Trên màn ảnh rộng thời gian gần đây, nhiều diễn viên "nhí" xuất hiện trong các phim đề tài về gia đình, xã hội với khả năng diễn xuất tốt, gây ấn tượng cho người xem. Hữu Khang và Diệp Anh diễn vượt cả Kiều Minh Tuấn lẫn An Nguy trong phim "Chú ơi, đừng lấy mẹ con" ra rạp mới đây. Trước 2 bé, nhiều diễn viên "nhí" khác như: Hà Mi, Kim Thư, Gia Bảo, Trọng Khang, Duy Anh, Bảo Bảo, Cát Vi... cũng đã chứng tỏ thực lực của mình qua các phim ca ngợi tình cảm gia đình.
Cảnh trong phim “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Diễn xuất tốt hơn người lớn
Trong phim "Chú ơi, đừng lấy mẹ con", Hữu Khang (9 tuổi) và Diệp Anh (7 tuổi) đã thể hiện tốt vai diễn Nhện và Bảo Ngọc với tính cách trái ngược nhau. Trong đó, Nhện sống hạnh phúc với mẹ đơn thân cùng gia đình ngoại nên cảm thấy bất an khi có người lạ xen vào cuộc sống của mình. Bé Bảo Ngọc điệu đà nhưng tâm tính hiền lành, ngọt ngào, hiểu chuyện, luôn ủng hộ quyết định của ba. Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ từng khen ngợi Hữu Khang và Diệp Anh không chỉ ngoại hình phù hợp mà còn diễn xuất chuyên nghiệp. Anh thấy may mắn khi tìm được 2 diễn viên "nhí" rất hợp vai. Nam diễn viên Kiều Minh Tuấn không ngại thổ lộ có phân cảnh anh bị cảm xúc của bé Diệp Anh cuốn theo vì bé diễn nhập vai.
Trước 2 diễn viên này, bé Kim Thư "con nhà nòi" cũng từng thu hút chú ý của người trong giới khi mang đến sự xúc động qua vai diễn bé Nắng ở phim "Nắng". Diễn viên Hà Mi được yêu mến từ vai Tiểu Li (lúc nhỏ) trong phim "Cô gái đến từ hôm qua". Gia Bảo và Ngân Chi ghi dấu với phim "Ở đây có nắng". Trọng Khang đáng yêu qua phim "Chạy đi rồi tính". Duy Anh dễ thương trong phim "Khi con là nhà"...
Nếu trước đây, số lượng diễn viên "nhí" có khả năng diễn xuất của làng phim Việt tương đối hiếm thì hiện nay đã có sự thay đổi. Lực lượng diễn viên "nhí" diễn tốt ngày càng tăng về số lượng lẫn chất lượng. Các bé diễn xuất rất tự nhiên, lột tả trọn vẹn tính cách nhân vật, chinh phục được khán giả. Nhiều diễn viên "nhí" chứng tỏ thực lực diễn xuất có nghề của mình, đôi lúc còn lấn át cả những diễn viên kỳ cựu, kinh nghiệm dày dạn.
Nhiều người trong giới cho rằng diễn viên "nhí" hiện nay sở dĩ diễn tốt hơn là nhờ được học diễn xuất qua các trung tâm đào tạo mẫu "nhí", những đội kịch ở các nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa quận tại nhiều thành phố lớn. Chương trình game show "nhí" cũng là nơi để những bé có năng khiếu bộc lộ khả năng, dạn dĩ hơn trước ống kính và được đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp hướng dẫn, truyền thụ kinh nghiệm.
Hai diễn viên “nhí” Hữu Khang và Diệp Anh. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Khó nuôi dưỡng tài năng
Bé Hữu Khang có duyên với màn ảnh từ lúc 3 tháng tuổi, có thành tích khá dày với vai diễn trong các phim: "Dấn thân vào nước mắt", "Vua bếp", "Mẹ và con trai", "Một lần đi bụi", "Hai Phượng", "Bao giờ hết ế", "Trái tim quái vật"... Bé Diệp Anh, ngoài vai trò người mẫu "nhí", cũng có vai diễn trong những phim: "Ngược chiều nước mắt", "Yêu em anh chạm vào đâu"... Nhìn khả năng diễn xuất nổi trội của các bé, nhiều người trong giới nghĩ đến việc phải làm thế nào để "vun trồng" cho những tài năng này phát triển chuyên nghiệp trong tương lai bởi nếu không thì lãng phí. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản.
"Thời nay, đạo diễn muốn tìm diễn viên "nhí" cũng không quá khó như trước vì có nhiều đội kịch, trung tâm dạy diễn xuất. Một số bé nổi bật từ các game show "nhí" cũng tạo sự chú ý đối với các đoàn làm phim nên cơ hội cho các bé tham gia nhiều phim là không cao" - đạo diễn Phương Điền nhận định.
Thêm vào đó, diễn viên "nhí" thường lớn quá nhanh. Như trường hợp bé Thanh Mỹ, nổi lên sau phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", được các đoàn làm phim săn đón nhưng chỉ đóng vài phim là thành thiếu nữ, khó có thể vào vai thiếu nhi như trước, còn vai người lớn thì chưa tới. "Nhiều diễn viên "nhí" chỉ nổi tiếng được giai đoạn đầu rồi mất hút là do quy luật phải trưởng thành. Các bé "ăn xổi" được vài phim rồi thôi, phải tập trung học văn hóa. Một số em không còn ham thích diễn xuất vì đến tuổi trưởng thành, nhận ra mình có ngoại hình không đẹp, hết duyên với nghề. Một số không có vai hợp tuổi nên mất hút dần. Lượng phim của Việt Nam cũng không nhiều, không đa dạng đủ để các bé có cơ hội xuất hiện xuyên suốt trước công chúng" - nhà báo Cát Vũ nhận xét.
Việc đào tạo diễn viên "nhí" phát triển chuyên nghiệp theo mô hình học viện như bên lĩnh vực thể thao cũng là bài toán khó khi thị trường phim Việt chưa chuyên nghiệp. Các đơn vị sản xuất phim sống nay chết mai chưa biết trước nên chưa ai tính đến đào tạo diễn viên cho đường dài.
Thành - bại do may rủi
Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, ví dụ như Hàn Quốc, họ có nhiều công ty quản lý độc quyền, đào tạo cả văn hóa lẫn diễn xuất cho các tài năng "nhí". Họ theo chân diễn viên "nhí" từ nhỏ đến lúc trưởng thành, chọn lựa vai và thời điểm phù hợp. Nhờ thế, họ vẫn giữ được những tài năng "nhí" phát triển thành các diễn viên giỏi về sau.
Điện ảnh Việt chưa được như thế nên các diễn viên "nhí" vẫn còn trong tình trạng tự phát, thành hay bại phụ thuộc hết vào may rủi và duyên nghề.
Bình luận (0)