xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ấn tượng mỹ thuật Việt

Hòa Bình

Ngay từ đầu năm mới 2018, thị trường mỹ thuật Việt đã tỏ rõ sự sôi động và chuyển biến mạnh mẽ

Phòng Triển lãm Hàng Bài (TP Hà Nội) vừa kết thúc đợt trưng bày loạt tác phẩm "Sen, đạo và đời" của Hoàng Bạch Diệp - một trong những họa sĩ quan trọng của lứa họa sĩ trưởng thành đầu tiên sau thời kỳ đổi mới. Tại

TP HCM, Craig Thomas Gallery đang và sẽ tiếp tục trưng bày tranh của hàng loạt họa sĩ: Ngô Văn Sắc, Trần Quốc Tuấn, Bùi Thanh Tâm... Không gian mới mẻ của Saigon Domaine (Bình Quới, TP HCM) cũng đang trưng bày loạt tác phẩm gốm của họa sĩ Nguyễn Quốc Chánh...

Cái đẹp phồn thực lộng lẫy

Ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới 2018, hàng loạt tên tuổi quan trọng của mỹ thuật Việt đương đại đã xuất hiện, công bố rất nhiều sáng tác mới. Thị trường tranh Việt khẳng định rõ ràng đã bước sang một giai đoạn mới với góc nhìn mỹ thuật, với rất nhiều thay đổi trong cách tạo hình cái đẹp của các họa sĩ cũng như cách công chúng đánh giá cái đẹp trong hội họa.

Ấn tượng mỹ thuật Việt - Ảnh 1.

"Mộng mơ" của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, vẽ trên lụa

Không còn ở cái thời người mẫu đẹp là phải chuẩn dáng ngồi mong manh của thiếu nữ bên hoa sen, hoa huệ. Tỉ lệ cơ học của thân thể người mẫu giờ đây đã biến hóa khôn lường dưới nét cọ của các họa sĩ.

Ấn tượng mỹ thuật Việt - Ảnh 2.

"Ca sĩ phòng trà" của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, vẽ trên giấy dó

Trong tranh Hoàng Bạch Diệp, rất nhiều hình ảnh nữ tính thể hiện cái đẹp phồn thực, gần như là khỏa thân. Rất khó tính và chấp nhận vẽ chậm hơn nhiều họa sĩ khác, từ lần triển lãm trước vào tháng 1-2002 ("Giấc mơ xanh", tại Hà Nội Studio), đến nay - sau 16 năm, Hoàng Bạch Diệp mới đến với công chúng trong "Sen, đạo và đời". Họa sĩ cho biết một năm, ông chỉ có thể vẽ vài ba bức, cùng lắm là chục bức tranh. Ông cũng không thể vẽ đến đâu lại bán đến đó. Thế nên, phải tích lũy hơn 10 năm trời, ông mới thấy gia tài của mình đủ để trình làng.

Họa sĩ Hoàng Bạch Diệp cho rằng triển lãm nhiều mà không khác nhau mấy thì cũng chưa hẳn là tốt nên ông cứ kiên định vẽ chậm. Mặc "giông tố" ồn ào với tranh và thị trường, ông không để điều đó ảnh hưởng đến tư duy sáng tác của mình.

Khác với cách công bố tác phẩm của Hoàng Bạch Diệp, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn lại gần như năm nào cũng tổ chức triển lãm cá nhân với hàng loạt bộ sưu tập tranh lụa và giấy dó độc đáo. Loạt tranh "Phù phiếm", "Sợi chỉ đỏ" là nơi những phụ nữ gợi cảm, quyến rũ có thể tự hào khoe vẻ đẹp, thời trang và cơ thể.

Vẽ giấy dó nhưng Bùi Tiến Tuấn "chơi" công bút, đi những nét thật mảnh, thật mềm và thật điệu nghệ để miêu tả các chi tiết trong tranh. Nhà phê bình Nguyễn Quân nhận định: "Lụa của Bùi Tiến Tuấn mang lại một âm, một hương, một sắc khác cho tranh lụa đang héo úa ở nước ta".

Trong hàng trăm bức tranh của Bùi Tiến Tuấn, yếu tố nữ tính, cái đẹp đàn bà được phản ánh với đủ mọi kiểu dáng, góc độ nhưng hầu hết đều là phồn thực. Tính ước lệ và tương phản cực cao, phần bụng và mông, đùi của những người đàn bà rất lớn, gần như... đúng với thực tế ngoài đời chứ không phải thắt đáy lưng ong, eo thon, đùi dài.

