xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ái Như: Sân khấu là cuộc chơi định mệnh

Thanh Hiệp thực hiện

Đạo diễn Ái Như nói nếu làm nghề mà không giữ vững sự tử tế trong nghệ thuật thì chị đã không chọn cuộc chơi này. Nó là định mệnh cũng là thử thách

Hạnh phúc vì khán giả tri kỷ

. Phóng viên: Sân khấu Hoàng Thái Thanh vừa kỷ niệm 10 năm. Cảm nghĩ của chị khi đứng ở cột mốc này?

- Đạo diễn Ái Như: Chính tôi và anh Thành Hội cũng không dám nghĩ Sân khấu Hoàng Thái Thanh do chúng tôi thành lập sẽ có sinh nhật lần thứ 10. Điều khiến chúng tôi vui là Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã giúp cho nhiều diễn viên trẻ có một nơi nuôi dưỡng tình yêu sân khấu đúng nghĩa và làm cho khán giả cảm thấy hài lòng khi đến xem kịch ở đây. Có khán giả xem vở "Nửa đời ngơ ngác" 58 lần, "Nửa đời hương phấn" 40 lần… đó là khán giả tri kỷ mà đời nghệ sĩ ai cũng mong có được.

. Mười năm qua, chị và NSƯT Thành Hội đã dốc sức cho sân khấu này, thành quả lớn nhất là 49 tác phẩm được dàn dựng mang đúng phong cách đã định. Bước sang tuổi 11, chiến lược của anh chị cho sân khấu của mình có gì thay đổi ?

- Không dám nghĩ đến chiến lược mà chỉ mong nghệ sĩ gắn với thương hiệu kịch Hoàng Thái Thanh để có thể giữ cho sàn diễn này sáng đèn đều đặn. Nói thật, tôi rất sợ câu hỏi "bao giờ ra vở mới?" của khán giả. Bởi, sản xuất được một vở diễn phải mất 3 tháng mà mới diễn được vài suất đã phải có vở mới đáp ứng yêu cầu của khán giả thì sợ lắm.

. Trước khi trở thành người đứng mũi chịu sào ở Sân khấu Hoàng Thái Thanh, chị là một diễn viên - đạo diễn - tác giả được yêu thích tại nhiều thương hiệu sân khấu khác. Đó là chọn lựa đúng của chị?

- Nếu chọn lại từ đầu tôi vẫn chọn được gắn bó với Hoàng Thái Thanh, nơi mà 10 năm qua có biết bao tình cảm của công chúng, bạn bè đồng nghiệp, thầy cô, giới truyền thông, báo chí đã dành cho chúng tôi. Nghề làm bầu thời nay căng thẳng lắm. Có những suất diễn tôi khóc vì phải thông báo trả vé và cũng có những suất đông kín người xem, tôi cũng khóc vì hạnh phúc. May mắn thay gia đình của anh Thành Hội cũng đồng hành để chúng tôi gầy dựng thương hiệu này cho đến hôm nay.

Làm vì lý tưởng nghệ thuật

. Tài năng đạo diễn của chị được minh chứng với nhiều vở kịch tâm lý xã hội nói về thân phận con người, như "Sân ga tình người", "Người khách bất ngờ", "Giải độc đắc", "Một cuộc đời bị đánh cắp"... để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng công chúng. Nhiều người nói chị làm bầu để được viết, dựng và diễn vai hay. Chị có nghĩ như vậy?

