kịch bản, diễn xuất cho đến âm nhạc, cảnh trí, ánh sáng, kỹ xảo đều toát lên tinh thần, nguyện vọng và lối sống phóng khoáng của người dân Nam Bộ.
NSND Bạch Tuyết nhận định sân khấu cải lương giai đoạn 1955 - 1975 được nung nấu bằng ý chí đoàn kết, sáng tạo. "Đó chính là nền tảng từ sự nghiên cứu, tìm tòi của thế hệ nghệ sĩ bậc thầy mở đường. Sở dĩ có sự đánh giá cao này là do cải lương đạt được tất cả mọi tiêu chí của nghệ thuật trình diễn như kịch bản có nội dung tốt được viết bởi những tác giả giỏi, diễn viên hát rất hay do được dàn nhạc tài hoa hỗ trợ và khán giả say mê, sành điệu bởi có sự hướng dẫn dư luận của đội ngũ ký giả có tâm, mà ngày nay là lý luận phê bình sân khấu giỏi, phân tích được cái hay, cái dở để đồng hành sáng tạo cùng nghệ sĩ" - "Cải lương Chi Bảo" Bạch Tuyết chia sẻ.
NSND Minh Vương cho rằng chính đội ngũ sáng tạo tiên phong như: NSND Năm Châu, Mộng Vân, Lê Hoài Nở, Tư Chơi, Trần Hữu Trang đã soi sáng cho giai đoạn này cùng với đông đảo các soạn giả nhiệt tình, bút lực dồi dào như: NSND Viễn Châu, Kiên Giang, Hà Triều - Hoa Phượng, Thu An, Quy Sắc, Thiếu Linh, Ngọc Linh, Phi Hùng, Tần Nguyên, Huy Trường, Thanh Cao, Việt Thường, Yên Lang, Loan Thảo, Thế Châu, Trần Hà... đã cho ra đời những kịch bản hay về nội dung, đậm chất nhân văn và triết lý sâu sắc.
"Hàng trăm vở đủ các đề tài phản ánh sự đa dạng đã làm nên tên tuổi cho thế hệ chúng tôi. 45 năm qua, khán giả vẫn mê đắm Thanh Nga, Hữu Phước, Thành Được, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Kim Cúc, Ngọc Giàu, Diệp Lang, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Minh Cảnh, Phượng Liên, Minh Phụng, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Tấn Tài, Kim Ngọc, Thanh Sang, Thanh Tòng... bởi chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ và tạo điều kiện thăng hoa đầy trách nhiệm" - "Khôi Nguyên vọng cổ" Minh Vương nhìn nhận.
Cần chuẩn hóa huy chương vàng
Khi TP HCM tạo mọi điều kiện để khởi động lại Giải thưởng Trần Hữu Trang cũng chính là lúc các nghệ sĩ thế hệ vàng mong muốn chuẩn hóa chất lượng của cuộc thi này.
NSND Ngọc Giàu nói: "Đây là giải kế thừa từ Huy chương vàng (HCV) Thanh Tâm của nền văn nghệ giải trí miền Nam do những nhà báo, soạn giả, nghệ sĩ uy tín thời đó tổ chức và bình chọn. Dựa vào những tiêu chí hết sức nghiêm túc mà những nghệ sĩ được trao HCV cho đến hôm nay vẫn giữ được phong độ. Có năm chỉ 1 nghệ sĩ được trao HCV triển vọng. Còn ngày nay, có mùa trao đến 10 HCV, mang tính phong trào mà không thể hiện được nội lực".
NSND Thanh Tuấn cho rằng lúc này cần theo đúng quan điểm "thật và đẹp" của NSND Năm Châu vì cách ca diễn, hình thức ngày càng rời xa chuẩn mực. NSND Lệ Thủy thì bộc bạch: "Phát hiện tài năng nhưng để nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho các em cọ xát với nghề là điều chúng tôi quan tâm. Các em đoạt HCV rồi đi hát quán, hát đình, không có sân khấu biểu diễn, quá phí phạm tài năng. TP HCM cần tính toán thật kỹ để nuôi dưỡng lực lượng này".
Việc Giải Trần Hữu Trang giữ chuẩn mực nhưng phải thay đổi hình thức thể hiện để hướng đến khán giả trẻ là điều mà thế hệ nghệ sĩ vàng quan tâm. Bởi không có khán giả thì sân khấu cải lương không thể tồn tại và phát triển. Muốn giải quyết tình trạng này phải có những giải pháp căn cơ, giúp các đoàn nghệ thuật tại TP HCM hoạt động hiệu quả mới mong đào tạo được nguồn nhân lực trẻ.
Bình luận (0)