Không hiểu sao mỗi lần nghe câu hát "Ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ..." là lòng tôi cứ thắt lại. Câu hát ấy như ám vào chính cuộc đời mẹ tôi. Bà cũng ba lần tiễn con ra trận và chỉ có mình tôi trở về.
Người thứ nhất là anh cả tôi. Vào những ngày Pháp bắt đầu khởi hấn trở lại Nam Bộ sau cuộc tổng khởi nghĩa mùa thu 1946, anh tôi lúc đó mới 16 tuổi, trung đội trưởng du kích đường 5, cứ nằng nặc xin bố tôi khi ấy đang là chủ tịch lâm thời tỉnh Hưng Yên cho được theo bạn bè sung vào đội quân Nam tiến. Bố tôi bảo còn nhỏ chưa nên đi, đi làm sao chịu nổi được cuộc hành quân đường trường gian khổ, ác liệt. Nhưng anh tôi vẫn quyết làm theo ý mình. Thế là vào một đêm, anh đã trốn theo đồng đội lên Hà Nội xuôi tàu về Nam...
Mẹ tôi vốn là con gái út của ông ngoại tôi, một viên quan án sát thời cũ của tỉnh Hưng Yên nên bà được học đến hết bậc trung học rồi mới chuyển sang trường thuốc. Hồi nhỏ, mẹ tôi thường có thói quen thích ra công đường xem ông ngoại tôi xử án. Rồi một lần như thế, cô nữ sinh ngây thơ ấy đã xúc động trước hình ảnh một người tù Việt Minh trẻ tuổi mặt mũi sáng sủa, dáng bộ đàng hoàng đang nói cái gì hăng lắm trước vành móng ngựa. Ông ngoại xử cho người tù trắng án vì đang còn tuổi vị thành niên. Mùa đông giá rét, người tù đi ra với một chiếc áo nâu rách phong phanh. Không kìm được, mẹ tôi đã chạy theo dúi vào tay người ấy một tấm áo bông. Mấy năm sau khi ông ngoại đã bị người Pháp cho về nghỉ giữa chừng, do hoạt động phong trào trường thuốc, mẹ tôi cũng bị bắt. Từ khám nữ, mẹ bỗng nghe thấy một tiếng ngâm thơ sang sảng của ai đó vọng sang. Hỏi ra mới biết đó chính là tiếng ngâm của tù nhân trẻ tuổi năm nào. Ra tù, hai người đến với nhau thành vợ thành chồng. Người tù ấy chính là bố tôi, có bí danh Học Phi, nhà hoạt động cách mạng, nhà văn, nhà viết kịch lão thành.
Khi anh tôi ra đi, mẹ không than thở một câu nhưng như bác gái tôi bảo tối nào mẹ cũng ra bờ đê trước nhà, ngồi lặng, mắt hun hút dõi về phương Nam đến nửa đêm mới về. Hai tháng sau, anh tôi gửi về một bài thơ rất dài làm theo thể trường ca khiến cả nhà cứ mừng rối lên như có ngày hội. Riêng bố tôi thì nói, mắt ánh lên vẻ tự hào: "Thằng này sau này không làm tướng thì cũng sẽ thành một nhà văn có tài". Và một tháng sau nữa, gửi về không phải thơ mà là một cái giấy báo tử! Cả đơn vị của anh đã hy sinh gần trọn trong một trận bị địch đánh úp ở Buôn Ma Thuột khi mặt trận Đông Dương bị vỡ. Nghe nói vừa nhìn thấy tờ giấy ố nhòe đó, mẹ tôi đã ngất đi để rồi sau đó, với sức vóc nhỏ bé, cao chưa đến một thước năm mươi, nặng 43 cân, mẹ đã nằm liệt giường đến cả tháng trời... Lúc ấy, tôi mới chào đời nên tất cả chỉ được nghe kể lại.
Gần hai mươi năm sau, khi máy bay Mỹ bắt đầu ồ ạt đem bom ra đánh phá miền Bắc, người anh kế tôi lại hy sinh. Anh tôi có tiêu chuẩn đi học nước ngoài nhưng không đi mà tình nguyện xin vào phục vụ cho một cung đoạn đường sắt có tọa độ bom đạn nhiều nhất ở vùng đất Yên Bái. Đang sơ tán ở xa, nhận được điện báo, tôi vội rời đoàn kịch nói Quân đội hối hả đạp xe cả đêm về nhà. Vừa nhìn thấy tôi, mẹ đã bám níu lấy khóc nghẹn: "Con ơi... anh con đi rồi!". Rồi thôi, từ đó đến sáng mẹ không khóc, không nói thêm một câu nào nữa. Năm đó mẹ đã già, tóc bạc nhiều, sáng hôm sau mái tóc ấy gần như trắng xóa.
Chiều tối, chỉ có thể là vào chiều tối vì ban ngày máy bay Mỹ quần đảo, ngành đường sắt đã tận tình cử cán bộ tổ chức cho mẹ con tôi lên thăm chỗ anh nằm xuống. Từ ga đến chỗ anh tôi phải đi bộ 9 cây số toàn trên đường ray. Gần sáng mới đến nơi. Vẫn mưa. Một nấm mồ nằm ướt nhoét ở ven rừng, trên là một bát cơm, quả trứng cũng ướt nhoét. Không làm sao thắp được hương. Đốt được lên rồi lại tắt. Mẹ nói khẽ như không phải tiếng nói của mẹ: "An ơi... Hãy tha tội cho mẹ… Mẹ đã không kịp có ở bên con để lau chùi tắm rửa cho con trước lúc con đi... Mới tuần trước con về còn mang cho mẹ một nắm bồ kết rừng, vậy mà bây giờ... Con ơi!"…
Năm 1966, đến lượt tôi đi. Nhà hai liệt sĩ không ai bắt đi nhưng tôi cũng cứ nằng nặc xin đi. Hà Nội lúc ấy buồn lắm! Bạn bè, trai tráng ra trận cả. Đến ngay như bố cũng đang lặn hụp ở chiến trường Bình Trị Thiên. Mình ở lại đêm đêm vẽ râu vẽ tóc lên sân khấu hay ngồi im thít trên giảng đường đại học cứ thấy lòng dạ bồn chồn như có cái gì không phải với cuộc đời. Chỉ đến cái đêm tôi sắp đi, lần đầu tiên mới thấy mẹ tỏ ra yếu đuối. Mẹ ngồi ở đầu giường cả đêm nắn bóp chân tay tôi như cái hồi tôi còn bé tí, giọng chìm thoảng: "Hay là mẹ cũng xin vào trong đó nấu cơm cho đơn vị con... ở nhà ngày đêm chờ đợi vò võ một mình buồn lắm"… Thương mẹ héo ruột, tôi nằm im để mặc cho nước mắt rịn ra...
Và sau gần chục năm, đồng đội ngã xuống gần hết mà không hiểu sao tôi lại trở về được. Gần chục năm mù mịt đạn bom, gần chục năm chôn cất không biết bao nhiêu đồng đội, gần chục năm không một lá thư, không liên lạc gì với gia đình, gần chục năm nghĩ mình nhất định cũng sẽ chết. Và như thế, như một quy luật sinh học bình thường, chỉ đến năm thứ hai nếu không chết là các khái niệm cơ bản bên trong con người đều bị phá vỡ cả. Mất khái niệm về thời gian, về không gian, về giỗ, Tết, về sinh nhật. Đến ngay cả khuôn mặt mẹ, khuôn mặt người yêu, khuôn mặt Hà Nội với những rặng sấu, mặt hồ, ngõ phố... cũng mờ dần rồi nhòa hẳn.
