Sân khấu bé tẹo được dựng lên từ mấy miếng ván vụn, trang trí thêm vài bông hoa vải góp nhặt đủ sắc màu. Cái bóng đèn bằng trứng hột vịt không đủ làm cho sân khấu sáng hơn. Nhưng cứ đến chiều thứ bảy là mọi người trong xóm lại nhấp nhổm rủ nhau ngồi chờ sân khấu sáng đèn.
Mình cũng từng hòa vào đám đông với niềm háo hức khi ông "Mờ Cờ" cây nhà lá vườn cầm mic bắt đầu cho chương trình "Hát với nhau nghe". Tờ giấy đăng ký bài hát nhàu nát, tên tuổi "ca sĩ" cứ chằng chịt quấn lấy nhau. Ai đến sớm thì được đăng ký trước và dĩ nhiên, ông chủ quán cũng ưu tiên cho khách ngồi uống nước được hát trước. Tụi trẻ con không có tiền uống nước cứ đứng phía trước sân khấu, chu mỏ nhìn lên. Có người còn mang theo cả cái ghế lại ngồi từ phía xa nhìn vô.
Ông chủ quán chỉ nở một nụ cười, đông người thì càng vui chớ gì. Mình ngồi dưới sân khấu nhìn lên, từ người già đến người trẻ cứ lần lượt bước lên sân khấu. Họ hát say sưa cứ như công việc đồng áng ban chiều không làm họ hụt hơi khi lên câu vọng cổ, cũng chẳng ăn nhằm gì trong lúc họ xuống xề.
Dịch vụ karaoke làm thay đổi thói quen, cách thức hát để giải trí của con người thời nay. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Ông chủ biết chiều lòng khách bằng cách xen lẫn với nhau giờ hát tân cổ giao duyên với giờ tân nhạc. Tuần này tân cổ trước, tuần sau thì tân nhạc mở màn. Hôm nào hát tân cổ giao duyên trước, mấy bà mấy mẹ lại í ới gọi nhau đi dài dài theo xóm. Xế chiều, mình đã nghe trong họ xốn xang về cuộc hẹn "hát với nhau nghe". Ai cũng cố gắng việc nhà từ sớm. Họ cũng tranh thủ nhẩm lại mấy chỗ hát còn sai lời trật nhịp trong lúc rửa chén, quét nhà.
Mình ngồi giữa đám đông, chốc chốc lại có một bàn tay vỗ vào đùi đen đét, "con nhỏ ca thiệt mùi", "cái thằng lấy hơi y chang Minh Cảnh"… Mấy cô gái ngại ngùng nhìn ông thầy đờn, "có gì anh vớt em nghen". Mình thấy họ trong ngần, vô tư trong từng cách ra bộ. Mấy câu thím Sáu hát trong vở tuồng "Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà" cũng đủ làm mình buồn tan nát.
Mình thường ngồi đến lúc hết chương trình. Có vài người đã bỏ về trong lúc ông chủ quán đổi sang giờ tân nhạc, thường là mấy cụ già đã mỏi mê với cơn buồn ngủ kéo dài hay đứa trẻ trên tay của họ đã ngoẹo đầu, nước miếng chảy dài. Mấy anh thanh niên trong xóm cũng nhân cơ hội tỏ tình với các cô gái bằng một ca khúc trữ tình kèm theo lời nhắn "Bài hát này mình xin gửi tặng đến T., mong bạn hiểu được nỗi lòng của mình". Cô gái tên T. giả đò ngó lơ trong khi tụi bạn cứ bụm miệng cười không ngớt. Mấy nhánh bông sau một hồi chờ đợi cũng đến tay người nhận, cành lá tả tơi mà người nhận vẫn cứ cười tươi roi rói. Cái sự xơ xác đó chẳng là gì khi chàng thanh niên đứng gãi đầu trao bông cho cô gái. Mình chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện tình đẹp như thế. Có người thành đôi, có người còn ôm cái tập chép lời mấy bản nhạc "người ta" tặng vào lòng đi suốt cả một quãng đường đời.
Cho đến một ngày, chương trình "Hát với nhau nghe" của ông chủ quán ngoài ngã tư đã thành dĩ vãng. Người ta đâu còn cảm giác chờ đợi mỗi tối cuối tuần, khi nhà nhà người người đều có dàn karaoke. Người ta đua nhau mua sắm y như đem con đi tiêm ngừa, không có tiền thì vay vốn chăn nuôi về mua cho bằng được. Đám tiệc giờ, đâu đâu cũng có dàn "kẹo kéo" chơi hết mình. Người ta tranh nhau lên hát, mạnh ai nấy hát, nghe hay không thì tùy. Mấy đám thanh niên quá chén tranh nhau hát. Có người hát trùng bài lại lôi nhau ra đồng đánh lộn. Có ông già nhậu say cầm khư khư cái mic chẳng nhường cho ai. Đám bạn nhậu "mắc hát" bực mình ném vô đầu nhau vài chai rượu... Mình đứng giữa cuộc vui vừa tàn, bàn ghế xơ xác, đám trẻ trong nhà khóc ré mà tiếc đầm đìa giây phút ngày xưa. Đành nhủ với lòng, mình đâu thuộc về nơi này.
Ông chủ quán "Hát với nhau nghe" gặp mình thở dài. Ông bỏ cuộc sau những lần tìm lại ngày xưa, cái quán nhỏ mấy lần lợp rồi dỡ cũng biết buồn khi khách khứa vắng tanh. Ông bà chủ vẫn đặt vài cái bàn, ngày bán vài ly nước cho khách đi đường để quán bớt cô đơn. Mình với ông chủ kể chuyện ngày xưa. Bà chủ quán cười toe toét những lúc châm thêm đá vô ly cho mình. Lúc mình rời đi, ông bà chủ đưa ra tận cửa, cái nhìn lưu luyến cứ theo mình trên suốt dọc đường về. Câu nói với theo của ông chủ quán làm mình day dứt: "Bữa nào rủ tụi nó lại, mình lai rai rồi hát cho nhau nghe".
Nghĩ, ông bà chủ quán chắc còn buồn lâu với những ký ức ngày xưa. Vì người ở lại bao giờ cũng sống cùng quá khứ. Mấy cuộc mạnh ai nấy hát đâu có làm mình dừng lại. Không biết cái quán nhỏ ngoài ngã tư còn ở đó được bao lâu?
Bình luận (0)