Tranh Việt có giá triệu đô là thực tế đã diễn ra trên các sàn đấu giá quốc tế. Mới nhất là phiên đấu giá tranh Modern art evening sale, diễn ra ngày 30-9 tại nhà đấu giá tranh Sotheby’s Hongkong, 5 bức tranh Việt đã được bán tổng cộng gần 2,5 triệu USD càng khẳng định sức hấp dẫn của tranh Việt trên thị trường quốc tế.
Giá hàng chục tỉ đồng
Năm tác phẩm thu về 2,5 triệu USD cho chủ sở hữu của nó là bức "Gia đình" (La Famille) của họa sĩ Lê Phổ; "Chơi ô quan" (Le jeu des cases gagnantes) và "Đan len" (La Lingere) của Nguyễn Phan Chánh; "Dân làng" (Les villageois) của Nguyễn Gia Trí và "Điềm nhiên" (Seated Lady) của Vũ Cao Đàm. Trong đó, bức tranh lụa "Gia đình" của họa sĩ Lê Phổ đã bán được 749.053 USD, lọt vào tốp 10 những bức tranh Việt cao giá nhất trên sàn đấu giá quốc tế công khai.
Bức tranh lụa “Gia đình” của họa sĩ Lê Phổ đã bán được giá 749.053 USD. Nguồn ảnh: SOTHEBY’S HONG KONG
Trước đó, bức tranh "Cuộc sống gia đình" (Family life) của danh họa Lê Phổ bán được đến 1,171 triệu USD tại sàn đấu giá Sotheby’s Hồng Kông vào ngày 2-4-2017. Bức tranh "Người Mẹ" (Marternite) của ông cũng bán được giá 657.425 USD vào ngày 31-3 tại Sotheby’s Hồng Kông.
Bức tranh “Cuộc sống gia đình” (Family life) của danh họa Lê Phổ có giá bán hơn 1,1 triệu USD. Nguồn ảnh: SOTHEBY’S HONGKONG
Ngày 26-5, phiên đấu giá "Nghệ thuật châu Á thế kỷ XX và đương đại" và phiên đấu giá "Người đương thời: Tiếng nói từ phương Đông và phương Tây" được nhà Christie tổ chức song song. Bức "La Toilette" (Nhà tắm) của danh họa Lê Phổ, một trong hơn 70 tác phẩm được bán, có mức giá giao dịch là 2 triệu HKD (tương đương 5,8 tỉ đồng). Theo Chiristie, tác phẩm này được họa sĩ tặng cho bác sĩ Tinh Doan ở Pháp, sau đó thuộc về một bộ sưu tập cá nhân ở Anh.
Cũng tại phiên đấu giá của Christies Hồng Kông vào tối 26-5, một số tác phẩm của danh họa Việt khác là "La Marchande de Ôc" của Nguyễn Phan Chánh cũng có mức giao dịch rất cao, với 4.660.000 HKD (tương đương 13,5 tỉ đồng). Tác phẩm sơn mài mang tên "Vietnamesse Ladies" của Nguyễn Gia Trí cũng đạt mức giao dịch là 875.000 HKD (khoảng 2,5 tỉ đồng).
Quay lại phiên đấu giá tại Sotheby’s Hồng Kông hôm 30-9, bức tranh lụa "Le jeu des cases gagnantes" của Nguyễn Phan Chánh, dù bị nghi ngờ về độ chân bản như bức "La Famille" của Lê Phổ, nhưng cũng có mức giá giao dịch khá cao với 319.600 USD. Và bức lụa "La Lingère"(Đan len) của Nguyễn Phan Chánh còn có mức giá cao hơn với 444.883 USD. Đây cũng là 1 trong 5 bức tranh cao giá nhất của Nguyễn Phan Chánh trên sàn đấu công khai.
Trong khi đó, bức bình phong sơn mài "Les Villageois" (Dân làng) của Nguyễn Gia Trí đã bán với giá 782.381 USD. Đây cũng là 1 trong 5 bức tranh cao giá nhất của Nguyễn Gia Trí trên sàn đấu công khai. Tuy nhiên, làm nên bất ngờ lớn tại phiên đấu giá này phải kể đến bức lụa của Vũ Cao Đàm "Seated Lady" (Điềm nhiên), với giá giao dịch là 303.620 USD dù mức giá dự đoán chỉ là 63.920 - 89.488 USD. Trước đó, Vũ Cao Đàm từng có bức "Portrait d’une jeune fille" (Chân dung cô gái trẻ), cũng được đấu giá tại Sotheby’s Hồng Kông (vào ngày 4-4-2011) với mức giá gần 62.000 USD.
Người mua đang là nhà sưu tập Việt
Trong câu chuyện về hội họa Việt Nam đương đại, ngoài chuyện của các nghệ sĩ, những tác phẩm tranh Việt cao giá, công chúng còn quan tâm đến việc ai là người đã mua những bức tranh Việt trong các phiên đấu giá tranh công khai trên thị trường tranh quốc tế.