"Người quê" làm nghệ thuật

Nhiều đồng nghiệp cho rằng Hoàng Bạch Diệp là "người quê" ở giữa phố. "Họ đã nói đúng" - họa sĩ khẳng định. Ông cho biết bản thân sinh ra và lớn lên ở vùng Kinh Bắc, hiểu thấu cuộc sống, thân phận vất vả của người quê, hơn nữa có một thời gian thực sự là "lão nông tri điền".

Họa sĩ Nguyễn Quốc Chánh, người lựa chọn mảnh đất Đồng Nai để sáng tác gốm, cũng là một "người quê" làm nghệ thuật. Từng là một trong những nhà thơ đương đại giữ vai trò tiên phong, khoảng 10 năm gần đây, ông chuyển hướng sang mỹ thuật, chú tâm vào tác phẩm gốm. Bạn bè gọi tác phẩm của Nguyễn Quốc Chánh là "những vần thơ gốm".

Bùi Tiến Tuấn cũng là một kiểu "người quê". Ông sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Xã hội sẽ cởi mở hơn?

Những "người quê" làm nghệ thuật nêu trên cho biết ngày nay, tìm người mẫu để vẽ nude không quá khó như trước kia nhưng tìm người thật sự ưng ý thì không dễ. Hơn nữa, ngay chồng con và người thân của những người mẫu cũng chưa đồng cảm với việc họ đang cống hiến cho nghệ thuật. Vì thế, hầu hết những người mẫu này thường giấu thân phận của mình, bình thường họ vẫn làm việc hành chính trong các cơ quan.

Các họa sĩ cho biết thu nhập của người mẫu nude không cao. Họ cũng không có quá nhiều việc để làm, vì xã hội Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi sự ràng buộc trong những quan niệm cũ về tranh nude, ảnh nude và nghề làm mẫu nude.

Họa sĩ Hoàng Bạch Diệp nhớ lại: "Hồi học mỹ thuật, chúng tôi phải đợi các lớp bạn nghỉ hè, thầy trò mới dám vẽ khỏa thân. May mắn tìm được sinh viên lớp nhạc làm người mẫu, thế là các cửa sổ phải đóng kín bưng vì sợ người ngoài xem. Lúc đầu, chính cô người mẫu này cũng hơi e thẹn, còn chúng tôi ai cũng thấy hồi hộp, tay cầm cọ run run… Dần già, tình yêu nghệ thuật đã vượt qua tất cả".

Nói về lý do vẽ hàng trăm bức tranh nude hoặc gần như thế, họa sĩ Hoàng Bạch Diệp giải thích: "Hầu hết các tranh tôi vẽ, con người và thiên nhiên sống hòa quyện với nhau. Với tôi, điều ấy rất quan trọng, vì đã hòa quyện bình đẳng thì sao lại có trang phục? Hễ cứ cầm bút vẽ là hình ảnh trần lại xuất hiện. Hơn nữa, tôi quan niệm người tu tâm đạt đến độ sẽ không bị cái lý trói buộc, chẳng còn khoảng cách, trọng lượng, không còn không gian và thời gian…".

Ở Việt Nam hiện nay, không ít người còn nhìn nhận người mẫu khỏa thân và tranh khỏa thân chưa theo đúng như tôn chỉ của nghệ thuật. Tuy nhiên, các họa sĩ đều tin tưởng dần dần, xã hội sẽ nhìn nhận cởi mở hơn. 

Nhái tranh, công khai mang ra nước ngoài triển lãm

Bùi Tiến Tuấn là tên tuổi đang nổi, đồng nghĩa với việc giá tranh của ông cũng cao. Thậm chí, đã bắt đầu xuất hiện những người chủ tâm nghiên cứu vài năm liền để làm nhái tranh Bùi Tiến Tuấn. Mới đây, giới mỹ thuật bức xúc phản ánh việc Nguyễn Tây công khai mang tranh nhái Bùi Tiến Tuấn sang Pháp triển lãm.

Dư luận trong giới mỹ thuật cho rằng việc này đã giết chết sự sáng tạo thực sự của nghệ sĩ. Việc công khai triển lãm tranh nhái khiến nhiều người nhớ lại vụ ồn ào năm 2017, khi ông Vũ Xuân Chung và ông Jean Francois Hubert đưa 17 bức tranh giả về triển lãm tại TP HCM.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo