xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bà tôi

Truyện ngắn của NGUYỄN MỸ NỮ

Bố tôi là con trưởng. Trên bố là bác Cả (người Bắc gọi chị là bác chứ không phải cô, như trong này) và sau bố là năm người em. Con đông là thế mà ông tôi lại mất sớm nên bà khổ lắm cơ!

Bố vẫn hay kể về năm gian nhà ngoài đó, để mà có được, bà đã phải nai lưng kéo từng súc gỗ, khiêng từng cái trụ, đội từng thúng đá; rồi ao cá, vườn tược, đồng nương, đất cát… Tất cả, để tạo nên đã đẫm đầy nước mắt, mồ hôi và bao nhiêu chắt bóp căn cơ lao nhọc của bà. Vậy mà bà đành bỏ để theo bố mẹ tôi vào ở trong này, đủ hiểu bà yêu thương con cháu và gắn bó với gia đình đến mức nào. Có cái hay là sống giữa thị thành hàng mấy chục năm trời, bà vẫn là một bà cụ nhà quê. Với từng cách nói năng, ăn ở, giao du. Do cuộc sống không hiếm lần bố mẹ tôi phải giao cả nhà cửa, con cái cho bà để đi làm ăn xa. Những lúc ấy, bà chăn cả bầy anh chị em chúng tôi cứ gọi là tăm tắp, đã vậy, lại chi tiêu trong gia đình hết sức tùng tiệm, thế mà các cháu bà vẫn khỏe mạnh, giỏi giang.

Đấy là ngày trước chứ sau này bà già yếu nên không thể làm được nhiều nhưng hiếm khi để cho tay chân được yên. Quáng quàng vấp ngã nhưng đi lại liên tục. Nhìn, bắt chóng cả mặt. Và bà nói nhiều lắm cơ! Huyên thuyên suốt ngày mà không đi, không nói lại lăn kềnh ra ngủ. Thức dậy, luôn thò tay xuống áo gối đếm tiền. Ối giời! Có là mấy đồng mà cứ đếm đi đếm lại mãi. Cứ như là tiền tỉ tiền muôn gì đấy không bằng. Cáu nhất là đếm mỏi tay lại ngẩn người ra, rất lâu, rồi hét toáng lên là bị ai lấy mất. Là bằng ông cháu, bà cháu nào vào đây lần mò lấy hết tiền hết bạc của tôi rồi. Và một hai là thằng Thuận chứ còn ai nữa.

Thuận là tên tôi. Mẹ bảo bà biết tỏng là tôi không làm việc đấy, nhưng biết tôi vốn kiệm lời. Có đổ oan đổ vạ thế chứ hơn nữa cũng chẳng hề đối đáp, trả treo nên cứ tôi đổ vấy. Đó là trong rất nhiều lần chứ cái đận ấy. Biết nói như thế nào nhỉ? Vì xấu hổ thật đấy! Tôi cũng chỉ định mượn tạm tiền của bà và trả ngay, khi có thể. Cũng tính mượn lén và trả lén thôi mà. Cơ khổ. Cũng bởi tôi ra trường cả năm mà có mấy hồi... không thất nghiệp nên túng thật đấy. Cũng chỉ là cái việc chẳng đặng đừng, tôi mới đành bấm bụng lấy tiền của bà mà không xin phép. Khiếp! Mãi đến trưa hôm ấy, tôi mới biết được cảm giác của sự trộm cắp và nỗi sợ hãi kinh khiếp đến dường nào. Hồn vía bay đâu mất và tim đập thình thịch, khi nghe bà hô hoán: "Trời cao đất dày ơi! Ðứa nào lấy tiền của tôi hết rồi". Mẹ vội chạy vào:

"Bu dậy rồi à!"

"Phải, đã dậy. Bằng tôi ngủ mê ngủ mết nên mới không vớ được cái đứa đã trộm tiền tôi".

"Hay là bu lại nhầm. Bu thử đếm lại xem".

"Nhầm gì? Bằng mất nhiều. Mất nhiều lắm…".

"Nhưng là bao nhiêu?".

"Vứt toẹt những cái bao nhiêu của nhà chị đi nhé! Ðây biết là đủ".

"Bu thật! Trưa, nhà này có ai thức? Có mỗi bố chúng nó lại ở cơ quan. Chẳng nhẽ nhà con lẻn về, vào buồng giở gối lấy tiền của bu?".