Tại một phiên đấu giá tranh trong nước, bức tranh "Mèo vờn nhau" của danh họa Nguyễn Sáng đã được mua với giá 101.000 USD, là bức tranh đắt nhất được bán đấu giá tại Việt Nam. Sau giá gõ búa, người mua phải cộng thêm 10% giá trị, tức phải trả 111.000 USD để được sở hữu tác phẩm (tương đương 2,463 tỉ đồng). Trước đây, bức tranh "Mèo vờn nhau" thuộc sở hữu của một vị đại sứ tại Việt Nam. Sau đó tác phẩm này được đấu giá tại Hongkong nhân kỷ niệm 30 năm của nhà Christie’s Asian (29-5-2016). Nhà sưu tầm Phạm Văn Thông đã mua bức tranh tại Christie’s Hongkong với giá 41.000 USD. Sau đó, bức tranh được chủ nhân gửi tới đấu giá tại nhà đấu giá Chọn bằng giá mua về. Bức tranh được một nhà sưu tập người Việt mua với giá 101.000 USD, tăng 146%.
Nhà sưu tập Trần Tuấn Linh (Hà Nội) cũng đấu giá thành công bức tranh "Mẹ và con ở trong vườn" của danh họa Lê Phổ tại nhà Sotheby’s Hồng Kông vào ngày 1-10-2017 với mức 35.211 USD. Cũng tại phiên đấu giá này, gần 10 bức tranh Việt khác cũng được bán cho nhà sưu tập người Việt. Ngày 23-10-2017, tại nhà đấu giá Aguttes (Paris - Pháp), một nhà sưu tập ở Hà Nội đã đấu thành công bức tranh "Hai thiếu nữ ngồi thêu" của Vũ Cao Đàm với mức giá 226.950 euro (hơn 6 tỉ đồng), trong khi giá ước định từ 35.000 đến 40.000 euro.
Nói điều đó để thấy rằng việc nhiều nhà sưu tập tranh Việt đấu giá tranh Việt từ các cuộc đấu giá ở nước ngoài ngày càng phổ biến, thậm chí trở thành xu hướng. Như lời của nhà sưu tập nổi tiếng Phạm Việt Phương: "Chơi tranh vừa là thú chơi vừa là cái nghề. Kinh tế ngày càng phát triển, cuộc sống được nâng cao thì nhu cầu chơi văn hóa nghệ thuật cũng phát triển hơn. Bây giờ lực lượng chơi tranh rất đông đảo, tạo nên sân chơi vừa lành mạnh vừa sôi động. Thứ nhất, lan tỏa sức chơi ngày một rộng hơn trong cộng đồng người Việt. Thứ hai, nâng tầm giá trị nghệ thuật của các tác phẩm hội họa và trả nó về đúng vị trí xứng tầm của các tác giả nổi tiếng …".
Đây cũng chính là lý do những nhà sưu tập tranh có tên như Nguyễn Minh, Nguyễn Phan Huy Khôi, Phùng Quang Việt, Kevin Việt, Lê Thái Sơn, Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Hoàng Việt, Nguyễn Hải Yến,… không ngại tiền của cất công đến các phiên đấu giá để sở hữu những tác phẩm hội họa đỉnh cao của mỹ thuật Việt Nam.
Giới chuyên môn nhận định các nhà sưu tập Việt hiện nay giống như các nhà sưu tập nước ngoài. Mỗi người sẽ cố gắng sở hữu một tác phẩm đỉnh cao của mỗi tác giả tên tuổi. Trong đó, những bức tranh của các danh họa nổi tiếng như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Thị Lựu… thường được các nhà sưu tập Việt mua từ các phiên đấu giá nước ngoài.
Thực tế, trong nhiều năm trước đây, phần lớn tranh có giá trị cao của mỹ thuật Việt Nam đã được bán ra nước ngoài vì trong nước chưa có thị trường. Bây giờ nếu muốn sở hữu tranh quý, nhà sưu tập Việt phải ra nước ngoài mua về. Các phiên đấu của 15 nhà đấu giá có tác phẩm mỹ thuật Việt trải rộng khắp 5 châu, nhưng phổ biến nhất vẫn là ở Pháp, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Mỹ, Anh…
Các thế hệ sưu tập tại Việt Nam, từ thế hệ đầu như Đức Minh, Nguyễn Xuân Oánh… đều nhiều lần ra nước ngoài để tìm mua. Nhà sưu tập Nguyễn Minh sở hữu hơn 200 bức tranh, trong đó, hơn một nửa do anh đấu giá thành công ở nước ngoài.
Nhà sưu tập Trung Quốc đang nhắm tới
Theo thống kê, thị trường nghệ thuật 2018 có mức tiền giao dịch là 63,7 tỉ USD, tăng 12% tỉ lệ tranh được giao dịch so với năm trước. Trong đó, Trung Quốc thay thế Anh trở thành thị trường giao dịch lớn thứ 2 trên thế giới. Hiện nay, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất thế giới về việc mua bán tranh. Điều đó khẳng định, tranh đang trở thành tài sản để sinh lợi, tiết kiệm mà nhiều người đang nhắm tới. Thậm chí, thị trường mua bán tranh còn sôi động hơn cả bất động sản. Người trong giới nhận định những năm gần đây, các nhà sưu tập Trung Quốc trở thành "nỗi kinh hoàng" của các phiên đấu quốc tế. Họ là những đại diện điển hình cho chiêu thức "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" để mua cho được những bức tranh giá trị nhất đem về nước. Không chỉ tái sử dụng tranh nội địa, các nhà sưu tập Trung Quốc còn nhắm đến tranh Việt vì tranh Việt được định giá là thị trường thứ cấp. Không cần bàn đến khả năng sinh lợi của thị trường tranh đa cấp thì tranh ở thị trường thứ cấp cũng là một trong những món hàng có nhiều khả năng sinh lợi lớn. Chính vì vậy, các nhà sưu tập Việt cũng gặp phải những đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc khi mà những người này có rất nhiều tiền.
Bình luận (0)