"Yêu miêu truyện" là một tác phẩm đồ sộ mà Trần Khải Ca mất đến 6 năm để hoàn thành. "Tôi mất 6 năm để có được một "Yêu miêu truyện" trên màn ảnh rộng. Đời người mấy lần có được 6 năm như vậy!" - Trần Khải Ca thổ lộ với các phương tiện truyền thông.
Tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết "Sa môn Không Hải: Đại Đường quỷ yến" của tác giả người Nhật Yumemakura Baku. Nội dung kể lại chuyện vua Đường Huyền Tông đột ngột mắc bệnh lạ, nguy kịch.
Nhà thơ Bạch Cư Dị và Không Hải quyết tìm sự thật về cái chết của Dương Quý Phi
Sa môn Không Hải được mời đến để làm phép cầu an, giúp vua chữa trị nhưng vẫn không qua khỏi. Đường Huyền Tông băng hà, dân gian truyền nhau vua bị ám bởi một con mèo thành tinh có khả năng nói tiếng người và hóa thành thiếu nữ xinh đẹp.
Miêu tinh làm náo loạn triều đình khiến nhà thơ Bạch Cư Dị và Không Hải quyết tìm sự thật, phối hợp lần theo dấu vết yêu quái. Họ dần dần điều tra được gốc gác miêu tinh cũng như lần ra manh mối cái chết thương tâm của đại mỹ nhân Dương Quý Phi cách đấy 30 năm.
Phim có sự kết hợp đầy đủ các yếu tố trinh thám, suy đoán, huyền thuật... khiến câu chuyện đầy kịch tính, lôi cuốn người xem khi các nút thắt dần mở ra. Đến nay, cái chết của Dương Quý Phi trong loạn An sử đầy bí ẩn, lịch sử vẫn chưa có một lý giải nào thỏa đáng nên dã sử rất nhiều. Việc này giúp phim đưa ra một câu chuyện mới kết hợp cùng số phận bi kịch của mỹ nhân đời Đường đầy thuyết phục, không khiêng cưỡng.
Vẻ đẹp lộng lẫy trong hoàng cung đời Đường
Phần nội dung hợp lý trong khuôn khổ câu chuyện huyền hoặc về nhân vật vốn dĩ đã là huyền thoại được truyền tải tốt qua diễn xuất của các diễn viên, mang đến thành công bước đầu cho phim. Bên cạnh đó, "Yêu miêu truyện" chú tâm nhiều vào bối cảnh, thỏa mãn phần nhìn khi tái hiện lại một Đại Đường thịnh thế. Trần Khải Ca tiêu tốn 200 triệu USD để dựng lại bối cảnh thật, biến khu đầm lầy thành Trường An xa hoa theo đúng lịch sử miêu tả. Tuy nhiên, số tiền tiền này không kê vào kinh phí sản xuất vì được kêu gọi từ nhiều nhà đầu tư và sau phim bối cảnh được tận dụng làm điểm du lịch, lấy lại chi phí.
"Yêu miêu truyện" mỗi một cảnh quay đều đẹp đến cực đoan. Nếu tách từng cảnh, khán giả sẽ có được một bức tranh thủy mặc đầy huyền hoặc, liêu trai như không khí của câu chuyện. Trường đoạn "Cực lạc yến" đầy tính duy mỹ và được đầu tư nhiều nhất khiến người xem phải tròn miệng ngạc nhiên trước độ lộng lẫy, rực rỡ này. Phim huy động hàng ngàn diễn viên quần chúng, sử dụng hơn 15.000 bộ phục trang và ghi hình trong hơn 5 tháng, trải dài qua ba mùa trong năm.
Cảnh trong "Cực lạc yến"
Mỹ nhân Dương Quý Phi
Ngoài các nam diễn viên chính diễn xuất tốt, Dương Quý Phi do Trương Dung Dung thủ diễn là nhân vật gây tranh cãi nhiều nhất. Trương Dung Dung mang hai dòng máu Trung - Pháp, một vẻ đẹp lai hoàn mỹ, hiện đại. Cô được cho là không hề giống mỹ nhân đời Đường, thời chuộng các cô gái thân hình mũm mĩm, vòng một đồ sộ. Dương Quý Phi sở hữu vẻ đẹp được cho là "tu hoa" (hoa cũng phải tự ti thua kém nhan sắc nên ủ rũ, thu mình khi thấy mặt).
Tuy nhiên, Dương Quý Phi của Trương Dung Dung cũng được lòng một số khán giả khác nhờ khí chất quý phái, vẻ đẹp kiêu sa của mình. Một số ý kiến ủng hộ cho rằng Trương Dung Dung đã thể hiện được cái hồn của nhân vật. Vẻ đẹp ngoại hình mỗi thời mỗi khác, khó có thể tìm thấy một hình mẫu hoàn mỹ khi thời đại khác biệt nhưng khí chất, cách Dung Dung nhập vai phù hợp với hình ảnh Dương Quý Phi và khiến khán giả tin điều đó đã là sự thành công của cô. Thêm vào đó, Trần Khải Ca không hề muốn tái hiện Dương Quý Phi thật sự như lịch sử miêu tả bởi đây là một câu chuyện hư cấu với nhiều dã sử, liêu trai với huyền thuật bí ẩn. Ông chọn Dung Dung là bởi thấy được nét ma mị, Đông - Tây pha trộn trong vẻ đẹp của mỹ nhân này.
Dương Quý Phi do Trương Dung Dung thể hiện
Bên cạnh những yếu tố ấn tượng, "Yêu miêu truyện" vẫn có điểm yếu bởi đạo diễn quá tâm huyết, ôm đồm nhiều khiến câu chuyện dài dòng. Một số trường đoạn miêu tả đậm chất ngôn tình, bi lụy nếu gia giảm câu chuyện sẽ cuốn hút hơn.
Bình luận (0)