"Con tôi chồng chị không làm thế bao giờ".

"Vậy con chắc?".

"Không. Nhưng là con chị, là cháu tôi".

***

Chửi thật nghĩa là có người có chuyện chưa rồi, bà còn chửi mớ nữa đấy! Có nghĩa là có thể chập tối, đang giấc khuya hay có khi giữa trưa cũng nghe tiếng bà chan chát: "Tiên sư thằng tứ đại đẻ ra thằng ngũ đại. Tiên sư thằng bát đại đẻ ra thằng thập đại. Chúng mày ăn thịt gà mái ấp, nằm sấp trên ổ rơm, có cơm không biết ăn, đẻ con không biết dạy đến phá nhà bà. Một ngọn đòng đòng bằng ba đấu thóc, một góc ruộng lúa bằng nuôi cả nhà mày hết năm. Tiên sư lũ phá hoại…" khiến cả nhà giật mình nhưng liền sau đấy là hiểu ngay và cười. Mẹ không quên chép miệng: "Khổ! Bà lại nhớ quê rồi. Nhớ quá thì thế. Nhớ đến cả ngủ mớ cơ đấy!". Bố phụ họa: "Lại cứ tưởng như ngày còn ở ngoài nhà rồi bị đám con nhà Mại, sát bên nẫng mất mấy ả mái tơ để dành ăn Tết ấy mà". Nhà Mại luôn được bà và bố mẹ nhắc đến. Nhắc mãi nên chúng tôi cũng đã quen thuộc. Nào là nhà đấy là chúa gian tham. Ði đến đâu cũng láo liên cặp mắt rõ ra đồ trộm cắp.

Bà tôi - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ðiểm đặc biệt nhất ở bà là đôi chân với ngón cái choãi ra, bàn chân bẹp gí bám riết trên đất mỗi khi đi đứng. Bố bảo đấy là chân Giao Chỉ rất ít người có và thêm: "Chân thế mà được nhàn nhã. Mà không phải gồng gánh trăm bề ấy mà là chuyện lạ". Và đấy! Ðã rõ sự gánh gồng của bà ngay trong cái nết siêng làm. Chẳng mấy khi bà chịu ngơi tay. Ở nhà, bà muối dưa là ngon nhất. Dưa của bà vàng ruộm, mặn ngọt vừa phải và để được rất lâu. Bà bảo muốn muối dưa ngon là phải lệ thuộc vào cái nắng. Nắng quá là không được, nắng yếu lại không xong. Chỉ cần nắng lưng lửng… Nắng lưng lửng. Hay thật! Là cách ví von của bà. Hỏi, bà giải thích. Thì ra là nắng vừa phải. Nắng, cỡ chín mười giờ. Nhà đông người, dưa cứ phải muối luôn và muối nhiều. Ngày trước, chỉ mỗi mình bà lo tất. Về sau, hôm nào khỏe bà vẫn còn có thể giúp mẹ lựa lọc cắt bỏ những đoạn rau bị hư, úa. Ðược làm việc, hẳn là sở thích lớn nhất của bà.

Ngoài ra, còn đếm tiền như đã kể ở trên rồi nghiện nước vối nữa chứ. Nghiện lắm cơ! Mà cái thứ nước này mới rõ chán chứ! Đăng đắng là... Ngay trên đầu tủ kê cạnh giường bà, luôn để sẵn một bình tích ủ nóng với một cái ly cóc cáy. Bằng ly của bà. Bà dùng thế đã bao năm, nước vối bám chặt đen sì mà đố có cho thay và cọ rửa cách gì cũng không trắng sạch được. Bà bảo uống nước vối phải uống bằng bát đất mới phải. Ði làm đồng về mà có thanh kẹo lạc để nhai rồi có nước vối để tu hàng mấy bát thì chẳng có cái thích nào bằng. Kẹo lạc, mẹ cứ mua bỏ lọ cho bà ăn dần. Bà lại yếu tay không thể vặn chặt nắp đậy nên kẹo hở hơi mềm xìu. Thế là bà lại được cớ chê bai: "Kẹo lạc hơn thua nhau có mỗi cái giòn mà người làm kẹo trong này mới rõ là kém, nhẩy!". Bố cười cười: "Có thế mới phù hợp với răng của bu bây giờ chứ lại". Bà móm mém: "Ừ nhỉ? Phải đấy! Mềm thế mà bu vẫn chẳng nhá được, huống là. Nhưng bu vẫn chỉ thích mỗi kẹo lạc. Mới rõ buồn cười".