Để ngày trở về một ý nghĩ nghịch ngợm chợt lóe lên: Phải cho mẹ một niềm vui bất ngờ bằng cách xuất hiện thật đột ngột, không báo tin, không nói trước, về đúng đêm giao thừa, cái thời khắc mà chắc mẹ sẽ mong chờ mình nhất. Cửa mở. Mùi nhang khói bay ra. Mẹ đang đứng quay lưng lại lầm rầm khấn vái điều gì. Thân hình mẹ đã nhỏ lại càng bé nhỏ hơn. Khẽ hắng giọng. Mẹ giật mình quay lại. Tưởng mẹ sẽ khóc òa hoặc sẽ ngất đi nhưng không. Mẹ chỉ đứng nhìn, đôi mắt trống rỗng như vô cảm. Hồi lâu mẹ mới thả rơi người xuống ghế, thay vì khóc, mẹ lại nhẹ cười, cái cười cũng như vô cảm: "Con đã về rồi đấy à?". Thì ra cái gì mà nghĩ đến, nhớ đến nhiều quá thì cái đó sẽ dần tan loãng ra, biến mất. Nếu ở trong rừng, khuôn mặt mẹ nhòa dần đi trong tôi thì ở ngoài này, khuôn mặt tôi cũng nhòa dần đi trong nỗi đợi chờ cồn cào và vô vọng của mẹ. Kể cả cái ý nghĩ là có thể tôi sẽ không bao giờ trở về nữa.
Năm năm sau, tôi dẫn mẹ đi lấy hài cốt anh ở Yên Bái. Nấm mộ đã chìm trong đất cỏ. Nhờ người tốt bụng đào lên. Bà vẫn đứng như hóa đá, chỉ có đôi mắt trống rỗng nhìn mờ mịt vào những mẩu xương của đứa con được vớt dần lên đặt trên cỏ. Còn anh cả tôi? Vào khoảng những năm 90, sức khỏe mẹ đã yếu lắm. Một lần bà thều thào bảo hay là cho mẹ vào thăm nó một tí. Tôi thầm hiểu bấy lâu nay mẹ cố bám víu lấy sự sống mỏng manh là vì cái gì. Tôi quyết định vào Buôn Ma Thuột, tìm được nơi anh tôi và đồng đội đã hy sinh theo sự chỉ dẫn của bà con. Tôi hốt một ít đất dưới tấm bia tưởng niệm ấy mang về cho mẹ. Mắt mẹ sáng ấm lên, cứ mân mê gói đất như mân mê một cái gì thân thiết nhất. Và ba tháng sau thì mẹ tôi đi. Đi một cách thanh thản, nhẹ nhõm...
Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ... Có những người mẹ mười lần tiễn con đi là cả mười lần con không trở về. Mẹ tôi mới có hai. Có sự hy sinh nào bằng sự đợi chờ dằng dai và nỗi mất mát đau đớn đến thành như tuyệt vọng trong đáy lòng người mẹ. Cuộc chiến tranh này, niềm vui chiến thắng huy hoàng này trước hết và trên hết thuộc về những người mẹ. Mẹ Việt Nam!
Đợi mẹ trước cổng nhà lao
Khi tuổi đã cao, đôi chân yếu nhiều, lại mắc bệnh loãng xương, bị ngã phải bó bột cánh tay 3 lần, mỗi sáng mẹ tôi vẫn ra chợ đi dạo một vòng qua các quầy hàng và mua vài món đem về. Đoạn đường từ nhà ra chợ không xa nhưng phải đi ngang qua chỗ rào chắn đường tàu hỏa lúc nào cũng đông người và xe, khá nguy hiểm. Khuyên can mẹ nhiều lần không được, chúng tôi nghĩ là những món mình mua không vừa ý nên mẹ muốn tự tay chọn thức ăn theo sở thích.
Sau này, khi mẹ đã nhường hẳn cho chúng tôi việc chợ búa, tôi mới hiểu ra rằng mẹ thích đi chợ mỗi sáng chỉ là để đỡ nhớ những ngày bán hàng ở chợ Đồng Cát - gánh hàng đã nuôi tôi ăn học 20 năm ròng, hình ảnh giống như trong bài thơ "Màu mực tím" của Kiên Giang: "Gánh hàng oằn nặng, quãng đường xa/ Bóng chiều nghiêng xế trên lưng mẹ…".
Một lần ngồi soạn lại những kỷ vật của cha mẹ, tôi tìm được tờ giấy khai sinh của mẹ. Dò lá số tử vi, tôi thấy cha mẹ cùng một tuổi và cùng mạng Lộ Bàng Thổ. Đất ven đường đi, hèn gì số cha mẹ tôi gian nan quá đỗi. Tử vi còn nói tuổi cha mẹ tôi mà lấy nhau thì phạm vào Tuyệt mệnh - một trong hai người phải chết trẻ - và quả đúng như vậy. Chỉ có một chút an ủi: Thường vợ chồng có một người mất sớm thì người còn lại được phù hộ sống bù số tuổi thọ mà người kia chưa được hưởng.
Hồi nhỏ, tôi nghe thầy giáo giảng rằng văn học luôn nói đến số phận hai nhân vật đau khổ nhất trên đời này là đứa bé mồ côi và người đàn bà làm lẽ. Thầy phân tích thật cảm động hai truyện cổ tích "Tấm Cám", "Sọ Dừa" và thơ Hồ Xuân Hương.
Lớn lên, có chút trải nghiệm cuộc đời, tôi còn thấy hai số phận gian khổ không kém mà lại thật phổ biến trên đất nước truân chuyên của mình: Người lính và tù nhân.
Đọc sách báo viết về chiến tranh và những vụ án oan khuất, tôi thấy tủi thân vô cùng vì số phận hai con người đó rơi vào chính cha mẹ mình. Ngay trong gia đình và họ hàng tôi, nhiều người tham gia hai cuộc kháng chiến nhưng cũng không có mấy người hy sinh giữa trận tiền như cha tôi và bị tù tội lâu ngày như mẹ tôi. Đôi khi lòng tôi thầm trách: Mẹ làm việc gì cũng là để thỏa lòng mẹ, cho xứng với cha, để mẹ cảm thấy gần cha trong tinh thần nhưng cũng vì việc ấy mà tôi bị thiệt thòi, không được chăm sóc.
Từ khi sinh tôi ra cho đến ngày hòa bình, không nhớ mẹ bị tước đoạt tự do bao nhiêu lần. Ngắn thì vài tháng ở trại giam quận, dài thì gần cả năm ở nhà lao tỉnh. Hồi nhà Ngô chủ trương tố cộng, những người đàn bà trong nhà tôi ban đêm còn phải đi giữ cầu để phòng du kích đặt mìn giật sập. Tôi lớn lên dưới mắt nhìn thương cảm của bà con hàng xóm, thầy cô và bè bạn.
Một đứa bé mồ côi cha và có mẹ là tù nhân bị những tổn thương tinh thần không dễ xóa mờ. Nhà lao quận Mộ Đức nằm ngay phía sau công đường quận lỵ, cách trường tôi học chỉ 500 m. Những chiều mang thức ăn tiếp tế cho mẹ, tôi thầm mong không gặp người quen hay bạn học trên đường, không phải dừng lại để trả lời những câu hỏi tò mò của họ. Khi nhà túng thiếu, từ trong tù, mẹ nhắn ra ngoài bảo tôi đi đòi nợ khách hàng mua chịu, tôi chỉ mong họ im lặng trả tiền mà không cần buông lời an ủi, xót thương.
Nhà lao quận nhỏ, hai lớp rào kẽm gai vây quanh, mỗi lần đi thăm mẹ, tôi có thể nấn ná nói chuyện qua ô lưới sắt, nghẹn ngào nhìn mẹ xách lon cơm đi qua khoảng sân nắng vào phòng giam. Một lần, nhờ người lính gác dễ tính, mẹ xin cho tôi vào phòng giam chờ mẹ ăn cơm rồi đem áo quần mẹ về giặt. Căn phòng giam chật chội, ngộp thở, bạn tù của mẹ trải chiếu nằm dưới đất. Họ xoa bóp cho nhau những vết bầm trên lưng, trên đùi vì bị tra tấn, mùi dầu khuynh diệp và cù là nồng nặc.
Khi mẹ bị chuyển ra nhà lao tỉnh, đường sá xa xôi, mỗi tháng dì Bảy chỉ đưa tôi đi thăm một lần. Thân nhân phải đi thăm tù theo đúng ngày giờ quy định, đến nơi nộp thức ăn, thuốc men, quà cáp để lính gác kiểm tra trước khi chuyển vào, chờ nhận được lời nhắn gì đó của người thân rồi ra về. Mẹ tôi thường nhắn cho dì Bảy: "Chị khỏe, em nói mẹ đừng lo, bữa sau em đừng dẫn cháu theo, ít hôm nữa chị về". Nhưng dì Bảy chiều ý tôi, thường dẫn tôi đi theo. Năm lần bảy lượt, lần nào cũng "ít hôm nữa chị về" mà nào có thấy bóng mẹ.
Lần đi thăm đó đúng vào dịp cuối năm, trường tôi vừa được nghỉ Tết. Từ sáng sớm, dì cháu tôi đi xe lam ra bến xe thị xã Quảng Ngãi rồi đón xích lô lên nhà lao ngay cho kịp giờ. Giờ nhận quà trôi qua lâu, chờ mãi mà cổng nhà tù vẫn không chịu mở. Thân nhân tù đứng ngồi xôn xao bên bờ tường nhà giam, nhớn nhác chạy tới chạy lui hỏi thăm nhưng không ai có câu trả lời chắc chắn. Người này nói sắp có một đợt chuyển tù ra Côn Đảo nên lịch thăm bị hủy bỏ. Người kia lại bảo hôm nay cuối năm, có đoàn cấp trên đến "ủy lạo" tù nhân. Dì cháu tôi hoang mang, chốc chốc lại nhổm dậy nghe ngóng tin tức văng vẳng trên loa phóng thanh vọng ra từ sân tù.
Đúng lúc mọi người đều mệt mỏi, không còn gì hy vọng thì cánh cổng tù nặng nề hé ra rồi từ từ mở rộng. Một đoàn tù nhân tay xách nách mang sắp hàng một từ trong sân đi ra, mắt chói nắng giữa trưa đứng bóng. Thân nhân ùa vào cổng, một cảnh ồn ào xáo động diễn ra, chồng ôm vợ, mẹ hôn con, anh nắm tay em… Những người không gặp người thân thất vọng hỏi dồn dập các tù nhân được tha.
Dì cháu tôi đứng như trời trồng giữa đám đông phấn khích, lòng đầy thất vọng nhìn niềm vui của người khác. Bỗng tôi nghe có tiếng mẹ gọi tên mình. Từ trong sân, mẹ tôi bước ra sau cùng, dáng đi mệt nhọc, được một người bạn tù bên cạnh dìu đỡ.
Khi cùng mẹ và dì Bảy về đến nhà, tôi thấy bà ngoại ngồi khóc bên mâm cơm cúng tất niên vừa bưng trên bàn thờ xuống. Đôi đũa bà vẫn để hờ bên mâm như chờ đợi. Tôi chưa ăn gì mà cũng thấy no, không muốn ngồi vào mâm. Tôi đuổi theo con Ki chạy quanh vườn rau của ngoại. Nó vừa vẫy đuôi vừa sủa gâu gâu như reo lên: Mẹ về rồi, mẹ về rồi!
Và tôi biết đó là cái Tết hạnh phúc nhất của tuổi thơ mình.
Bình luận (0)