- Cuối năm 1990, tôi tốt nghiệp khóa đạo diễn hạng ưu với vở "Khúc nhạc lòng của vị mục sư". Tôi từng được trao Giải Mai Vàng năm 2004 hạng mục đạo diễn được yêu thích nhất với vở "Hãy khóc đi em"; năm 2015 với vở "Nửa đời hương phấn" và giải Cù nèo vàng của năm 2011. Cách đây tròn 10 năm, tôi và anh Thành Hội - người thầy, đồng nghiệp cùng chung chí hướng - đã cùng nhau xây dựng sân khấu cho riêng mình. Trải qua hai lần dời đổi địa điểm từ Nhà Văn hóa Thiếu nhi Thành phố (quận 3) về Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận 10, Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã là thương hiệu kịch quen thuộc, mang màu sắc riêng với những vở tâm lý xã hội thấm đẫm tính nhân văn. Nếu không làm vì lý tưởng nghệ thuật thì tôi đã không dốc sức lực. Trước hết, mình làm cái mình thích và được khán giả đón nhận. Tôi lý giải rằng nhiều khán giả sau khi xem kịch của chúng tôi họ thấy yêu đời hơn, trân trọng giữ gìn các mối quan hệ trong gia đình, xã hội hơn thì đó là niềm hạnh phúc. Cũng có người nói tôi làm bầu rồi thì cần gì lăn xả với các vai trò như tác giả, đạo diễn, diễn viên chính, thứ, phụ… cho mệt. Ngồi không đếm tiền. Nhưng đã xem sân khấu như đứa con ruột thì phải gửi gắm đam mê trọn vẹn của mình vào từng công việc. 10 năm qua tôi chuyên diễn vai phụ, vai mồi nhiều hơn vai chính.

Nghệ sĩ phải có trách nhiệm xã hội

. Để vượt bao khó khăn trong bối cảnh khán giả không còn đông như trước, chị có nghĩ đến việc thay đổi phương thức hoạt động?

- Có một số dư luận nghĩ chúng tôi là những nghệ sĩ thích tụ lại làm kịch cho vui, xin thưa để vận hành một công ty có đóng thuế, có kế hoạch thì chúng tôi đã suy tính nát óc. Chúng tôi đau đáu nhìn cảnh "chợ chiều" của sân khấu nhưng không thể phó mặc cho việc cứ chạy theo xu hướng và thị hiếu để rồi lẩn tránh trách nhiệm, nghệ sĩ phải góp phần định hướng thẩm mỹ trong cuộc sống. Phương hướng của chúng tôi là xây dựng dòng kịch tâm lý xã hội mổ xẻ số phận con người, khiến khán giả phải suy ngẫm và rút ra những bài học cho mình. Anh Thành Hội có nói vui cứ làm đi khi nào hết tiền thì ngưng. Nhưng đến hôm nay, dù mỗi tháng phải chạy cho đủ 400 triệu đồng chi phí hoạt động của công ty, chưa kể đầu tư hàng trăm triệu đồng mỗi lần ra vở mới, tiền vốn bỏ ra chúng tôi chưa gặp lại nó bao giờ nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đi tới.

Ái Như: Sân khấu là cuộc chơi định mệnh - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Ái Như trong vở “Bông hồng cài áo”. Ảnh: THANH HIỆP

. Phải chăng đó là cái giá phải trả cho tinh thần chủ đạo khi chị luôn xem sân khấu là "thánh đường"?

- Tôi có viết bài thơ: "Mười năm thương quý những ngày, mười năm có đủ dạn dày nắng mưa. Dạ thưa nhớ những vòng tay, biết ơn vì đã đắm say với mình". Nếu làm nghề mà không giữ vững sự tử tế trong nghệ thuật thì chúng tôi đã không chọn cuộc chơi này. Nó là định mệnh đồng thời cũng là thử thách. Cũng có lúc tôi nghĩ, ai đi buôn cũng mong có lãi, còn mình lao lực, biết bao lần suýt ngã gục nhưng vẫn gắng bước vì điều gì? Đó chính là 49 đứa con tinh thần, có vở thua, có vở thắng, nhưng hoàn toàn không để lại tiếng chê về mặt nghệ thuật.

. Bên cạnh vở đạt chất lượng, điều đáng tự hào là Hoàng Thái Thanh giúp cho nhiều nghệ sĩ có được vai để đời và một thế hệ diễn viên phủ sóng khắp các sân chơi: truyền hình, điện ảnh như Hồng Ánh, Quý Bình, Hoàng Vân Anh, Tuyết Thu, Ngọc Duyên, Trí Quang, Trương Minh Quốc Thái, Đoàn Minh Tài, Tuyết Mai, Quốc Thịnh, Thế Hải, Hoàng Thái Quốc, Công Danh… Chị nghĩ gì về vai trò đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu hiện nay?

- Tôi nhớ một câu chuyện vui mà anh Thành Hội viết cho một em diễn viên vừa tốt nghiệp đạo diễn sân khấu: "Ông thợ đá chỉ cho thằng nhỏ học nghề coi cục đá rồi nói: "Đây là người mẹ đang bồng con". Thằng nhỏ nói liền: "Có thấy đâu? Cục đá mờ". Ông thợ lấy đục và búa đục đẽo một lát rồi nói: "Giống chưa?". Thằng nhỏ: "Chưa". Ông thợ đẽo tiếp và hỏi, nó cứ bảo chưa giống, ông liền nói: "Thôi mày về đi, sáng mai qua coi". Ông thợ quần cục đá suốt đêm rồi lăn ra ngủ. Sáng thằng nhỏ qua coi rồi kêu ông thợ dậy: "Ra hình mẹ con rồi thầy". Kết luận: Ông thợ đá chính là ông thầy có tâm. Nếu lúc ông thợ chỉ cho thằng nhỏ coi cục đá rồi ép nó phải thừa nhận làm thầy bao giờ cũng đúng, thì sẽ không bao giờ có tác phẩm hay. Nghề đào tạo đạo diễn, diễn viên sân khấu cho thế hệ mai sau phải có thầy giỏi và có tâm. Biết lắng nghe và nhìn lại mình trước khi muốn chỉ dạy.

Cứ liệu cơm gắp mắm

. Theo chị, sân khấu xã hội hóa đang cần sự hỗ trợ nào để vượt qua khó khăn như hôm nay?

- Mùa dịch Covid-19 còn kéo dài, sàn diễn đã vắng, nay càng vắng hơn. Chúng tôi dốc sức làm nghề, mong có sự tiếp ứng từ phía nhà nước trong việc đầu tư kinh phí dàn dựng. Nhưng nói thì nói cho vui chứ sẽ khó. Nên thôi cứ liệu cơm gắp mắm mà làm. Đến khi nào không xoay xở nổi thì ngưng.

. Một số sân khấu xoay xở trong cách thay đổi phong cách dàn dựng kịch hài, châm biếm, có vẻ Hoàng Thái Thanh còn dè dặt với đề tài này?

- Tôi có nghĩ đến nhiều phương án khi dựng hài với: "Oan tình ai thấu", "Tình yêu trời đánh", "Mút chỉ mút cà tha"; kịch cổ trang "Giấc mộng vàng son"; có cả kịch thiếu nhi "Nữ hoàng ngang ngược"… Xoay đủ thứ nhưng khán giả của Hoàng Thái Thanh vẫn thích được khóc. Bi kịch tâm lý về thân phận vẫn là màu chủ đạo. Tôi cho rằng thị trường không thể giết chết nghệ thuật.

. Hiện nay, muốn quảng bá sản phẩm sân khấu phải chuyên nghiệp khâu marketing, Chị có nghĩ sân khấu mình phải làm gì để thu hút đông đảo khán giả hơn khi việc PR (quảng bá) chưa bài bản lắm?

- Muốn PR tốt phải đầu tư thật nhiều tiền mà chúng tôi không có nên chỉ tương tác theo cách của mình. Bây giờ sân khấu không cạnh tranh nổi với game show, phim ảnh. Nhưng khán giả thích xem kịch họ đã đến bằng thái độ trọng thị. Chúng tôi cố gắng vươn tới một sân khấu đúng tầm chuyên nghiệp và làm nghề bằng tất cả lòng trân trọng.

Gia đình là chỗ dựa

. So với nhiều đồng nghiệp, chị bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp hơi muộn, sau khi đã lập gia đình và trải qua những công việc khác nhau. Có lẽ gia đình là chỗ dựa tốt nhất cho chị theo đuổi được lý tưởng nghệ thuật của mình?

- Nhân câu hỏi này tôi xin cảm ơn ông xã tôi, các con tôi đã đồng hành cùng với tôi suốt chặng đường đã qua. Năm 1987, sau 7 năm bị gián đoạn học diễn viên, tôi quay lại thi vào Khoa Đạo diễn Trường Nghệ thuật Sân khấu 2, nay là Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP HCM. Không có chỗ dựa từ gia đình, có lẽ tôi không thể làm được những điều mình muốn!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo