Đúng ngày này vào 100 năm trước (1920), nhà văn kiệt xuất Ray Bradbury đến với thế giới của chúng ta. Nhắc đến tên ông, người ta sẽ nghĩ ngay đến cuốn tiểu thuyết "451 độ F", tác phẩm khoa học viễn tưởng (sci-fi) tiêu biểu của văn học hiện đại (Dick Trương dịch, Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành tại Việt Nam).
Nhân loại thời hậu thiên đàng
Toàn bộ tiểu thuyết là câu chuyện về những cuốn sách bị săn lùng, thiêu hủy và những người ra sức bảo vệ sách. Được đặt trong một tương lai xa, với bối cảnh không xác định, cuốn tiểu thuyết miêu tả xã hội bị kiểm soát, nơi những người "lính cứu hỏa" không làm nhiệm vụ chữa cháy mà là đốt cháy bất kể thứ gì liên quan đến sách vở.
Nhân vật chính của tiểu thuyết là một lính cứu hỏa như thế. Anh chàng Guy Montag có lẽ an phận trong đời sống bé mọn của mình, không chút hoài nghi nào về việc đang làm cho đến một ngày anh giáp mặt một cụ bà trong ngôi nhà chứa đầy sách. Bất chấp những cuốn sách đã ngấm xăng, bà cụ nhất quyết không ra khỏi nhà và đã châm lửa tự thiêu cùng với sách. Montag hoàn thành nhiệm vụ, trở về nhà như bao lần, chỉ khác lần này anh lén đem về một quyển sách, qua mặt các đồng nghiệp.
Cuốn sách “451 độ F” xuất bản tại Việt Nam
Từ đây mọi chuyện bắt đầu, nhân vật Montag bị cuốn vào thế giới quyến rũ của sách, bị bứt khỏi các màn hình tivi lớn phủ kín các bức tường. Anh nhanh chóng bị vỡ mộng, bị truy bức bởi gia đình, đồng nghiệp và cuối cùng trở thành người bảo vệ sách.
Các nhà phê bình sau này đã chỉ ra các chỉ dấu cho thấy chủ đề và tình tiết trong tiểu thuyết "451 độ F" đã được Bradbury hình thành và phát triển qua năm tháng. Giai đoạn 1947-1948, nhà văn viết truyện ngắn "Bright Phoenix" đề cập chuyện đốt sách, kế đến vào năm 1951, ông viết truyện ngắn "The Pedestrian" nói về một người đàn ông bị bắt chỉ vì đi bộ vào ban đêm. Bản thảo ban đầu của tiểu thuyết có tên "The Fireman" (Lính cứu hỏa), nhà xuất bản đã đề nghị ông viết thêm, sau 9 ngày, bản thảo "451 độ F" hoàn chỉnh.
Xuất bản lần đầu ở Mỹ năm 1953, lập tức cuốn tiểu thuyết đã mang lại danh tiếng cho Ray Bradbury, tạo chỗ đứng vững chắc cho tên tuổi của ông trong lòng độc giả không chỉ riêng thể loại khoa học viễn tưởng. Thế giới mà Ray Bradbury tạo ra trong "451 độ F", những viễn cảnh mà ông miêu tả trong đó vẫn còn thời sự đến ngày nay.
Lời tuyên chiến với một xã hội bị chi phối bởi công nghệ
Trong thời đại mà Ray Bradbury sống, nước Mỹ đang trong cơn cuồng tín chủ nghĩa McCarthy (được đặt tên theo thượng nghị sĩ Joseph McCarthy). Người dân bị khủng bố, kết tội chỉ dựa trên mối nghi ngờ. Cùng với đó là sách báo, phim ảnh bị kiểm duyệt trong suốt từ thập niên 1940 đến 1950. Tất cả đều lấy danh nghĩa bảo vệ tổ quốc.
Có thể thấy những ảnh hưởng từ bầu không khí của thời đại này trong "451 độ F". Ở thế giới mà Bradbury sáng tạo, nhân danh sự tiến bộ và ổn định xã hội, tự do con người bị thủ tiêu, tri thức bị cấm đoán. Con người chỉ còn quanh quẩn trong những chiếc tivi khổng lồ phát những chương trình vô thưởng vô phạt, cảm xúc cá nhân bị điều khiển, người ta sợ hãi sách vở như sợ mầm bệnh.
Về sau, mọi người luôn nói về tính tiên tri trong tác phẩm này. Rằng "451 độ F" đã miêu tả gần như chính xác cách mà các thiết bị công nghệ được vận hành, từ trước khi chúng được phát minh vài thập niên như tai nghe hay những màn hình tivi khổng lồ. Nhưng vượt trên cả sự thấu thị đó, đi từ chỗ miêu tả lại xã hội hoài nghi tri thức, nhà văn đã tuyên chiến với một thế giới, nơi sách vở bị gạt qua bên lề, con người lãnh cảm, bị chi phối bởi các phương tiện truyền thông.
Khác với nhiều tác phẩm văn chương hay phim ảnh cố dự đoán tương lai bằng cách đặt cho nó một mốc thời gian nhưng lúc nào cũng có một độ chênh nhất định, những tác phẩm của Bradbury ngày càng chứng tỏ tính phi thời gian của nó. Trong tiểu thuyết "451 độ F", thế giới bị kiểm soát tuyệt đối, thanh trừng và đốt sách mà nhà văn viết chính là khúc xạ của thế giới dưới bàn tay của chủ nghĩa quốc gia mù quáng trước đó. Sau khi "451 độ F" ra đời, những việc tương tự vẫn xảy ra ở khắp nơi trên thế giới.
"451 độ F" có ý nghĩa lớn với sự nghiệp của Bradbury, trong cuộc phỏng vấn trước khi bước sang thiên niên kỷ mới, nhà văn nói rằng trong suốt sự nghiệp đồ sộ của mình, ông chỉ viết tác phẩm khoa học viễn tưởng duy nhất, đó là "451 độ F" dù đã có một sự nghiệp trải dài qua 6 thập niên, vắt sang 2 thế kỷ với số lượng tác phẩm đồ sộ. Ngày nay, nhắc đến Ray Bradbury, độc giả vẫn luôn nghĩ tới "451 độ F".
Ông may mắn hơn nhiều nhà văn vì đã sống đủ lâu để chứng kiến những gì mình miêu tả thành hiện thực. Nhưng có hay không sự tiên tri hoặc nhà văn chỉ đơn giản đặt lịch sử vào một thời gian khác, rằng chúng ta cứ lặp lại sai lầm trong quá khứ và hậu thế cũng sẽ lặp lại sai lầm của chúng ta.
Ray Bradbury sinh ngày 22- 8-1920, qua đời ngày 5-6-2012. Nhiều tác phẩm của ông được dựng thành phim. Chỉ riêng tiểu thuyết "451 độ F" được chuyển thể thành kịch, truyện tranh và nhiều lần được dựng phim, gần đây là phiên bản chiếu trên HBO năm 2018.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Ray Bradbury đã đoạt nhiều giải thưởng văn chương. Năm 2004, ông được Tổng thống George W. Bush trao Huân chương Nghệ thuật quốc gia. Tên ông cũng được đặt cho tiểu hành tinh "9766 Bradbury" năm 1992.
Bình luận (0)