NS Chí Tâm trong chương trình giao lưu đờn ca tài tử ở trường học
Điều trước tiên người nghệ sĩ có vai diễn nổi tiếng trong tác phẩm "Lan và Điệp" của soạn giả Loan Thảo đề cập là "nhất thiết phải đưa âm nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ và sân khấu cải lương vào học đường".
"Tôi đi dự nhiều buổi giao lưu mang tính tự phát của công việc này do các đồng nghiệp đứng ra tổ chức. Tôi cảm nhận mỗi nhóm làm một kiểu, không đúng chuẩn mực. Đây là mấu chốt khiến chiếc thuyền cải lương vốn đẹp nhưng bị sóng dồn dập khiến nó không nguyên vẹn khi đến bờ. Mục đích của các hoạt động này là giúp các em hiểu hơn về cái đẹp của bộ môn cải lương mà nếu lệch hướng thì sẽ không đạt hiệu quả" - nghệ sĩ Chí Tâm nhận định.
NS Chí Tâm giao lưu tại trường THCS Lương Thế Vinh
Cũng theo ông, trong thời lượng 2 giờ của mỗi suất diễn, chương trình sân khấu học đường cần khái quát rõ sự phát triển từ đờn ca tài tử Nam Bộ đến hình thành sân khấu cải lương. Kế tiếp, khi giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ cần giới thiệu các loại nhạc cụ dân tộc để các em hiểu và biết rõ về các loại đàn như: Tranh, bầu, sáo trúc, gáo, song loan, ghi ta phím lõm, kìm, nguyệt, nhị… Sau đó là sự hình thành và phát triển của 20 bản nhạc Tổ để từ đó các thế hệ nghệ nhân phát huy thành kho tàng bài bản, phong phú như hiện nay.
NS Chí Tâm, Hạ Châu và Lê Nga
"Tôi khâm phục tinh thần chịu khó của các nhóm nghệ sĩ làm công việc tự phát này. Nhưng nếu không có bàn tay chấn chỉnh của các ban ngành uy tín, cụ thể là Hội Sân khấu TP HCM, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP HCM để định hướng chuẩn mực thì sẽ nguy hại rất lớn. Bởi vì các em không biết đâu là chuẩn để làm theo. Biết và hiểu đúng mới quan trọng, từ đó tìm hiểu, góp phần nâng niu và yêu thích để học hỏi" - NS Chí Tâm nói.
NS Chí Tâm và vợ
Bình luận (0)