Năm 2016, Trương Nghệ Mưu làm "The Great Wall" với tham vọng tấn công vào kinh đô điện ảnh Hollywood, bộ phim Tây chẳng ra Tây, Hoa chẳng ra Hoa này trở thành quả bom xịt của năm đó. Hướng Tây không xong, Trương trở về Đông, lặn sâu vào cội nguồn văn hóa Trung Hoa với bộ phim cổ trang "Ảnh" (phim đang chiếu tại hệ thống rạp Việt Nam).
Căn cốt âm và dương
Với "Ảnh", Trương Nghệ Mưu quay lại nền tảng căn cốt của văn minh phương Đông: Âm và dương. Âm - dương được biểu trưng bằng 2 màu đen trắng, cũng chính là 2 màu chủ đạo của toàn bộ tác phẩm này. Điều này dường đi ngược lại với sắc đỏ, xanh, vàng rực rỡ thường thấy trong các tác phẩm trước đó của Trương: "Thập diện mai phục", "Anh hùng" hay "Hoàng Kim Giáp". Phải chăng ở giai đoạn bão hòa trong sự nghiệp, ông muốn làm một cú rũ mình, thoát bỏ hết những sắc thái chói gắt, những đại cảnh rợn ngợp để bước vào giai đoạn mới đưa mọi thứ về với sự tối giản của tranh thủy mặc, bởi nó càng đơn giản mà khán giả càng dễ bị đánh lừa hết lần này đến lần khác.
Không giấu giếm, đạo diễn đã lấy ngay biểu tượng lưỡng nghi làm nền cho toàn bộ tác phẩm, vì thế trong một bộ phim tên "Ảnh" lại tưởng chừng như được dựng lên một sân khấu trên "lưỡng nghi". Kinh Dịch xem lưỡng nghi là nguồn gốc của vũ trụ (lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái), trên cái nền của vũ trụ ấy, những nhân vật đi lại, yêu đương, toan tính, xuất hiện trên sân khấu rồi lại lui vào hậu trường. Tính sân khấu trong bộ phim này rất mạnh, từ phối cảnh phim đến diễn viên. Mỗi diễn viên hóa thân vào một nhân vật, nhân vật ấy lại đang "diễn" một con người khác không phải là mình, tất cả đều mang một lớp mặt nạ, sắm một vai trên cái nền vũ trụ ấy. Thật thật, giả giả. Trong thật có giả, trong giả có thật. Như biểu tượng lưỡng nghi hòa trộn xoắn xuýt lấy nhau, tạo ra những nút thắt khiến khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Cảnh trong phim “Ảnh”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
"Ảnh" vẫn cho thấy một Trương Nghệ Mưu duy mỹ về mặt hình ảnh dù rằng hình ảnh ở đây đã bớt đi sự hoành tráng, cả âm nhạc cũng tối giản khi sử dụng 3 nhạc cụ rất phương Đông là cổ cầm, tiêu và sắt cầm. Cả những cảnh đánh nhau trong phim cũng có dáng dấp của một điệu múa, đặc biệt là cảnh 3 nhân vật luyện tập trước ngày giao chiến gợi liên tưởng đến một vở kịch Noh với những động tác chậm, uyển chuyển nhưng dứt khoát. Cả một bộ phim toát lên vẻ trầm mặc, từ cảnh trí đơn giản, tông màu trắng đen, tiếng mưa rả rích suốt phim kéo chùng cả không gian, những lời nói thầm thì… Có lẽ đây là bộ phim "nhu" nhất trong các phim của Trương Nghệ Mưu, cả binh khí được nhân vật chính sử dụng cũng chỉ là chiếc dù vốn là dụng cụ che mưa che nắng, gợi liên tưởng hình ảnh thiếu nữ "đào chi yêu yêu" trong Kinh Thi. Ấy vậy, nó lại trở thành thứ vũ khí đánh bại kẻ địch theo nguyên lý lấy nhu khắc cương, lấy tĩnh chế động.
Càng khéo càng giả
Như đã nói ở trên, "Ảnh" là bộ phim giúp Trương Nghệ Mưu tái xuất nhưng đây không phải là bộ phim xuất sắc nhất của ông. Với dung lượng ngắn, lại triển khai quá nhiều tuyến nhân vật khiến cho tiết tấu bộ phim càng về cuối càng vội vàng, không có cái nhấn nhá từ tốn của lúc đầu. Trương Nghệ Mưu là đạo diễn duy mỹ, đôi lúc sự duy mỹ của ông trượt dài trên những vết đẽo tạc tinh khéo nhưng càng khéo càng giả. Và nó lại còn ra mắt vào thế kỷ XXI, khi mà trước đó, công chúng mộ điệu đã có bộ phim "Kagemusha" của Akira Kurosawa sản xuất năm 1980 để so sánh. "Kagemusha" kể về một thế thân chuyên đóng giả cho chủ tướng khi chẳng may chủ tướng thật qua đời. Bộ phim này giúp Kurosawa giành giải Cành cọ vàng của Liên hoan Phim Cannes năm đó.
Dù cố trụ vào triết học phương Đông nhưng "Ảnh" của Trương không vững, thứ tư tưởng mà ông muốn nói đến vẫn không khác mấy so với hồi ông làm "Anh hùng". Thứ thiên hạ của ông là thứ thiên hạ đã mất nghĩa, không còn bề rộng mà vón lại thành hòn đá cản đường. "Ảnh" cuối cùng, như tên gọi của nó, cũng chỉ là chiếc bóng mà hào quang năm xưa của Trương Nghệ Mưu hắt xuống, đổ dài ở chặng cuối trên sự nghiệp của một đạo diễn từng có thời là niềm kỳ vọng của điện ảnh châu Á.
Bình luận (0)