82 tuổi, ông vẫn dùng xe gắn máy đi khắp nơi để dàn dựng, viết báo, dạy học và xem... phúc khảo
Vẫn với chiếc xe gắn máy quen thuộc, xuôi ngược khắp nơi, NSƯT đạo diễn Trần Minh Ngọc gần như không bỏ sót vở diễn nào, từ kịch nói cho đến cải lương, hát bội, chương trình múa rối, xiếc, ảo thuật… Ông đến xem với tư cách thành viên Hội đồng nghệ thuật của Sở VHTT TP, đồng thời còn với tư cách một người thầy đánh giá thành tích làm nghề chuyên nghiệp của hầu hết các học trò khi họ đạo diễn, diễn xuất một vai kịch mới.
Với cái nhìn toàn cảnh sân khấu Tết Kỷ Hợi, ông nhận định dù khó khăn đến đâu, sân khấu TP HCM vẫn thực sự có một đời sống sàn diễn năng động và sáng tạo.
"Công chúng khán giả, ngoài các phương tiện giải trí hiện đại được trang bị trong gia đình vẫn có thể tạm rời bỏ những tiện nghi để chọn theo sở thích của mình một buổi xem sân khấu kịch, cải lương hoặc rối nước, xiếc hoặc vào một quán cà phê, ngồi bệt xuống sàn nhà coi kịch. Tết này vẫn hiện diện đầy đủ các sàn diễn kịch xã hội hóa như: IDECAF, Phú Nhuận, Superbowl, Kịch Sài Gòn, Hoàng Thái Thanh, Sen Việt, Nhóm hài kịch Trần Bùm, Nhà hát Thế giới trẻ, Nhà hát kịch TP HCM, Nhà hát kịch sân khấu nhỏ, Sân khấu Trịnh Kim Chi, Sân khấu Lê Hoàng, Sân khấu Vườn Lài của nhóm Chí Linh – Vân Hà, Nhà hát Trần Hữu Trang… Kịch mục hấp dẫn, lôi cuốn. Cho thấy có sự đầu tư dàn dựng, "đắp da thêm thịt" để kịch bản đầy đặn hơn" – NSƯT Trần Minh Ngọc nhận xét.
NSƯT Trần Minh Ngọc và NSƯT Lê Tứ trong ngày ra mắt CLB Phóng viên sân khấu
Theo ông, các sân khấu xã hội hóa lần lượt hình thành từ những thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tuy là những sân khấu ngoài công lập nhưng là lực lượng sân khấu chủ đạo trong đời sống sân khấu, đóng góp phần không nhỏ vào đời sống tinh thần của người dân thành phố. Cùng hoạt động với tần suất thấp hơn nhà hát kịch TP HCM và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, hai đơn vị công lập của TP HCM cũng có phần góp không nhỏ trong việc diễn phục vụ theo chỉ tiêu được TP HCM giao cho thực hiện. Mà năm nay chương trình Đờn ca tài tử phục vụ miến phí khán giả tại rạp Trần Hữu Trang là một tín hiệu đưa loại hình này đến gần hơn với công chúng trẻ.
Hiện thực sôi động của các sân khấu biểu diễn cho thấy có được đời sống sân khấu như hiện tại là do sân khấu có khán giả - không phải khán giả giấy mời mà là khán giả mua vé – Người xem đích thực của mọi nền sân khấu. Bằng tấm vé mua, bằng thái độ tích cực hướng về sân khấu người xem đã nuôi dưỡng sân khấu cả về vật chất lẫn tinh thần.
"Dù họ là người lao động bình thường hay người trí thức, mọi tầng lớp khán giả đều được người làm sân khấu quan tâm tìm hiểu để có cơ sở đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khán giả xem nghệ thuật mùa Tết Nguyên đán. Điều này liên quan đến hầu hết người làm sân khấu từ người lao động hậu đài đến diễn viên, tác giả.
Tất cả liên kết với nhau đồng bộ: biểu diễn sẽ kích thích sáng tác tác giả sáng tạo cần sự hỗ trợ của các loại kỹ thuật và nghệ thuật sân khấu sàn diễn, âm thanh, ánh sáng… Việc dựng vở nuôi sống người làm phục trang, đạo cụ, hậu cần trang trí… Chất lượng nghệ thuật kích thích giới phê bình lý luận mà hiện nay đã có CLB Phóng viên sân khấu thuộc Hội Sân khấu TP HCM, gồm nhiều cây bút có nghề, có thâm niên gắn bó với sân khấu. Tóm lại một đời sống sân khấu sinh động hồi sinh, nuôi sống con người làm giàu có thêm đời sống tinh thần và vật chất. Công chúng khán giả là một thực thể đa dạng với nhiều thị hiếu và trình độ nghệ thuật rất khác nhau. Do vậy để đáp ứng nhu cầu nhiều mặt này, người làm sân khấu không có một mẫu số chung cho tất cả mọi đối tượng khán giả. Sân khấu chỉ đáp ứng từng mặt thị hiếu nghệ thuật, đề tài phản ánh, phong cách biểu diễn. Tết này các sân khấu phải tạo cho mình những nét riêng, độc đáo và cuốn hút" – NSƯT Trần Minh Ngọc nhận xét.
NSƯT Trần Minh Ngọc trong buổi tập huấn diễn viên hài do Sở VHTT TP HCM tổ chức
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn sự dễ dãi của đạo diễn, chạy theo số lượng và chiều theo nghệ sĩ ngôi sao, để vở diễn có nhiều hạt sạn. Qua theo dõi và chỉnh đốn sau khi xem phúc khảo, ông thường xuyên nhắn nhủ học trò đừng tùy tiện quăng nhiều miếng hài khiến khán giả mệt mỏi. Cách diễn hài rời xa thực tế, đưa chuyện riêng tư lên sàn diễn đã làm cho một số vở không đượm chất tinh tế vốn cần có của một vở hài.
Mối lo thứ hai mà ông quan ngại là khi sân khấu hoạt động theo thị trường thì mối lo chạy theo thị hiếu của cả người xem lẫn người làm sân khấu đều đáng báo động. Chất lượng nghệ thuật, chất lượng tư tưởng sẽ chịu sự tác động của thị trường như người làm nghệ thuật phải biết định hướng. "Quản lý diễn viên như thế nào, định hướng sân khấu ra sao là những việc phải làm trong năm 2019 nếu chúng ta không muốn sân khấu rơi vào những lệch lạc" – NSƯT Trần Minh Ngọc kỳ vọng.
NSƯT đạo diễn Trần Mịnh Ngọc và NSƯT Thành Hội
Bình luận (0)