Vốn là người hay lam hay làm nên đã đến lúc không thể luôn tay chân được, bà vẫn thích được nhúc nhắc tí tị. Như cách nói của bà. Và cái sự "nhúc nhắc tí tị" đấy là hết đi loanh quanh trong nhà, ngoài ngõ lại ra cái chõng tre phía trước ngồi uống cốc nước vối, ra cái võng mắc bên hiên trái nhà đu đưa. Và đi sao thì đi, ngủ sao thì ngủ, làm gì thì làm cứ đến chiều là phải sai tôi lấy cái ghế xếp có tựa lưng ra ngồi gần giếng. Ở đó, có tàn cây khế rậm lá nên mát rượi. Bà thích ngồi đấy nhìn con cháu làm việc và nói hươu nói vượn cho đỡ nhạt mồm. Ðấy, cũng là câu nói cửa miệng của bà mỗi khi có ai hỏi đến. Hỏi là cụ già mệt sao không vào nhà nghỉ ngơi, ra ngoài này làm gì, khéo gió máy… Chẳng là nhà tôi vẫn có lệ chiều đến, sau giờ học, giờ làm, mọi người đều ở cả sân sau gần giếng. Chỉ vào những hôm trời mưa, cái lệ này mới đành phải bỏ mà thôi. Chiều, bố với tôi và hai thằng em cuốc đất làm vườn, tưới tắm các thứ. Mẹ cùng chị loay hoay với đám rau dưa vừa thu hoạch nơi thành giếng hoặc làm bữa cơm chiều.

Trên bảy mươi, bà có hơi yếu người nên đòi bố tôi đóng cho bà sáu tấm (*) phòng hờ, thế mà đi qua tuổi tám mươi hết sức nhẹ nhõm. Vẫn rất siêng làm việc nhà, vẫn ăn ngủ đều đặn. Vẫn thích tích cóp tiền bạc chỉ để đếm đi đếm lại cho vui với lại cho các cháu mượn. Bà tinh tường lắm cơ! Chị tôi cứ kể nhắc mãi về một thủa nào… Thủa chị hơi biết điệu và đã thích chưng diện nhưng biết cảnh nhà, nào dám mua sắm gì cho mình. Chẳng qua chỉ là những món hết sức rẻ tiền như cái cặp tóc, đôi guốc mới với lại thi thoảng cũng rủ bạn đi quán xá. Chuyện! Ăn uống của người mãi sao được. Họ bao mình dăm lần thì mình cũng phải trả lại lấy một lần chứ! Thế là có những lúc kẹt phải cầu cứu đến bà. Mượn lắt nhắt và hồi có, trả cũng lắt nhắt rồi đôi khi lại giở trò láu cá giả vờ quên. Nhưng không xong với bà đâu nhé! Vì bà nhớ rất rành rọt. Những nào: lần trước mày mượn bà bấy nhiêu, lần sau lại thêm bấy nhiêu, vị chi là… Bây giờ mày trả bà thế này là hãy còn mượn bà thế này, thế này… cháu nhá! Ðúng đến từng con số, đủ hiểu đầu óc bà sáng suốt đến dường nào. Ấy! Là bà không biết chữ đấy. Bà mà được đi học, thật chúng tôi chỉ có nước chạy dài. Nhưng cho mượn tiền cũng vẫn chỉ là chuyện của bà, ngày trước thôi! Ngày bà còn chưa qua cái mốc tuổi tám mươi ấy mà. Giờ, có đứa cháu nào kỳ kèo lắm thì bà cho hẳn mà cho ít lắm, không quên giải thích: "Như thế lại được tiếng tốt chứ cho mượn để chúng mày trả điêu sao. Đây! Chả dại". Hết hẳn cái thú cho mượn tiền bà dồn cả vào việc đếm tiền. Cũng hay.

Thích làm việc, mê đếm tiền rồi hay chửi, uống nước vối, nhá kẹo lạc, ưa ra giếng ngồi mỗi chiều tối… đúng là bà tôi. Và tôi đã nhặt nhạnh tất tần tật và nắm níu, lưu giữ hết thảy. Những nào chân dung bà, tính cách bà... Để ngắm, để nghĩ, để nhớ và trên hết, để thương.

Phải rồi. Rất thương!. 

(*) Sáu tấm ý chỉ quan tài

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo