Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã trao quà hỗ trợ nghệ sĩ hát bội Mỹ Kim và nhà báo Trần Đại Phú mỗi người 5 triệu đồng.
Mong sớm hết dịch để trở lại sàn diễn
Hẹn gặp nghệ sĩ Mỹ Kim (bà còn có nghệ danh là Thiên Kim - PV) ở huyện Bình Chánh, TP HCM, nơi bà sinh sống với các con. Tuy nhiên, bà cho biết mỗi sáng được con trai chở đến Bệnh viện Từ Dũ (quận 1) để tiêm thuốc xạ trị căn bệnh ung thư tử cung nên chúng tôi đã đến trước cổng bệnh viện để thăm hỏi bà.
Nghệ sĩ Mỹ Kim vào nghề từ năm 1987 sau khi tốt nghiệp khoa đào tạo diễn viên hát bội tại Trường Văn hóa nghệ thuật TP HCM cùng khóa với NSƯT Thanh Trang, nghệ sĩ Thành Đô, Tiến Dũng... Năm 1990, bà về Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP HCM và công tác cho đến nay.
Chương trình “Mai Vàng nhân ái” trao tiền hỗ trợ cho nghệ sĩ hát bội Mỹ Kim Ảnh: HỮU ĐẠT
NSƯT Hiền Linh nhận xét: "Chị Mỹ Kim là diễn viên trụ cột của nhà hát. Chị ca hay, diễn giỏi, không nề hà bất cứ việc gì, ngoài đóng các vai phụ chị còn tham gia ca hậu trường, múa kiếm, vũ đạo và đóng các vai đào mụ…. Chị luôn có mặt trong tất cả vở chủ lực và là tấm gương lao động nghệ thuật đáng quý của nhà hát".
Nhận món quà từ chương trình "Mai Vàng nhân ái", nghệ sĩ Mỹ Kim xúc động: "Gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn từ sau khi chồng tôi và mẹ tôi lần lượt qua đời, một mình tôi nuôi 3 con. Như mọi năm thì đây là tháng có nhiều suất diễn cúng đình, hát chầu nhưng vì giãn cách xã hội nên các nhà hát đã tạm hoãn, từ đó đời sống nghệ sĩ hát bội rất khó khăn. Hôm nay, nhận được món quà ý nghĩa này, tôi biết ơn chương trình "Mai Vàng nhân ái", món quà là niềm động viên để tôi tiếp tục điều trị bệnh ung thư. Mong sân khấu hát bội sớm sáng đèn trở lại, để chúng tôi được diễn. Tôi nguyện Tổ nghiệp cho tôi được ổn định sức khỏe để tiếp tục cống hiến trọn đời cho sân khấu hát bội" - nghệ sĩ Mỹ Kim bộc bạch.
Từ sân cỏ sang sân khấu
Với nhà báo Trần Đại Phú, nhắc đến ông hầu hết nghệ sĩ sân khấu đều bày tỏ tình cảm vì ông thường xuyên giúp đỡ các nghệ sĩ già yếu, neo đơn, bệnh tật. Trước khi viết ở lĩnh vực sân khấu, ông là cây bút bình luận bóng đá từ thời còn là sinh viên Trường Đại học Bách khoa năm 1975.
Với bút danh Trần Đại Phú, ông cộng tác cho hơn 10 tờ báo trong giai đoạn 10 năm gồm: Thể thao Văn hóa, Bóng đá Long An, Bóng đá TP HCM, Báo Khánh Hòa, Báo Phú Yên, Báo Sài Gòn Giải Phóng... Chính ông là người sáng tạo ra chuyên mục "Nghệ sĩ và sân cỏ" trên Báo Long An, được bạn đọc yêu thích từ năm 1980. Từ duyên cớ đó, ông kết thân với nghệ sĩ sân khấu, đến năm 1988 công tác chính thức tại Tạp chí Sân khấu TP HCM. Trước khi nghỉ hưu năm 2019, ông giữ chức vụ thư ký tòa soạn.
NSND Minh Vương nhớ lại năm 1980 có một lối rẽ mới trong sự nghiệp báo chí của nhà báo Trần Đại Phú. "Năm đó anh chuyển sang viết sân khấu và sáng tác kịch bản cải lương. Với bút danh Trần Đại Phú, anh đã sáng tác hơn 20 kịch bản cho các đoàn cải lương các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Phú Yên, Khánh Hòa… Tuy nhiên, Kim Thanh là bút danh anh gắn bó lâu nhất" - NSND Minh Vương nhớ lại.
Hiện nay, do hoàn cảnh khó khăn không có nhà ở, Hội Sân khấu TP HCM đã bố trí cho nhà báo Trần Đại Phú một căn phòng để ông tạm trú tại chùa Nghệ Sĩ Gò Vấp, TP HCM. Trước ngày giãn cách xã hội đợt 4 do dịch Covid-19 bùng phát, ông được bạn bè đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp vì bệnh tim mạch vành. Sau đó, ông được các bác sĩ cho xuất viện, chờ sau dịch bệnh sẽ phẫu thuật tim.
Nhận số tiền hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái", nhà báo Trần Đại Phú xúc động kể: "Năm 1990, tôi là cộng tác viên thân thiết của Báo Công Nhân Giải Phóng, tiền thân của Báo Người Lao Động ngày nay. Thời đó, tôi cộng tác lĩnh vực sân khấu và bóng đá. Hôm nay, nhận được món quà của chương trình "Mai Vàng nhân ái", tôi rất vui và cảm kích. Đây là sự quan tâm mang nhiều ý nghĩa, chia sẻ trong dịch bệnh và nhớ đến cộng tác viên một thời đã gắn kết với báo. Tôi mong chương trình "Mai Vàng nhân ái" ngày càng phát triển để giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh nghệ sĩ bệnh tật, tai nạn nghề nghiệp và có hoàn cảnh khó khăn".
Bình luận (0)