Độc giả quan tâm đến lịch sử hay tiểu sử hoàng đế Napoléon Bonaparte hẳn sẽ không xa lạ với cái tên Austerlitz, một địa danh ở Áo được đặt tên cho trận đánh nổi tiếng trong lịch sử thế giới. W. G. Sebald đã chọn cái tên đó để đặt cho nhân vật chính của mình trong cuốn tiểu thuyết cũng mang tên "Austerlitz" (tên sách tiếng Việt: "Austerlitz, một cái tên", Dương Mạnh Hùng dịch).
Cũng như cuốn tiểu thuyết "Ký ức lạc loài" của Sebald được giới thiệu với bạn đọc Việt Nam trước đây, "Austerlitz" là dòng tự sự miên man, xen lẫn các bức ảnh mà độc giả sẽ thắc mắc Sebald đã tìm được chúng ở đâu để trùng khít vào trong tác phẩm của mình, làm cho cuốn tiểu thuyết hư cấu này có sức nặng xác tín, được củng cố bằng những bằng chứng hình ảnh.
Một cậu bé tóc xoăn đứng trên cánh đồng trống, bộ quần áo cầu kỳ, áo choàng phủ lên cánh tay. Austerlitz nghe kể lại rằng cậu bé trong ảnh kia chính là ông khi còn nhỏ. Và nhà văn đẩy độc giả lạc vào một trạng thái ngờ vực bản thân mình. Trong khi chắc chắn rằng đây là một tác phẩm hư cấu, thì những bằng chứng thực về tiểu sử, nhân thân và giờ đây là một bức ảnh cứ muốn làm điều ngược lại, như khẳng định có một nhân vật tên Jacques Austerlitz đứng trên mặt đất.
Bìa cuốn tiểu thuyết “Austerlitz” xuất bản tại Việt Nam
Jacques Austerlitz - một học giả Anh gốc Do Thái, được nhận làm con nuôi, thay tên đổi họ và chỉ biết tên họ thật của mình khi đi học. "Nó là tên một thị trấn nhỏ ở Moravia và rồi em sẽ biết, nó cũng là nơi diễn ra một trận chiến nổi tiếng" - thầy giáo của ông nói. Một cái tên được thốt ra, chứa đựng âm vang của lịch sử, cái tên của một trận chiến và cũng là tên một thị trấn, nơi có cha mẹ ruột của Austerlitz, nơi mà trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, phát-xít Đức bắt những người Do Thái sống trong thị trấn đến các trại tập trung.
Tiểu thuyết "Austerlitz" khởi sự bằng một điều tưởng như bình thường, "một cái tên", phổ quát thành một nỗi khắc khoải nguồn cội, từ tiểu sử cá nhân biến thành lịch sử một dân tộc.
Giây phút nhận lại tên mình, Austerlitz nhận lại số phận khác, một lai lịch khác. Tiểu thuyết là cuộc truy dấu lần hồi của nhân vật chính đi tìm căn cước hay có thể nói là trò cút bắt của độc giả để nắm lấy căn cước hay thậm chí là bóng hình của Austerlitz.
Đọc "Austerlitz", độc giả phải tự nhắc mình không rơi vào mê cung mà Sebald dày công dựng lên. Rằng đây không phải là một hồi ký, thậm chí là hồi ức, rằng những bức ảnh kia dù được lựa chọn ngẫu nhiên hay cố tình, những chân dung con người có thật đang mỉm cười hay nghiêm nghị trong ảnh kia có thể là bất kỳ ai trên thế gian này được nhà văn "mượn" để minh họa cho những nhân vật hư cấu của mình.
Trong cuốn tiểu thuyết thứ tư này, W. G. Sebald đã cho thấy cách mà một câu chuyện có thể được kể lại. "Austerlitz" cũng là tiểu thuyết cuối cùng của Sebald. Năm 2001, ông qua đời vì một tai nạn xe hơi. Như dự cảm, "Austerlitz" kết thúc bằng hình ảnh nhân vật đang lên đường trở về và "chạm vào thị trấn khi màn đêm bắt đầu buông xuống".
Bình luận (0)