Từ nhiều năm trước, những người lãnh đạo của Hội Di sản văn hóa TP HCM đã ý thức chủ quyền của người Việt với chiếc áo dài, nỗ lực xin cho áo dài có được danh phận về mặt pháp lý nhưng rồi lực bất tòng tâm vì những quy định bất cập do chính cơ quan quản lý văn hóa đặt ra.
Trình diễn trang phục áo dài tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Ảnh: ĐẠI NGÔ
Trong mớ bòng bong quy định
Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP HCM, cho biết cách đây 6 năm, Bảo tàng Áo Dài ra đời, Chi hội Di sản văn hóa đã đề xuất với Hội Di sản Văn hóa TP HCM làm các bước công việc để xây dựng hồ sơ xin công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. "Bước đầu tiên, hồ sơ đưa lên Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM nhưng bị trả về với lý do là áo dài của cả nước, không riêng của TP HCM nên chúng tôi đã ra thẳng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Bộ tiếp nhận hồ sơ rất nhiệt tình, chỉ dẫn về mặt chuyên môn, thủ tục, thế nhưng hồ sơ vướng vào hai rào cản mà chính nó khiến hồ sơ ách tắc đến hôm nay" - bà Lê Tú Cẩm bày tỏ thất vọng.
Hai rào cản mà bà Lê Tú Cẩm nói một là, chiếc áo dài không thể công nhận di sản văn hóa phi vật thể được. Mà chiếc áo dài cũng không thể công nhận là di sản văn hóa vật thể. Chỉ có thể công nhận nghề may áo dài, đã tạo nên kiểu dáng độc đáo và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đó là công nhận theo hệ thống ngành nghề truyền thống.
Hai là, khi công nhận ngành nghề truyền thống, hồ sơ lại vướng vào quy định ngành nghề đó phải có nhiều nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Hội Di sản văn hóa TP HCM đã đi khảo sát, lập hồ sơ để đề xuất phong tặng danh hiệu theo đúng quy định nhưng lại vướng một quy định khác: Nghệ nhân được phong tặng danh hiệu phải có quá trình đào tạo, truyền nghề cho số đông học trò, trong khi qua thực tế, ở Sài Gòn xưa, các nhà may áo dài nổi tiếng chỉ truyền nghề cho số ít học trò, chủ yếu là con cháu trong gia tộc. Bởi, bí quyết may áo dài dẫu khác nhau một chi tiết nhỏ cũng là sự độc đáo tạo nên thương hiệu, ví dụ như áo dài "Thiết Lập" khác với áo dài "Nha", hoặc "Minh Hạnh" khác với "Sỹ Hoàng" nên nghệ nhân may áo dài rất ít chịu chia sẻ bí mật nghề nghiệp, vậy thì làm sao đáp ứng quy định có bao nhiêu học trò được đào tạo? Chính vì thế, nghệ nhân không quan tâm đến danh hiệu nên chẳng ai chịu tham gia.
Bà Lê Tú Cẩm đặt vấn đề: "Phải chăng chúng ta quá máy móc việc ban hành những quy định trong hồ sơ thủ tục công nhận? Vì ai cũng biết áo dài là của chúng ta, chỉ cần nhà nước đóng mộc công nhận là thành của Việt Nam".
Áo dài được nghệ sĩ TP HCM chọn làm trang phục duy nhất trong phần nghi lễ vinh danh các nghệ sĩ sân khấu tiền bối tại chương trình kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương. Ảnh: THANH HIỆP
Tiếp tục kiến nghị
Việc chậm trễ "đóng dấu" khẳng định áo dài là quốc phục của Việt Nam đã khiến các nhà nghiên cứu văn hóa, giới văn nghệ sĩ cả nước bức xúc.
TS Lê Hồng Phước (Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP HCM) nói: "Theo dòng lịch sử, áo dài Việt Nam đã thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Chiếc áo dài là đặc trưng dễ nhận thấy nhất để phân biệt đâu là phụ nữ Việt Nam - giống như giấy chứng nhận quốc tịch mà cả thế giới dễ dàng nhận ra, dù ai có muốn tranh giành cũng không được".
Ở thời đại toàn cầu hóa hiện nay, bản sắc văn hóa luôn bị đe dọa, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, quốc gia trở nên vô cùng quan trọng và cấp thiết. TS Lê Hồng Phước nhấn mạnh: "Bản sắc văn hóa thật sự rất quan trọng nên cần được trân trọng gìn giữ. Bởi thế, về mặt chính thức, rất cần nhà nước công nhận áo dài là quốc phục".
NSND Kim Cương cho rằng trong nhiều sự kiện văn hóa quốc tế về đất nước, con người, nghệ thuật Việt Nam mà bà có dịp tham dự, đại biểu phụ nữ các nước bạn đều mặc áo dài Việt Nam, đó là cách họ bày tỏ sự trân trọng văn hóa của ta. "Giá trị lịch sử đã chứng minh rất rõ thì tại sao chúng ta lại thờ ơ với việc công nhận áo dài là quốc phục, để bị người nước ngoài vơ vào là "phong cách" của họ?" - NSND Kim Cương đặt câu hỏi.
Bà Lê Tú Cẩm khẳng định Hội Di sản văn hóa TP HCM sẽ tiếp tục kiến nghị để Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét, linh động, áp dụng theo tình hình thực tế, sớm công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam.
Đừng để có lỗi với tổ tiên
Theo NSND Trần Minh Ngọc, không chỉ với áo dài phụ nữ, áo dài của nam giới với khăn đóng, quần lãnh trắng, quý phái, sang trọng mặc trong những dịp lễ hội văn hóa cũng cần được công nhận quốc phục. "Nếu hanbook là trang phục truyền thống của dân tộc Triều Tiên, kimono là quốc phục của đất nước Nhật Bản thì Việt Nam cũng phải sớm công nhận áo dài là quốc phục, bởi nó mang hơi thở văn hóa của người Việt, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam".
"Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải đóng dấu xác định "chủ quyền văn hóa" của Việt Nam trên trang phục áo dài dân tộc" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ.
Còn PGS-TS Trần Yến Chi: "Nếu không khẳng định ngay áo dài là quốc phục thì chúng ta có lỗi với tổ tiên".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-11
Kỳ tới: Nhạt phai áo dài xứ Huế
Bình luận (0)